Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

Dắt mẹ lên chùa

Đường lên chùa Linh Ứng- Bãi Bụt- Đà Nẵng
Từ chùa Linh Ứng nhìn ra biển Pacific
Tóc mẹ màu mây

Mẹ tôi
Cổng trái chùa Linh Ứng



Mẹ rất thích hoa, cây cảnh trong chùa.


Mỏi chân, ngồi nghỉ bên đời.

ảnh:ttqm

Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

Benz


Trong chuyến hành trình qua ba nước Thái Lan - Lào- Việt Nam lần ấy có hai đứa trẻ. Một là Zippo nhà mình và hai là anh Benz. Zippo mười tuổi học lớp năm,  anh Benz 15 tuổi đang học chương trình phổ thông tại Canada, đang kì nghỉ hè nên được bố mẹ cho về thăm Việt Nam. Benz mang họ Brakaitawan- Việt kiều-Quốc tịch Thái lan.

Ngày thứ nhất cả đoàn bận rộn chuyện thủ tục, rồi xe cộ, lại lạ cảnh lạ người. Sang ngày thứ hai Benz đứng lên hàng đầu khi nghe thuyết minh. Ngày thứ ba Benz đã bắt đầu phát biểu chính kiến. Ở cầu Hiền Lương- cũng chính là quê gốc ông bà nội Benz, con kể rằng: nơi con học, có thầy giáo đã nói không tốt về xứ sở, con người Việt Nam. Con nghe và đã hỏi:
- Thầy biết gì về nơi ấy mà nói thế? Thầy hỏi lại:
- Thế em biết gì? Benz trả lời:
- Sao lại không biết- nơi ấy là quê cha đất tổ của em.
Ngày thứ tư Benz ra dáng đàn anh tự nhận trách nhiệm kèm cặp giúp đỡ em Zippo. Hai anh em đã thành một cặp ăn ý. Người lớn trong đoàn  nghe anh Benz dạy bảo em Zippo ai cũng thấy xúc động. Nào là phải học hành chăm chỉ, tìm hiểu bài đến nơi đến chốn. Không được dùng Internet vào chuyện nhảm nhí. Games thì cần biết nhưng không được sa đà... Và đêm ấy tại Hà Nội, đàn anh 15 tuổi ấy dắt  em Zippo đi thực hành máy tính đến 12 h khuya,  mẹ Th một phen thất kinh hồn vía tưởng con đi lạc...

Hành trình chuyến ngược về, người lớn mỗi người một tâm trạng. Người suy nghĩ, kẻ tranh nhau nói. Benz chen mãi mới có được cơ hội. Con nói rằng: “Con muốn nhờ dì Th nhắn gửi đến người Việt Nam. Rằng họ sẽ là gánh nặng, cả nợ nần nữa cho con cháu họ, vì họ hút thuốc nhiều quá. Trong thuốc lá có đến hơn 4000 chất độc khác nhau. Chất độc sẽ tích tụ trong cơ thể, và họ sẽ bệnh tật. Bệnh tật + nghèo đói =  bất hạnh.”

Chia tay, hai đứa trẻ bịn rịn không muốn rời nhau. Bố mẹ anh Benz thấy vậy động viên: rồi khi có dịp, bố sẽ lại cho con đi Việt Nam. Benz sửa lại lời bố: Không phải đi, mà là về bố ạ! Vì nơi đây là quê hương, nên con sẽ về.
Chờ nhé Zippo. Anh sẽ lại về!

Trích từ nhật kí những chuyến đi.- TTT

Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

Ba mươi năm lớp chúng mình


Huế ngày 11, tháng mười năm 1982:
25 đứa gái trai mới lớn quê từ Quảng Bình rải dọc vào Quảng Trị TT- Huế, Quảng Nam- Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định Quy Nhơn... có tên trong danh sách được gọi vào lớp SK6- ĐHTH Huế.

Buổi đầu, mắt đen tròn nhìn nhau ngập ngừng. Mấy đứa học trước ở Huế như ĐVH, BMĐ, TTM ra vẻ từng trải nhìn bọn mới đến sau. Dân Huế gốc Huế ngọn:  ĐTD, NĐN, NHL, PHM, VMD, HN... ra dáng chủ nhà. NVN, N ĐH đến từ đất lửa Quảng Trị. Các bạn phía nam đèo Hải Vân VNĐ, HTT, NĐB, TQS, LH,VĐT ...ngơ ngác với vẻ đẹp Huế- kinh đô một thời. KO đứng khóc tỉ ti bên hàng hiên cư xá...Có đôi ba đứa như mình và TA hoang mang vì không hiểu sao mình lại học khoa Sử (?)

Khoảng chừng tháng sau đó, không còn ai có ý chuyển ra chuyển vào gì nữa. Chúng mình 25 đứa: 22 anh và 3 nàng, sáng lên giảng đường, trưa chờ cơm kẻng, chiều tối đi thư viện, chủ nhật từng nhóm đi chơi nơi này nơi khác, đêm về  rôm rã chuyện đêm khuya.

Sang năm thứ 2, bổ sung thêm một số gương mặt đáng yêu cho lớp đó là NB,MVD, TQT, NHÂ... Chẳng mấy chốc tất cả kết thành một khối. Các bạn lớp khác hay trêu đùa- các anh SK6 đẹp trai. Chúng mình nghe khen thế thì sướng lắm. TBN hát vang bài Tiểu đoàn 307. TA đa tài với một bờm tóc, ĐTD là hình ảnh đẹp rất nghệ sĩ. Mùa lạnh bạn thêm chiếc áo khoác badesi trông như diễn viên ngoại quốc. NHL nhìn thư sinh nhất lớp, lại đá bóng rất cừ khôi, những trận bóng đá trong sân cư xá 27 Nguyễn Huệ, ba đứa con gái chúng mình cũng bỏ học theo gào cỗ vũ khản cả cổ.

Đêm vui, có đứa lấy gàu múc trộm rượu- (thật ra là cồn) trong xưỡng rượu của trường. Cả bọn  uống say, mửa thấu mật xanh mật vàng.
Năm thứ ba, thầy Thịnh chủ nhiệm lớp, nhiều  đứa trốn học đi theo lễ Kỉ niệm 10 năm giải phóng bị thầy phạt viết bản kiểm điểm.
Năm thứ tư phân chuyên ban- tách lớp, đứa nào cũng dùng dằng không muốn đi. Bảo vệ luận văn xong cũng là chớm bắt đầu chia xa.

Chúng mình đã cùng nhau đi qua những mùa đông rét mướt đói lạnh đến thấu xương. Ngồi trên giảng đường áo phong phanh, lạnh run cầm cập. Mấy đứa sáng kiến xé vở cũ đốt hơ tay cho ấm. Vài anh bắt dế rít vài hơi đỡ lạnh... Nghỉ giữa giờ, chen nhau nơi cửa sổ nhìn ra đường Hùng Vương dưới mưa sa.

Chúng mình cũng đã từng khờ dại, lỗi lầm, từng yêu để  rồi hạnh phúc và khổ đau...Chúng mình đã cùng nhau đi qua những ngày buồn vui đáng nhớ nhất trong quãng đời đẹp nhất của thời trai trẻ.

Ba mươi  năm rồi, và còn được bao năm nữa?
Con của chúng mình có đứa năm nay bằng tuổi ba mẹ chúng của 30 năm trước...   Chẳng mấy nữa, chúng mình sẽ lên sui, lên ông lên bà.

Kỉ niệm 30 năm ngày khai sinh lớp Sử K6, đứa này nhường đứa kia, đứa kia chờ đứa nọ...nên ngày 11/10 của 30 năm  qua đi, chỉ có mấy dòng của H từ Sài Gòn, còm của S và mấy dòng nhiều ý nghĩa của L: "ĐVH ơi! Mình cũng luôn nhớ về ngày này với nhiều hoài niệm chất chứa"
Bạn bè ơi, thương nhau chín bỏ làm mười, cho hạnh phúc được nhân lên cho muộn phiền được chia xẻ.
T

Thứ Năm, 11 tháng 10, 2012

Ba lần gặp ông Đại Sứ

Lần thứ nhất vào dịp Festival Huế 2004, tại KS Century. Cô giáo Elle người Thái dẫn mình đến chào ông. Đó là một người đàn ông trạc 59-60, cao to lịch lãm trong bộ vest đen.  thoạt nhìn đã thấy là lạ cái cảm giác như tin cậy. Cô giáo mình chào ông rất thành kính không dấu sự ngưỡng mộ. Mình lại nghĩ: đó là chuyện của người ta.

Lần thứ hai, chừng một năm sau đó, khi mình nhận phiên dịch cho một đoàn khách gồm các nhà hoạt động kinh tế TL. Khách ở cái thể mà ông Đại Sứ một điều dạ, hai điều dạ và khi chào tay đưa cao, đầu cuối thấp- (thể hiện sự tôn trọng). Chương trình là đón đoàn ở sân bay ĐN lúc 11h30, vậy mà mới 6h sáng điện thoại đã réo. Đầu dây bên kia giọng thuần chất ngoại giao: Tôi là Đại sứ toàn quyền Thái Lan tại VN đây. Cô dịch cho Đoàn khách CP chúng tôi hôm nay phải không? Mình nhận là phải, nhưng bảo chưa đến giờ, rồi tự cúp máy. Chừng nửa giờ sau ông lại điện đến, nói là đang chờ ở  sân bay ĐN, bảo mình đến ngay. Mình bực bội trả lời: đoàn 11h 30 đến, 11h15 tôi sẽ có mặt. Lòng nghĩ chắc một nhân viên nào đó của Bộ Ngoại giao tự xưng là đại sứ đây. Ông đại sứ mà rảnh vậy ư?. ...11h mình đến sân bay thì trời ạ- Đó là ông Đại sứ đặc mệnh toàn quyền TL... Cái ông mình từng gặp ở Century năm 2004 ấy.

Mình  theo đoàn, cũng là theo ông suốt mấy ngày ở Miền Trung. Hội nghị này rồi họp kia. Trước buổi gặp mặt Tỉnh ủy TT-H ông bảo mình: chiều nay có buổi gặp quan trong, cô ăn mặc nghiêm chỉnh nhé. Mình hỏi lại nghiêm chỉnh kiểu gì? Tôi mặc áo dài VN được không! Ông báo : Không! Cô mặc vest như chúng tôi. Cô là người của chúng tôi. Và mình đã làm vậy. Ông nhìn mình gật gù.

Hội nghị xong hai bên tặng quà cho đoàn. Bên TT-H cũng trao cho mình một suất quà. Mình nghĩ họ nhầm mình người TL nên trả lại và nói: tôi là người VN và chỉ làm nhiệm vụ phiên dich. Ông Lý ngớ ra nhưng rồi bảo: em nhận đi, người ta mình còn tặng được nữa là mình, sao lại không!(?)

Ngoài gờ làm việc đoàn còn đi tham quan nơi này nơi khác ở Huế. Ông ĐS đã hướng dẫn rất nhiệt tình. Ông nói được cả những điều về đất và người quê mình, mà rất nhiều người Việt Nam chưa chắc nói được. Mình ngồi nghe, dần thấy quí ông. Mình thấy ân hận vô cùng chuyện ở sân bay hôm đón, nên xin lỗi. Ông bảo: không sao. Tôi cũng sai vì đã gọi cô sớm quá, mà cũng là do tôi lo cho công việc... Lần ấy ông cũng đã kể là lo chuyện Festival Huế 2004 như thế nào. Huế dạo đó mưa dai dẵng  Rồi ông hạ giọng ra chiều bí mật: tôi đã vào điện thờ trong Đại nội cầu xin vua Gia Long giúp đỡ, và thần kì thay, mưa đã ngớt trong giờ làm lễ. Cô thấy không- phép lạ có thật đấy( Ông tin là vua Gia Long đã nghe lời ông khấn cầu mà xua mây đi cho mưa ngớt) Ông nhắc mình về niềm tin và sự chân thành. Mình hiểu, ông nói từ gan ruột và coi mình như một đàn em.

