Ở xứ mình bố chồng được gọi là ông gia.
Mình mồ côi cha từ nhỏ, nên khi lấy chồng, ông gia là sự bù đắp - là cha. Ông
gia gọi mình là con, Tiếng con nghe nhân từ ấm áp.
Ông gia mình cũng là con mồ côi, rời
quê Điện Ngọc, Điện Bàn theo ông cậu tham gia kháng chiến từ nhỏ, rồi xây dựng
gia đình ở một miền quê khác. Ba cũng đau đáu trong lòng nỗi nhớ quê da diết.
Có lẽ từ tình thương và lòng tin với đứa
con trai cả, ba mở rộng tấm lòng nhân ái đón mình vào nhà. Từ ngày có con dâu
người cùng quê, ba vui lên, một câu cũng Điện Bàn mình, hai câu cũng Điện bàn
mình... Chồng mình bảo: chừ ba có đồng minh rồi.
Ngày nghỉ hiếm hoi mình về quê, tranh phần
quét lá, dọn vườn cùng ba. Trước nhà có cái ao nhỏ lèo tèo mấy con cá. Ba cứ
tiếc là chưa dịp nào bắt được lấy một con cho mình nấu canh. Để bù lại ba xách
bao lên đập Phú Ninh gần đó kiếm con ốc con vọp về để có cái cho mình xào nấu.
Vợ chồng, cha con xì xụp húp món cháo vop ngon lành. Ba vừa ăn vừa khen: ngon
thiệt! Ba thích nhất cá chuồn chiên nghệ
tươi, giò sống nhồi khổ qua. Liên hoan thì món cháo gà lòng thả.
Được động viên mình sung sướng lắm, đi đâu
thấy của ngon vật lạ đều khuân về. Có lần mua được miếng thịt bò ngon, mình
quyết tâm đãi ba món bò nhúng giấm. Do quá mệt, mình xắt thịt mà mắt nhắm
mắt mở, ba đến bảo: cất đi, mai hẵn làm, mày cố gắng lắm lại cắt vào tay đấy
con ạ!
Có lần chồng mình nhậu nhẹt với bạn nửa
đêm chưa về, mình lo quá ra ngồi chờ ở phòng khách, không dám bật đèn sợ ba
thức giấc. Vậy mà ba cũng biết, đến bảo: con lo cái chi, hắn lớn rồi, đi
được, khắc về được.
Trước những va vấp đời thường ba khuyên:
phải kiên nhẫn con ạ, rồi đâu sẽ vào đấy. Sóng gió gia đình ba nhỏ to: vợ chồng
là số phận do ông Tơ bà Nguyệt dùng giây tơ hồng buộc lại với nhau. Sợi tơ hồng
mỏng manh vậy mà chặt lắm!
Rồi mình đi xa, dạy học mãi tận bên Viêng
Chăn, thủ đô nước Lào. Đôi lần ba nói xa nói gần. Về đi con! Về làm nhà, sinh
con rồi ba đến giữ cháu cho vợ chồng mày đi làm. Nghe thương lắm, nhưng rồi
cuộc đời cứ cuốn mình đi mãi... Một lần nghe tin ba đau nặng, mình về thăm. Ba
mừng lắm. Hồng đứa em bạn dâu kể: hôm nằm phòng cấp cứu ba nói: anh Tr, chị Th
con ở xa, ba chết chắc nó chẳng về kịp...
Mình về hỏi: ba muốn chúng con về
gần phải không? Ba đang nằm trên giường bệnh bỗng ngồi bật dậy nói: muốn! muốn
lắm chớ! Nguyệt - chú em kế của chồng ngồi gần đó nói: ba già rồi cứ muốn gần
con cháu nên nói vậy thôi. Chị đừng làm xáo trộn cuộc sống mãi mới ổn định
được. Ở nhà còn có chúng em.
Mình chuyển cả nhà về lại Việt Nam được gần hai năm, ba
chừng như khoẻ lại, đã có được vài lần về thăm quê Điện Ngọc, thắp hương
ông bà tổ tiên. Ba tự đi, nhưng lại bảo nhờ Th ba được về quê. Ba vui.
Rồi ba lại vào viện. Mình đang ốm. Chồng
mình bảo anh đi chăm ba, mình cứ ở nhà, hôm nào đỡ hẵn vào thăm.
Anh đi rồi mình cũng đi. Vào đến nơi ba đã
liệt nửa người, không còn nói được. Mình gọi trong vô thức. Con là Th này, con
về đây rồi, ba có thấy con không? Mắt ba chớp chớp, phía đuôi mắt có giọt
nước ứa ra, lăn dài. Nửa giờ sau thì ba hôn mê. Rồi mất.
Mấy đứa em con cô con chú bảo : bác Hai
tin tưởng chị, chị vào sàng cát mà liệm cho bác. Vâng ba ơi, đã vậy thì...
Có các em phụ giúp, mình sàng đi sàng lại
đến ba lần, phồng rộp cả bàn tay. Rồi đứng đó chứng kiến người ta liệm ba
mình với nào cát nào trà thơm, nào hoa nhài.
Sư và các thầy trên chùa đến làm lễ theo truyền
thống, mình hầu lễ: hết lạy lại quỳ. Cuối lễ, Sư thương tình nói:
con ở xa, xin lấy ba chân nhang về lập bàn thờ mà cúng vọng cha. Nguyệt em
chồng mình nói như khóc: Chị Th viết văn tế cho ba đi.
Đó là bài văn tế đầu tiên trong đời mình,
viết cho ba chồng, Bài văn tế ngắn gọn, trong ấy chỉ dám nói một phần nhỏ
tấm lòng của đứa con dâu. Viết hết ra thì gan ruột nào mà đọc cho được.
Ba mồ yên mã đẹp rồi, mình nghe hụt hẫng
lắm.Có lần tình cờ đi qua cửa hàng, nơi trước đây vẫn hay mua quần áo cho
ba, lòng nghe rưng rưng. Chừ còn ba nữa đâu, quần áo đẹp, mũ phớt... con còn
biết mua cho ai?
Hôm nay mùng bốn, tháng năm, năm hai ngàn
mười hai, theo lịch ta.
Ba đi đã sáu năm rồi, sao lòng mình vẫn
chưa nguôi.
Thuỷ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét