Thứ Ba, 24 tháng 7, 2012

Tấm ảnh ghép


Tấm ảnh duy nhất chúng tôi còn có được về ba bóc ra từ căn cước cũ. Mẹ tôi coi đó như báu vật. Mang ra hiệu ảnh chụp lại rồi phóng to lên, đem đặt trân trọng trên bàn thờ

Nếu gọi bức ảnh đó là hiện thân của ba, thì ba tôi bất động một cách bất lực, nhìn con mình côi cút, đói rét suốt tuổi thơ. Ba cũng đành bất lực nhìn người vợ trẻ khốn khổ cùng cực, sức mỏng lực kiệt, ốm đau liên miên. Nhà cửa tuyềnh toàng xiêu vẹo.

Ba đứa con nít cùng một người phụ nữ đau quặt đau quẹo trong ngôi nhà trống hoác, mùa nắng gió Nam đưa như đưa võng, mùa mưa rét mướt gió mùa Đông bắc thốc ngược, lạnh thấu xương, đứa nào đứa nấy run răng đánh cầm cập. Đừng nói chi đến cơm, mùa giáp hạt sắn khoai  cũng không đủ no lòng.

Nghe lời mẹ: đói ăn rau đau uống thuốc .
-      Mấy chị em đi kiếm rau dền, rau má, rau lang...rồi cả rau tàu bay, lá bù xít, dền gai. Đói.Chúng ăn được tuốt. Vậy nên mới không chết, mới sống mà lớn lên được, mà học mà hành. Chỉ vì mỗi một điều thật giản dị.
-        Mẹ đã hứa với ba là phải nuôi các con ăn học nên người. Thất học sẽ bị người ta chê cười là con không cha, không có ai dạy dỗ.

Nhờ vậy đó, mà không có đứa nào mất dạy, mất nết. Mẹ con chị em lần hồi nuôi nhau cho đến ngày khôn lớn. Cũng ruộng vườn, nhà cửa tạm gọi là ... Chỉ mỗi cha là không thể cố gắng mà làm ra được, nên suốt đời, chúng tôi khập khiểng, mãi không thăng bằng được.

Những lúc khổ đau uất ức, tôi nhìn lên ảnh ba mình trên bàn thờ mắt nhoà đi, thấy ba tôi cũng khóc. Có những điều không thể giải bày cả với mẹ, tôi cắn răng ngồi khóc thầm đêm đêm bên góc bàn thờ ba, rồi  thiếp đi. Trong giấc ngủ chập chờn đó, tôi mơ ba tôi sống lại, mơ được ba an ủi vỗ về...

Rồi một hôm mẹ mang ảnh ba đi thay áo vét cà vạt. Diện bộ mới trông oách lắm. Lý do là:
-         Các con lớn rồi, ba cũng cần phải lịch sự, đàng hoàng hơn.(?)
Mẹ còn kể rằng nhà này nhà kia, họ có bức ảnh gia đình đủ vợ chồng con cái. Tôi ngồi nghe, thấy mình bất lực quá.
Cho đến một ngày,  người cô họ gọi đến cho tấm ảnh cũ chụp dịp ba tôi trúng tuyển vào “Việt Nam Thương Tín ngân hàng”. Tôi như người bắt được của quí, săm soi ngày này ngày khác và đi tới quyết định sẽ ghép cho mẹ - và cho cả chúng tôi nữa tấm ảnh có đủ vợ đủ chồng, đủ con cái như người ta.

Mẹ tôi sinh năm 1938 chừ tuổi đã bảy mươi tư, tí nhớ tí quên, và phần nào đó đã hoá con nít. Tôi cặm cụi ghép ảnh rồi phóng to treo giữa nhà để mẹ nhìn cho rõ. Bức ảnh mà phần mẹ và các con chụp sau ngày ba mất đến 4 năm. Phần ảnh ba chụp trước đó dễ có đến 10 năm. Nhưng có hề gì!  Mẹ tôi lượn qua lượn  lại nhìn ảnh cười sung sướng ra chiều mãn nguyện lắm. Con tôi thấy bà ngoại mừng lại lo lắng bảo: 
- Mẹ lừa bà ngoại. Đó là ảnh ghép. Không phải thực.

Lời con trẻ vô tình như nhát dao cứa vào vết thương mãi chưa kịp liền da.
Đành  dỗ dành con :  mẹ làm sao có được ảnh thực. Nên thôi đành vậy.

Đà Nẵng Tháng 7, năm 2012. 
Trần Thị Quí Mỹ. 






Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2012

Bánh canh khuya


Việc của mình ở Huế thường xong chừng  khoảng chín mười giờ đêm. Hôm nào còn sức thì mình tản bộ dọc đường Lê Lợi đón gió mát, nghĩ miên man, gặm nhấm nỗi nhớ về bạn bè Huế xưa, vui buồn một thuở... giờ đã là ông nọ bà kia . Những  hôm  đuối quá mình  ngồi chơi trước khách sạn Century. Nơi có bọn trẻ con nhà "bên bờ hồ" hay tụ tập về ăn bánh canh khuya.

Hôm đắt hàng  chị chủ  bận tíu tít chẳng hơi đâu để ý mình. Có hôm ế, chị mời  giọng tha thiết.

      - Ăn giùm đi cô ơi, bánh canh ngon lắm! Ăn giúp một tô đi mà!

Không đợi mời đến câu thứ hai, mình sà xuống, lót dép làm đòn ngồi. Chị hàng múc cho mình một tô. Mình nhìn động tác thành thạo của chị. Nhớ cái thời sinh viên đói khát...cả phòng G4- cư xá ĐHTH Huế, tám đứa xì xụp bên nồi bánh canh bột lọc với cá lạc "sáng tạo" mình nấu. Rẻ nhất, mà cũng ngon nhất - hơn mọi thứ cao lương mỹ vị trên đời.
Mình cứ vừa nhớ chuyện cũ, vừa ăn vậy, hết sạch tô cháo lúc nào không hay. Chợt nghe chị hàng hỏi:

       - Ăn thêm tô nữa nghe?

Ô không nổi, mình no quá  rồi. Nhưng không hiểu sao lại buột miệng nói đùa: thôi, ăn nhiều thế hết cả phần chồng con. Liền đó chị chủ hàng múc cho mình một vá to đầy mẹp. Tô bánh canh lại đầy mem, hơn cả lần trước. Mình đang ngơ ngác,  loay hoay không biết xoay xở làm sao  thì chị bảo:

      - Ăn đi cho no, tô ni không lấy tiền mô!

Thì đành ngồi ăn tiếp vậy. Vừa ăn vừa nhân nha  theo đà câu chuyện. Chị  thêm  cho em nhiều thế này thì lỗ, lấy gì bù. Chị lại nói -  không lỗ mô mà sợ. Lúc nãy nhờ em ăn giúp, bọn con nít hùa theo, chị bán được sáu, bảy tô nữa rồi, cộng tiền bánh, tiền chả nữa được cũng khá. Lời rồi. Em cứ ăn cho no đi! Mình  băn khoăn hỏi- bọn nhỏ làm chi có tiền. Chị bảo  không lo,  mấy đứa nớ có tiền lắm. Bọn hắn vừa bán đồ cho Tây vừa ăn xin, nên nhiều tiền. Có đứa còn kiếm được cho cha mạ hắn đánh bạc nữa đó(?)
Hết hàng, chị hàng bánh canh dọn dẹp đồ đoàn, nghe đâu về nhà  mãi tận  miệt Chợ Nọ. Thấy mình ái ngại đường đêm đã xa lại vắng, chị cười tươi tắn. Không sợ chi mô. Chồng chị sẽ tới đón. Anh đạp xích lô, tí nữa qua chở chị cùng về. 

Lúc trả tiền chị dứt khoát chỉ tính tiền một tô - giá ba ngàn. Tô còn lại cho không tính. Mình chào chị rồi đi vội về phía khách sạn. Cứ sợ chị nhìn rõ, biết mình dối chị, dẫu là vô tình thì cũng buồn lắm chứ. Nhưng mình đã lo xa. Có lẽ chị không nghĩ nhiều đến vậy.

Những lần sau đó mình có ghé về, nhưng hôm thì chị đắt hàng, không rảnh mà tán chuyện tào lao với mình.Có hôm thì mình ngại không dám chường mặt ra, nên nhờ mấy đứa quen ở lễ tân ra mua hôm thì bánh canh, hôm thì bánh bột lọc mang vào ks chị em cùng ăn. Vui chuyện mình kể cái lần được ăn ké tô bánh canh hôm đó. Cậu em ở ks Tràng tiền nói : hèn chi có bữa chị nớ  tìm chị, nói là cháo còn nhiều, muốn bán rẻ cho chị ăn cho no kẻo tội. Em lại  tưởng mình đã nghe nhầm...

Trong  muôn vàn  yêu thương chất chứa trong lòng mình về Huế, có nỗi nhớ về  tấm lòng chị bánh canh - đêm đêm gánh hàng về ngồi bán bên hè con đường Lê Lợi. Nhớ đến cả đám khách  hàng vây quanh chị từ cậu bé đánh giày mặt mày nhem nhuốc, anh đạp xích lô đêm chờ khách, đến bọn trẻ bờ hồ luyến thoắng tiếng Tây, tiếng ta một chữ bẻ đôi không biết.

Huế tình yêu trong tôi.
TTT


Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2012

Đi lạc

Đã  trưa không thấy bà ngoại đâu, cả mấy nhà bắt đầu sốt ruột. Thường ngày có đi dạo quanh đâu đó thì chừng nửa buổi bà đã về lại.