Lần thứ ba, ông dẫn đoàn khách liên hợp Chính Phủ Thái Lan đến Miền Trung. Lần này ông đã thôi chức Đại sứ, về  nước nhận một công việc khác trong CP. Đoàn này lớn lắm.  Mình và ông đã biết nhau hơn, đã là người quen nên trong cách đối xử có phần phe ta hơn... Ở nhà Tấn Ký Hội An ông tâm sự về điều đúng điều sai và ngậm ngùi cho thân phận cựu thủ tướng Thaksin shinawatra. Khi xe chở đoàn chạy dọc đường Lê Lợi - Huế, ông bảo: H cho anh thuyết minh nhé. Và ông đã nói về Huế say sưa qua cách nhìn của một người thiện cảm. Ngoài giờ, mình trêu ông: hay là ông có nỗi niềm gì với con người mãnh đất nơi đây. Ông ậm ừ: chắc thế H ạ!

Chỉ vậy rồi thôi, việc ai nấy làm. Khi đoàn theo đường Xuyên Á ngược về Lào, trên xe mình ngồi cạnh ông. Thấy ông mãi mê đọc, không biết làm gì, mình cũng đọc ké. Đó là tài liệu nội bộ về nước Lào mà mình chưa hề biết. Thấy mình đọc và  hiểu, ông cho xem và giảng giải ... Ông nói ông cảm giác mắc nợ người Lào vì Tổ tiên ông đã từng có lỗi với hiện trạng nghèo khó của đất nước này. Mình nghe ông, thấy vỡ ra nhiều điều... thầm biết ơn nghề phiên dịch đã cho mình có dịp gặp ông- một nhà ngoại giao tâm huyết. Và hơn hết thảy ông biết yêu, biết trăn trở về mãnh đất con người không chỉ của đất nước ông.

Từ ngày rời bỏ công việc, mình chưa có dịp gặp lại ông Đại sứ- giờ đã là là nguyên đs. Kỉ niệm về ba lần gặp ấy cho mình ấn tượng về một nhà ngoại giao của xứ sở nổi tiếng về nụ cười thân thiện- đất nước SIAM . Đất nước mà chính bằng  tài ngoại giao, họ đã  tránh được đến mấy cuộc chiến tranh, và vẫn giữ được vẹn toàn lãnh thổ.
ttt



Thứ Hai, 8 tháng 10, 2012

Sinh nhật con gái


Muốn viết điều gì đó cho gái, nhân ngày con  tròn mười bảy tuổi. Lòng rộn ràng cảm bao cảm xúc, nhưng ngôn từ dường như bất lực.

Chỉ biết cám ơn trời Phật, cám ơn ông bà tổ tiên đã ban cho mẹ được đứa con gái ngoan hiền, nết na, biết yêu thương, nhân hậu.
Cám ơn con đã sinh ra làm con mẹ, để cùng lặn lội trong cuộc đời lắm gian nan chìm nỗi của mẹ.
Mẹ nghe ở đâu đó người ta nói: tu mấy kiếp mới sinh ra được làm mẹ con, mới được ngồi ăn cơm cùng mâm... Mẹ không biết ở những kiếp trước mình đã làm những gì, chỉ biết kiếp này nguyện giữ lòng mình thanh sạch, để nếu được sinh ra ở kiếp sau, lại được sum vầy mẹ con, anh em như chúng ta đã đang có bây giờ.
4h sáng ngày này mười bảy năm trước, tại bệnh viện Mahosot- bên bờ sông Mekong Viêng Chăn con cất tiếng khóc chào đời. Phút giây ấy cuộc đời mẹ bỗng trở nên viên mãn.

Mẹ lặn lội ngày dài đêm thâu,  như con ong con kiến ngày ngày cần mẫn... Hạnh phúc là cái gì rất xa xỉ như ngoài tầm tay với, mẹ chẳng dám ước ao,  nhưng con và anh Zippo là hai báu vật mẹ có được trong đời.
Viết nhân ngày con gái mười bảy tuổi:8/10/1995-8/10/2012
Mẹ Th

Thứ Năm, 4 tháng 10, 2012

VỀ BUÔN MA THUỘT


MD sở NVĐN gọi:
-Chị Th có lên Buôn Ma thuột được không -  dịch giúp bên ấy vụ tai nạn ...
Mới nghe đến đó lòng đã thấy xốn xang. Vậy là hành lí lên đường. Sâu xa trong lòng còn là muốn đến   thăm nơi NVN bạn  SK6 chúng mình đang sống.

Trời thu êm dịu. Sau gần một giờ bay trên chuyến VN airlines nhỏ nhắn mình đến BMT. Huy - đón ở sân bay, nhận đúng chị Th dù mới chỉ thấy ảnh trên thẻ qua Fax.
 
Chừng 8km thì về đến trung tâm thành phố. Nhận phòng tại nhà khách 61 Lê Thánh Tông. Ăn cơm trưa ở nhà hàng với các món hỗn hợp: cà muối+ canh riêu, cá lóc kho tộ, thịt bò xào rau cần... hạt cơm từ gạo vùng nào không biết mà dẻo thơm đến vậy.

NVN muốn đãi bạn cơm tối, nhưng mình nói thôi, vì lo công việc.Chiều hôm đó bạn chở mình về thăm nhà, rồi lang thang phố phường. Nhìn no mắt đủ thứ hàng hóa từ các vùng miền. Nghe đầy tai đủ các giọng nói từ Hà Nội đến Sài gòn. Nhiều nhất là người Bắc rồi đến Quảng Ngãi, Quảng Nam, Huế, quảng Bình,... như nơi này là một bảo tàng dân tộc học vậy.
Tối về, điện thoại cho LT Sửu, bạn hồ hởi bảo phải gặp anh em bạn bè trên đó. Mình khônhg dám.

Sáng ngày thứ hai, tự tìm đến một quán "bún bò Huế" ăn xong mới biết nó chỉ là bún bò- không có Huế chút nào hết. Bún giá 35 000 đ- 40 000 đ/tô. Bù lại sau đó được uống cùng H. ly cà phê dịu ngọt. đúng nghĩa Ban Mê.
Sau buổi làm việc đầu tiên. Cơm trưa căng tin. Ngon và đầm ấm. Các thủ trưởng mang đến bia. Có cả một con gà luộc rất ngon lành. Chưa kịp ăn miếng nào vì sợ bị ép uống bia, ảnh hưởng việc buổi chiều, ba chị em bảo nhau chuồn lẹ...Công việc đi đúng theo dự định.  Tạm yên lòng.

Tối đến, mọi người lại mời cơm. Mình vốn ngại chốn đông người ngại tiệc tùng, nhưng nễ anh em nên cũng theo. Nhà hàng Đại Lợi thết kế dốc- từ mặt bằng đi xuống tưởng không biết chừng mô cho hết. Món lạc chiên dầu trộn muối ăn vào cho khát bia. Thịt cá lăng nướng, đầu đuôi thì làm lẫu ăn kèm bún. Con tép quê biển phơi khô lên đây trộn với bắp chuối rừng trở thành đặc sản nghe thương thương sao.Chuyện rôm rã. Mặc cho mỗi người đến từ một quê khác, góp một giọng nói khác. Giọng Quảng quê mình ở đây thiên hạ nhại thành trò.Cười hở hết cả răng.

Định xong việc sẽ vào bản Đôn, nhưng không thành. Thôi hẹn dịp khác vậy.

Buôn Ma thuột ngày chia tay trời bỗng mưa.
Tạm biệt một miền quê xinh đẹp nữa của tổ quốc mình.
Gửi lại nơi đây bạn bè tôi: người cũ nghĩa nặng đã ba mươi năm, người mới lần đầu tôi gặp. Tạm biệt những con đường lớn với hành lang rộng rãi có hàng cổ thu che bóng mát cho người đi bộ. Tạm biệt những phố nhỏ dốc đứng dốc nghiêng. Tạm biệt em gái Buôn Mê tóc dài da trắng. Chào nhé, những trai bản trai làng ra phố  với khuôn mặt đậm nét Tây nguyên. Chào chị bán bánh rất thật thà bên hè con đường lớn. Sắp xa rồi những chợ lớn chợ nhỏ thoáng nét duyên quê níu chân du khách.

Hành trình 50ph bay đưa tôi về lại miền quê bên bờ biển. Ngoảnh lại phía mờ xa - bạn tôi ở lại trên rừng.



Chú em hd dễ thương 

Đường từ sân bay về thành phố


Nhà khách 61

Con gái Ban Mê

Dẫn máy bay đi bộ

Đất trời Ban Mê ngày chia tay

TTT