Do tiện đường, soeur Oanh và các soeur mỗi khi đi Huế thường đem xe gửi nhà mình. Khi một chiếc, có khi ba bốn chiếc, khi một hai ngày, có khi năm bảy ngày, chật kín cả lối đi. Sợ chồng phàn nàn, mình thuyết phục anh và cũng để răn dạy các con: họ là những người tu hành, mình giúp được gì thì nên giúp...
Nên thành lệ, chiều nay có một soeur lại từ ngoài Huế vào gọi cửa lấy xe. Rồi soeur nói: Em mời chị ăn mứt gừng do chính các chị trong nhà dòng của em làm. Mình nghe cứ tưởng chị muốn cho mình ăn thử vài lát cho vui nên đồng ý. Không ngờ chị lại lấy ra cả một gói, rồi cố gắng thanh minh như người có lỗi: này là gừng nguyên chất, không có chất phụ gia nên nhìn không đẹp, nhưng ăn tốt lắm... Xin biếu chị! Mình không biết nói thế nào để mà từ chối, còn nhận thì nghe thương nghe xót như mình đi ăn tranh phần của người nghèo. Bởi cuộc sống thanh đạm từ nguồn thu nhập ít ỏi của các soeur mình chẳng còn lạ gì.
Soeur đi rồi, mình ngồi lại bần thần với gói mứt gừng, món quà tết từ Huế, rồi miên man với những hồi ức tận thưở nào. Nhớ hồi đi hội La Vang năm ấy mình dẫn đoàn các Cha đi hành lễ, sơ ý bị xe thồ cướp nguyên thùng thức ăn dự trữ. Cha Xứ La Vang (hình như thời đó là cha Quý), đã mời cả đoàn gồm 3 Cha và mấy chục bà con họ đạo ăn ở theo tiêu chuẩn khách. Nghĩ về chuyện để mất đồ mình áy náy vô cùng, nhưng cha trưởng đoàn lại khen mình đã đưa được đoàn vượt qua hàng mấy trăm ngàn người hành hương để đến nơi kịp giờ hành lễ. Cha bảo thực phẩm mang theo cho đoàn mất đi cũng đã được bù lại tốt hơn rồi. Sao con còn băn khoăn làm gì. Mình hiểu đó là lòng vị tha, đó là cha an ủi mình. Là món quà tinh thần mà mình nhớ mãi.
Rồi lần khác ở sân bay Đà Nẵng có cậu nhỏ vi phạm luật hàng không việt Nam, gây ra rắc rối. Cả đoàn đã vào phòng các ly Cha xứ dẫn đoàn vẫn phải đứng lại chờ. Mình chạy đôn chạy đáo mệt bở hơi tai... May nhờ anh em an ninh hàng không giải quyết có lý có tình nên rồi mọi chuyện cũng qua. Cha trưởng đoàn nói điều làm mình bất ngờ: Cha người tu hành, chẳng có vật chất của cải gì quí giá, chỉ có ở đây một cái túi vải và một chiếc khăn choàng cổ, nếu con không chê cha muốn để lại cho con. Nói rồi cha đeo túi xách vào vai và tháo khăn choàng cổ khoát cho mình. Vì cha là người Thái Lan nên điều cha nói chỉ mình mình hiểu, nhưng nhìn cảnh đó những người chứng kiến ai cũng rưng rưng. Những vật kỉ niệm thiêng liêng ấy mình cất giữ như báu vật.
Soeur Oanh trước khi thành nữ tu là cô bé cháu dì Đàn nhà số 29/3 Nguyễn Huệ. Quê Oanh ở làng Ngọc Hồ gần Điện Hòn Chén, dạo đó ở quê chưa có trường nên em về Huế trọ học. Nhà ba mạ Oanh vườn rộng cả mẫu với cơ man là vả là thơm là nhãn... mùa nào thức ấy. Có dịp em đều mang cho mình, còn phân chia rạch ròi: cái này để chị Th cho bạn, cái này để chị Th ăn dần....
Chọn đường tu rồi khấn trọn đời Oanh thành người của Chúa. Mấy năm nay soeur Oanh được luân chuyển về một nhà thờ ở Đà Nẵng. Chuyện lớn chuyện nhỏ phía bên đời Oanh vẫn như người em nhỏ, vẫn gọi mình bằng chị xưng em. Năm thì mười họa em đến, chị nấu cho bát mì, em ngồi ăn nói chuyện lúc ngây thơ như hồi tuổi mười một mười hai lúc lại uyên thâm như một học giả. Noel Oanh dẫn các chị bạn nữ tu đến chơi, mang cho chị nó chiếc bánh Gatô to thơm lừng làm chị thấy xấu hổ. Có ai như mình vậy, ngồi không ăn bánh của các chị? Rồi hôm nay lại nữa- mứt gừng cũng của các soeur đem đến.
Số phận chăng. Mình- một người ngoại đạo không có đức tin lại nhận được nhiều thương yêu tin cậy như vậy từ những đấng tu hành khi thì nơi cửa Phật lúc lại là người của Chúa?