Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

Bố chồng


Ở xứ mình bố chồng được gọi là ông gia. Mình mồ côi cha từ nhỏ, nên khi lấy chồng, ông gia là sự bù đắp - là cha. Ông gia gọi mình là con, Tiếng con nghe nhân từ ấm áp.

Ông gia  mình cũng là con mồ côi, rời quê Điện Ngọc, Điện Bàn theo ông cậu tham gia kháng chiến từ nhỏ, rồi xây dựng gia đình ở một miền quê khác. Ba cũng đau đáu trong lòng nỗi nhớ quê da diết.
Có lẽ từ tình thương và lòng tin với đứa con trai cả, ba mở rộng tấm lòng nhân ái đón mình vào nhà. Từ ngày có con dâu người cùng quê, ba vui lên, một câu cũng Điện Bàn mình, hai câu cũng Điện bàn mình... Chồng mình bảo: chừ ba có đồng minh rồi.

Ngày nghỉ hiếm hoi mình về quê, tranh phần quét lá, dọn vườn cùng ba. Trước nhà có cái ao nhỏ lèo tèo mấy con cá. Ba cứ tiếc là chưa dịp nào bắt được lấy một con cho mình nấu canh. Để bù lại ba xách bao lên đập Phú Ninh gần đó kiếm con ốc con vọp về để có cái cho mình xào nấu. Vợ chồng, cha con xì xụp húp món cháo vop ngon lành. Ba vừa ăn vừa khen: ngon thiệt! Ba thích nhất cá chuồn chiên nghệ tươi, giò sống nhồi khổ qua. Liên hoan thì món cháo gà lòng thả.

Được động viên mình sung sướng lắm, đi đâu thấy của ngon vật lạ đều khuân về. Có lần mua được miếng thịt bò ngon, mình quyết tâm đãi ba món bò nhúng giấm. Do quá mệt, mình  xắt thịt mà mắt nhắm mắt mở, ba đến bảo: cất đi, mai hẵn làm, mày cố gắng lắm lại cắt vào tay đấy con ạ!

Có lần chồng mình nhậu nhẹt với bạn nửa đêm chưa về, mình lo quá ra ngồi chờ ở phòng khách, không dám bật đèn sợ ba thức giấc. Vậy mà ba cũng biết,  đến bảo: con lo cái chi, hắn lớn rồi, đi được, khắc về được.

Trước những va vấp đời thường ba khuyên: phải kiên nhẫn con ạ, rồi đâu sẽ vào đấy. Sóng gió gia đình ba nhỏ to: vợ chồng là số phận do ông Tơ bà Nguyệt dùng giây tơ hồng buộc lại với nhau. Sợi tơ hồng mỏng manh vậy mà chặt lắm!

Rồi mình đi xa, dạy học mãi tận bên Viêng Chăn, thủ đô nước Lào. Đôi lần ba nói xa nói gần. Về đi con! Về làm nhà, sinh con rồi ba đến giữ cháu cho vợ chồng mày đi làm. Nghe thương lắm, nhưng rồi cuộc đời cứ cuốn mình đi mãi... Một lần nghe tin ba đau nặng, mình về thăm. Ba mừng lắm. Hồng đứa em bạn dâu kể: hôm nằm phòng cấp cứu ba nói: anh Tr, chị Th con ở xa, ba chết chắc nó chẳng về kịp...
Mình về hỏi: ba  muốn chúng con về gần phải không? Ba đang nằm trên giường bệnh bỗng ngồi bật dậy nói: muốn! muốn lắm chớ! Nguyệt - chú em kế của chồng ngồi gần đó nói: ba già rồi cứ muốn gần con cháu nên nói vậy thôi. Chị đừng làm xáo trộn cuộc sống mãi mới ổn định được. Ở nhà còn có chúng em.

Mình chuyển cả nhà về lại Việt Nam được gần hai năm, ba chừng như  khoẻ lại, đã có được vài lần về thăm quê Điện Ngọc, thắp hương ông bà tổ tiên. Ba tự đi, nhưng lại bảo nhờ Th ba được về quê. Ba vui.

Rồi ba lại vào viện. Mình đang ốm. Chồng mình bảo anh đi chăm ba, mình  cứ ở nhà, hôm nào đỡ hẵn vào thăm.
Anh đi rồi mình cũng đi. Vào đến nơi ba đã liệt nửa người, không còn nói được. Mình gọi trong vô thức. Con là Th này, con về đây rồi, ba có thấy con không?  Mắt ba chớp chớp, phía đuôi mắt có giọt nước ứa ra, lăn dài. Nửa giờ sau thì ba  hôn mê. Rồi mất.

Mấy đứa em con cô con chú bảo : bác Hai tin tưởng chị, chị vào sàng cát mà liệm cho bác. Vâng ba ơi,  đã vậy thì...
Có các em phụ giúp, mình sàng đi sàng lại đến ba lần, phồng rộp cả bàn tay. Rồi đứng đó chứng kiến  người ta liệm ba mình với nào cát nào trà thơm, nào hoa nhài.

Sư và các thầy trên chùa đến làm lễ theo truyền thống, mình hầu lễ:  hết lạy lại quỳ. Cuối lễ, Sư thương tình  nói: con ở xa, xin lấy ba chân nhang về lập bàn thờ mà cúng vọng cha. Nguyệt em chồng mình nói như khóc: Chị Th viết văn tế cho ba đi.

Đó là bài văn tế đầu tiên trong đời mình, viết cho ba chồng,  Bài văn tế ngắn gọn, trong ấy chỉ dám nói một phần nhỏ tấm lòng của đứa con dâu. Viết hết ra thì gan ruột nào mà đọc cho được.

Ba mồ yên mã đẹp rồi, mình nghe hụt hẫng lắm.Có lần tình cờ đi qua  cửa hàng, nơi trước đây vẫn hay mua quần áo cho ba, lòng nghe rưng rưng. Chừ còn ba nữa đâu, quần áo đẹp, mũ phớt... con còn biết mua cho ai?

Hôm nay mùng bốn, tháng năm, năm hai ngàn mười hai, theo lịch ta.
Ba đi đã sáu năm rồi, sao lòng mình vẫn chưa nguôi.

Thuỷ





Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2012

Bạn và vợ bạn


Ra Quảng Bình lần ấy, mình quyết tìm về lại nhà Trần Bình Nhật cho bằng được. Trước khi đi Hoài Nam có truyền kinh nghiệm: phải nhờ ai đưa đi, Th không thể tự mình tìm được nhà Nhật đâu. Còn nếu gọi điện thì hắn cứ ậm ừ rồi không đến.

Mình nhờ anh Giang Lam bạn Nhật dẫn đường, chứ không điện thoại réo, hoặc nhắn ai đó rồi ngồi chờ...để cho hắn cứ không đến.

Hai mươi năm từ ngày ra trường, mới được  gặp lại, Bạn và mình lúc tranh  nhau hỏi, lúc thì im lặng. Ba mẹ Nhật đã mất, nhà cửa vườn tược thay đổi nhiều lắm. Cái mái hiên nhà nên thơ, đẹp thanh cao như trong tranh vẽ,...  cây mít đầu hè trĩu quả năm nào mình và Hoài Nam đếm mãi vẫn nhầm, giờ không còn nữa.

Trần Bình Nhật bạn mình đã là  bố của hai cậu con trai dễ thương, bên cạnh người vợ hay lam hay làm.

Trò chuyện một hồi, vợ Nhật đòi làm cơm tối đãi bạn chồng. Mình nói đã ăn ở ks rồi, không thể nào ăn thêm được nữa. Không được mời cơm bạn, hắn ra chiều suy nghĩ lung lắm, rồi thì thầm cái gì đó với vợ. Vợ Nhật tất tả đi, rồi lại lật đật về. Người dọn bàn , kéo ghế, kẻ sắp chén đũa. Vợ chồng con cái hắn xôn xao, đến là vui.
  
Cả một bàn bánh bèo nhân tôm được dọn lên. Trên những chiếc đĩa màu xanh nổi bật những chiếc bánh bột nhỏ gọn  trắng trong, nhân tôm màu đỏ, trên cùng còn có lá hành, tóp mỡ, nước chấm ngọt thanh. Ngon lành!

Vì đã no cơm tối, mình cố lắm cũng chỉ ăn hết được một đĩa. Nhật cố ép, nhưng  đành chịu. Ăn xong mình vô tình hỏi vợ bạn: 
      - Sao  mua nhiều vậy?   Vợ bạn trả lời: 
     - Anh Nhật bảo Thuỷ thích ăn bánh bèo. 
Quay sang bạn, chưa kịp nói gì nó đã thanh minh: tau biết mô, hồi xưa thấy Th nói rứa!

Mình đâm ra giận mình. Giận bữa cơm tối của khách sạn  Sun spa resort.
T

Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012

Đi xem bóng đá

Năm đó hình như chúng  mình học năm nhất hay năm hai  gì đó, sân vận động Huế có trận bóng đá giữa hai đội Thể công và Cảng Sài Gòn. Thế nào đó mà VNĐ mua vé cho cả hội đi xem tập thể. Mình ở ngoại trú, các bạn đi ngang rủ rê, thế là  theo luôn.

Quá 3h chiều trận đấu mới bắt đầu, mà sau cơm trưa cả bọn đã kéo nhau đi rầm rập. Mình hỏi Đồng, sao đi sớm vậy? Hắn bảo: đi trễ người đông, khó vào cổng. Chưa đến 1h bọn mình đã yên vị .

