Tuổi thơ lúc nào mình cũng thèm được ngủ với mẹ. Mơ ước xa như hái sao trên trời. Mẹ lúc nào cũng bận với em út, bên cạnh là em kế, rồi em giữa.
Thời con gái dạt dào mơ ước chỉ dám kể với mẹ chuyện vui. Chuyện buồn, mình chịu đựng một mình. Sợ làm mẹ buồn theo.
Hai lần sinh con xa nhà, giấu nhẹm. Sợ mẹ hay tin lại lặn lội đường xa.
Những lúc đau đớn tột cùng mình không dám gọi mẹ. Sợ nơi xa mẹ giật mình.
Mẹ già dần trở ra con nít.
Chuyện vui chuyện buồn mẹ đều kể mình nghe đủ - chừng hai ngày một bận.
Quần áo đẹp chật cứng tủ. Các dì hay phàn nàn: chị sắm làm gì nhiều, mẹ già rồi, diện chi lắm. Mẹ mình thích đẹp.
Mình chở mẹ lắc lẻo xe máy đi về thăm quê thường xuyên. Có hôm nửa đêm xe thủng lốp dọc đường 2h sáng mới về đến nhà. Đường vắng .Mệt đứt hơi. Sợ gần chết. Mẹ vui như không. Sáng ra đã kể khắp xóm.
Đưa tang người bạn về mẹ thao thức. Mình trấn an: không phải sợ đâu. Rồi ai cũng phải đi hết. Xa chúng con mẹ sẽ về với ba, về với ông bà. Anh D bạn mình đến chơi nghe chuyện mắng mình ngu. Nói thế người già họ sợ! Mình lại nghĩ: không nói thế mẹ càng sợ hơn.
Bây giờ người sợ lại là mình. Sợ ngày kia cánh cửa nhà mẹ sáng chiều không còn ai mở. Sợ đêm khuya mẹ sẽ một mình ngoài bãi. Sợ quê mình vùng trũng, bùn đất lấm chỗ mẹ nằm...
Mùa Vu Lan năm Nhâm Thìn-2012. TTQM
Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012
Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012
Về Hội An dầm mưa.
Nói chuyện với TA, bạn rủ rê: 24/8 không
đi được Qui Nhơn thì vào Hội An chơi "kỉ niệm quan hệ Hội An - Nhật".
Mình hứa sẽ thu xếp. Vậy mà lỡ hẹn. 24- đêm khai mạc không kịp thì mình đi 26-
đêm tổng kết vậy.
Hai giờ chiều đội cái nắng tháng tám rát mặt hai vợ
chồng đi xe máy vào Hội An. Ghé Cẩm Thanh ngắm sông rạch và dừa nước, tán gẫu
với mấy đứa em con bà cô chờ cho nắng dịu bớt mới lên phố cổ.
Đi dạo trong phố, chồng mình chắc bị ảnh hưởng bệnh nghề nghiệp nên cứ chỉ huy đi đường này hướng khác.
Vào quán Bà Buội gọi một đĩa cơm gà + một lon Coca, ngồi nhâm nhi tận hưởng cái thú của khách du lịch. Quán chật bằng cái lỗ mũi, khách lại đông... Nhiều người khen cơm gà ở đây ngon. Mình thấy có tính đặc trưng. Cái đáng yêu ở quán này là chủ và người phục vụ đều rất chân chất, mua bán thật thà. Bạn về Hội An dạo chơi, nếu thấy đói thì đây là địa chỉ cần có.
Hội An tối 26/8/2012.TTT
Đi dạo trong phố, chồng mình chắc bị ảnh hưởng bệnh nghề nghiệp nên cứ chỉ huy đi đường này hướng khác.
![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEj7o0lsMUARwcu4WYEcaY9SYn-ivhfENvze3nRwqlCl0kn_U_pAcBHTmQYAhssfm1FXg6kzIF2bm0DekYAQRGMlvHm7WaQGuQIl_aGqSt85691fNSEPX_6ukwny9nhl1z1cT71Df2Sco6c/s320/H%C3%ACnh+%E1%BA%A3nh031.jpg)
Loanh quanh phố đêm dưới mưa, hòa cùng dòng người về dự đêm bế mạc lễ hội. Người trình diễn người xem đều ướt nhèm. Biết làm sao. Chứ chả lẽ khai mạc rồi lại không tổng kết?