Rồi bà về bằng xe thồ. Tiền xe ba mươi ngàn đồng. Bà ngoại đi lạc xa nhà hơn 7km, từ nhà đến Nghĩa trang liệt sĩ lực lượng CATP mãi tận làng Nam Ô.
Bà ngoại về đến nhà,  dì Út van nài:
- Từ nay mẹ đừng đi đâu xa nữa kẻo lại lạc.
Bà bảo: đã lạc mấy lần. Rồi nói như người mộng du:
- Quần mãi chỗ nghĩa trang liệt sĩ, sao chẳng thấy đường về.
Khổ thân bà tôi!
 Sắp đến ngày 27/7, có gì thôi thúc bên trong, nên bà mới đi được một quãng đường dễ cũng đến bảy tám cây số từ nhà qua hai NTLS để rồi bị lạc, không biết đường về. Bà ngoại chưa già hung, nhưng chân yếu lắm, mắt cũng đã mờ.

Ghi theo lời cháu kể về bà
Tháng bảy năm hai ngàn mười hai


Thứ Năm, 12 tháng 7, 2012

Ba vắng nhà

Ba đi vắng các con ít nói ít cười. Hai cái miệng hàng ngày luyến thoắng đủ chuyện rồi cải nhau chí choé. Có lúc mẹ phải gào thét mới dừng được, giờ yên ắng lạ.
Con gái cầm điện thoại dđ của mẹ hồi  lâu. Mẹ nghi ngại đến rình. Thì ra cô nàng đang xem ảnh ba trong đó.
Đã khuya, ba chúng nó điện thoại đường dài về nước dặn dò: "ở nhà mẹ đừng đánh con ba".



Thứ Ba, 10 tháng 7, 2012

Hội lớp


Lớp đại học của chúng  mình khai sinh tháng 10 năm 1982. Còn thiếu vài tháng nữa là tròn 30 năm. Ba mươi cộng với mười tám, vị chi người trẻ nhất lớp nay cũng đã ngót ngét năm mươi. Cái đứa năm mươi tuổi ấy bỗng dưng muốn dẫn người bạn đời của mình về gặp bè gặp bạn. Vậy là long sòng sọc lên chạy Đông  chạy Tây cho một đêm hội lớp.

Nhà chung SK6 chộn rộn từng ngày. Từ 8h sáng đến giữa trưa hôm nay điện qua điện lại với lớp trưởng bảy bận. Đầu óc quay cuồng vừa nằm một tí Sửu lại gọi. Mắt nhắm mắt mở mình ghi tắt tên các bạn vào bảng ds. Con trai con gái ngồi hai bên cùng xướng lên: một Trương quang Sửu, hai Đinh Văn Hạnh, ba Đỗ trọng Dũng...  Mình ngạc nhiên hỏi sao các con biết. Con trả lời: ngày nào mẹ chả nói đến quá mười lần.

Có anh bạn bận việc đến trễ nhờ mình đón cô con dâu của lớp ở sân bay, vì vợ bạn ấy lạ đất lạ người. Bạn mình sợ phiền nên thuyết minh đủ thứ. Mình trả lời bạn- đón đưa là việc đã quen làm.

Vợ bạn tôi ở xa cả ngàn cây số.Công việc bộn bề, con lại ốm đau nhà neo người, bạn còn vượt lên được để về dự hội lớp nữa là tôi mỗi việc đón việc đưa. Người quen kẻ lạ bốn hướng mười phương tôi còn đón được nữa, huống hồ vợ của bạn.

Lại có anh bạn của chồng đến chơi nhà, thấy mình cứ chúi mũi vào máy tính. Biết mình đang lo việc hậu cần cho lớp, anh đặt hàng:
-         Giúp anh với. Bọn anh cũng muốn hội lớp 2C.
 Việc này phải giới thiệu anh trao đổi kinh nghiệm với  lớp trưởng TQS và các bạn SK6.
TTT






Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2012

Tiền mãn kinh


Ba đi nhà hàng với bạn về, cả nhà hân hoan chào đón, vậy mà  mặt mày lạnh tanh...

Các con tản đi học bài. Mẹ chăm chú vào việc. Không thèm để ý.
Lát sau con gái lò dò đến:
     -    Mẹ giận  ba à?
      -   Không, Nhưng mặt sầm thấy ghét!
Con biện minh: Không phải sầm đâu mẹ ạ. Ba già rồi mặt chảy ra vậy đó. Nếu mẹ nghĩ là sầm thì phải dùng dây kéo lên...Hoặc dùng cây chống cũng được!...............???

Hồi sau nghe hai con thì thầm:  ba có biểu hiện của “ tiền mãn kinh”
TTT