Đó là lần đầu tiên mình vào sân bóng, lần đầu tiên biết lòng chảo svđ như thế nào. Ban đầu cũng thấy lạ lẫm, xúc động lắm lắm.
Bọn con trai lớp chừng cũng sung sướng - mặt nào mặt nấy hớn hở, mắt long lanh như bắt được của quí. Cả bọn ngồi phơi nắng giữa trưa hè, đầu không nón mũ gì cả.

Rồi các bạn dần tản đi nơi này này khác, mình không biết đi đâu nên ngồi y chỗ cũ. Có người đồng hương Quảng Nam, tình cờ  đến ngồi cạnh mình - đó là anh “Dũng đen” -  sv trường nhạc. Anh này hình như con lai nên da đen môi dày, tóc xoăn tít. Anh Dũng nói chuyện rất gần gũi. Lời qua lời lại mình thật lòng một cách ngu si hỏi: Sao da anh đen quá vậy?... Anh lặng đi đến mấy phút.  Sợ đã chạm vào riêng tư nào đó, minh vội xin lỗi.
Anh trả lời: Sao em nỡ chạm vào nỗi đau trong anh. Em thử nghĩ xem:

- Đ Q Mỹ thả chất độc xuống quê mình nhiều thế,  cây cối trên rừng còn cháy trụi, huống hồ là anh!

Trận đấu diễn ra. Mình chăm chú xem, đúng nghĩa của đứa lần đầu được xem bóng đá trực tiếp. Thỉnh thoảng có pha hay,  Dũng đen đưa tay xô một cái mạnh, mình ngã  chúi xuống phần ba lòng chảo sân, lại lồm cồm đi lên...

Sau này quen thân rồi con người bị “chất độc da cam đốt cháy” ấy kể rằng, hắn biết mình vẫn nghe hắn hát. (Hắn vẫn hay ngồi hát dưới tán cây bàng sau cửa sổ phòng G4 của chúng mình)  Hắn thích hát cho mọi người nghe. Thích đễn nỗi có lần người yêu bảo: anh hát cho em nghe đi. Hắn sung sướng hát liền mấy bài. Hát xong cô ấy ngáp bảo: bữa ni bán ế!

Chồng mình cũng mê bóng đá - nếu không bị gãy tay vì tập bóng, có lẽ anh đã là vđv nghiệp dư. Những năm tháng xa quê, thời chưa có VTV4, thương  chồng phải xem bóng một mình, mình thức đêm làm phiên dịch tình nguyện cho anh. Quen việc  đến mức thuộc từng âm sắc trong giọng nói của những blv bóng đá Thái Lan.

Giờ chồng mình không cần phiên dịch nữa, mùa bóng đá khu vực, nếu có trận ở Lào, Thái Lan, anh sang ở hẳn bên ấy vừa làm, vừa xem. Thoả sức. Bạn chồng có người bảo: mình dễ chịu. Chưa hẳn vậy đâu.

 Nhưng có một sự thật - mình là con gái lopsuk6, từng theo bạn bè trong lớp đi phơi nắng xem bóng đá ở sân Tự Do Huế từ những năm tám mươi của thế kỉ trước . Mình đã được tôi luyện.Cám ơn nhéVNĐ. Cám ơn nhé các bạn!

TTT

Thứ Năm, 7 tháng 6, 2012

Tấm ván ép

Năm 1976, bà nội làm nhà gỗ ba gian xong, thừa  một đống ván ép, đến mấy chục tấm xếp cao bằng đầu đứa con nít 12 tuổi như mình. Mấy chị  em  đều lăm le xin một miếng về làm bảng viết. Năm lần mười lượt nói xa nói gần, rồi bạt mặt xin, bà và cô chú không ai cho.

Bà Tam trên Phú Tây thương tình, cho mình một miếng gỗ còn tốt, nhưng nhỏ hơn về vừa làm bàn, vừa làm bảng... Rồi mình cũng dần làm được cho các em Nữ, Hảo mỗi đứa một cái góc học tập. Út Quyên nhỏ nhất dùng ké bàn  với chị cả.

Năm 1986 mình  làm luận văn tốt nghiệp về Làng gốm Thanh Hà- Hội An. Vợ chú mình sinh con đầu, phải mổ, suýt chết. Em bé không có sữa. Mình thay bà nội, cùng cô Năm chăm sóc sản phụ và em bé nằm trong lồng kính suốt thời gian ở bệnh viện.

 Năm sau, bà nội lại làm nhà. Mẹ sai mình đến nhận chân sai vặt và đi chợ nấu nướng  cho thợ (quê mình  thợ làm nhà ăn ngày 3 bữa:  bữa nửa buổi, bữa trưa và bữa nhậu chiều) Các bác thợ thương mình chịu khó cứ hay khen. Con nhỏ ni làm việc bằng hai bằng ba người lớn.Tịnh không nghe ai trong nhà bà nói gì.
 Xong việc, hồi công thợ.  Mình dọn dẹp chùi rửa, thấy đống ván ép năm xưa, giờ phần đã  mối ăn, phần tự phân huỷ. Xót trong lòng.

Bà nội nói: con  lựa  lấy một tấm về mà làm bảng. Mình  trả lời. Chừ chúng con không  còn cần nữa.
Nói vậy nhưng bà cứ ép mãi, sợ bà  buồn, sợ bà áy náy chuyện năm cũ, mình cũng chọn lấy được một tấm khả dĩ còn dùng được. Chừng định vác về, thì chú mình đến giằng lại - . Bà thím chỉ mặt mình mắng té tát:
  - À con ni, thì ra mi  về phụ làm nhà là để giành gia tài.
Mình thấy chua xót, tủi hổ  thật sự. Để tấm ván  lại, và ra về.

Mấy ngày sau, phát hiện ra dưới bàn thờ ba mình có ba tấm ván nhỏ, mối ăn gần nát . Hỏi ra mới hay bên nhà nội chọn  cho N - em kế mình mang về. Sợ chị thấy sẽ không đồng ý, nó đem giấu dưới bàn thờ, nhờ ba giữ giùm .

Từ tấm ván ép cũ ấy đã có đường mối đi lên trần nhà. Căn nhà đẹp đẽ thuộc hàng bậc nhất làng, vừa mới làm xong chưa đầy năm, mẹ con chưa trọn nỗi mừng. Nợ nần còn phải chờ đến mùa tháng ba năm sau mới mong trả được.
 Mình bảo em đem trả về lại chỗ cũ,  nó khóc bảo: đây là của bà nội cho. Chúng mình xin mãi mười  năm ni  chừ mới được. Sao chị lại  thế! Mình chết lặng.

Quê mình những năm tám mươi chưa có thuốc diệt mối. Nhà nào có mối thì cứ coi như chờ sập. Ngôi nhà lợp gần 1500 viên ngói Cẩm Hà. Giàn gỗ khung chính cột kèo đều là mùn và lim, nhưng rui mè sườn trên gỗ thường. Từ  khi nhà có mối, đêm mình không tài nào ngủ được, mắt cứ trân trân nhìn lên trần nhà. Mẹ mình lại ngã bệnh nặng.

Cùng đường, mình bàn mẹ bán nhà, Căn nhà trị giá  mấy cây  vàng thời đó, bán tống bán tháo được bảy chỉ. Chi phí này nọ, còn sáu chỉ rưỡi.
.
Mình dắt mẹ và các  em ra Đà Nẵng, mua miếng đất, dựng căn nhà nhỏ gần trường CĐSP nơi mình dạy học. Mẹ con lần hồi nuôi nhau.  May mà các em mình đều ngoan ngoãn chăm học chăm làm.

Chừng ba tháng sau khi gia đình mình dọn đi, thì ngôi nhà ở quê bị mối ăn ấy  sụp. Toàn bộ giàn rui mè, ngói đổ xuống. Cũng may đang giữa buổi, người đi làm hết nên không ai bị thương tích gì...

Mẹ mình chừ già rồi, nhớ nhớ quên quên, hay kể về ngôi nhà cũ to đẹp bậc nhất ở quê. (Cũng may mẹ quên đi đoạn nó bị mối ăn đến đổ sập.) Mình dành dụm được chút ít tiền, về xin chuộc lại mảnh vườn xưa, nhưng không được, đành mua bên phía đối diện một khuôn viên rộng hơn. Lập cho mẹ một khoảnh vườn cân phân đẹp đẽ hơn vườn cũ. Định sẽ dựng lại ngôi nhà như xưa cho mẹ vui tuổi già, cho hương hồn ba có chỗ đi về.

Bà  mất, mình về làm đám tang trong ánh mắt dè chừng của bà thím dâu,  thoáng nghe cô Sáu  bàn với  Bình -  con cô Bốn  về số vàng bà còn để lại. Nhớ chuyện tấm ván ép năm xưa, chợt rùng mình - nghe lạnh dọc sống lưng. Cũng may không ai có ý định bàn bạc, chia chác gì với mẹ con, chị em  mình.

Bà nội  là con cháu  họ Bùi  Quảng Nghi  ở Vĩnh Trinh - người giàu bậc nhất tỉnh Quảng Nam thời trước. Bà về làm dâu nhà ông Hương Tâm làng Tư Phú. Một gia đình trí thức địa chủ. Mẹ mình dâu cả, mình là cháu nội lớn. Nếu trai sẽ là đích tôn của bà.

TTT