Đất Quảng quê mình vậy đó. Hết nắng hạn, lại tới mưa giăng. Đã nhiều lần đội mưa vượt lũ dẫn khách chạy tránh thiên tai. Nên giờ mình mới có được cái cảm giác tự tại vậy.
Hội An tối 26/8/2012.TTT
Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012
Tỏ ra "nguy hiểm"
Con vào lớp 1.
Ngày thứ nhất ở trường về, quần thủng một lỗ. Mẹ bảo không sao!
Ngày thứ hai, lại thủng một lỗ- đúng chỗ cũ. Mẹ nghĩ chắc mai cô sẽ cho kiểm tra lại ghế.
Ngày thứ ba, cũng lại thủng. Kiểu này không xong.
Sáng kiến của phụ huynh là: tự chữa ghế ở trường cho con.
Đưa con đi học, kèm theo chiếc búa, ba vào trường. Chưa kịp nói gì, các cô chạy tán loạn. Có hơi ngạc nhiên nhưng ba cũng đã kịp gõ lại chiếc ghế có cây đinh trồi lên chỗ con ngồi. Rồi thanh thản ra về.
Sau này thân thiết rồi, cô Khăm On - cô giáo của con kể: Zippo 3 ngày, rách 3 cái quần mới, em và các cô cũng lo, nhưng chưa biết làm sao! Thấy ba Zippo xách búa đến, tưởng nguy hiểm, chúng em sợ, nên chạy.???
Kỉ niệm về trường tiểu học Sonmixay thân yêu của các con.
TTT
Ngày thứ nhất ở trường về, quần thủng một lỗ. Mẹ bảo không sao!
Ngày thứ hai, lại thủng một lỗ- đúng chỗ cũ. Mẹ nghĩ chắc mai cô sẽ cho kiểm tra lại ghế.
Ngày thứ ba, cũng lại thủng. Kiểu này không xong.
Sáng kiến của phụ huynh là: tự chữa ghế ở trường cho con.
Đưa con đi học, kèm theo chiếc búa, ba vào trường. Chưa kịp nói gì, các cô chạy tán loạn. Có hơi ngạc nhiên nhưng ba cũng đã kịp gõ lại chiếc ghế có cây đinh trồi lên chỗ con ngồi. Rồi thanh thản ra về.
Sau này thân thiết rồi, cô Khăm On - cô giáo của con kể: Zippo 3 ngày, rách 3 cái quần mới, em và các cô cũng lo, nhưng chưa biết làm sao! Thấy ba Zippo xách búa đến, tưởng nguy hiểm, chúng em sợ, nên chạy.???
Kỉ niệm về trường tiểu học Sonmixay thân yêu của các con.
TTT
Thứ Tư, 22 tháng 8, 2012
Cây sáng kiến
![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEiOmWREK_BFeqtCcw7x45utCOhpS6u64butli3Jm1uQDmt3jg9fxc2AP2lx9a-76SytsvMGgEvMYeV8Km7L5pB9CGnuGc6A7gg8dyzHBnbfh2uq3QOwxaf7AlnmDvXjORTwWr3IuNy4hcA/s320/H%C3%ACnh+%E1%BA%A3nh053.jpg)
Ban đầu vợ tưởng vớ được chồng
giỏi, mừng như mở cờ trong bụng. Rồi ra khi được thưởng thức các món: lòng thả (dừa
non trộn nước mắm), trứng vịt kho (trứng vịt +muối rồi nướng trên lửa)...thì
chớm hoang mang.
Sinh con trai đầu lòng, chồng sáng
kiến tự chăm sóc. Sáng ra đi chợ từ 6h đến chừng 9h về đến nhà. Thịt kho và
canh cải xong chừng 12h30. Khoảng ba rưỡi bốn giờ, dọn tiếp cơm tối(- vì sợ để
lâu sẽ nguội- cơm nấu một lần ăn 2 bữa) Đêm khuya đói xót ruột, vợ ăn bánh mì bơ.
Con nhỏ khát sữa, bố trẻ mua ngay sữa bột, hòa rồi bón. Uống tốt. Không phiền mẹ
nữa nhé!
Con gái nhỏ nhìn người ta ăn bánh, ba
thương mua cho ngay một gói to, ăn mệt nghỉ.
Con ốm yếu, mẹ nhờ ba đưa đi tập
thể dục. Mới một tuần đã thấy khá lên. Mẹ phấn khởi đi khảo sát thực tế. Đến
sân tập, con dắt tay chỉ: chỗ này bán chả viên ngon lắm, kia là xe trái cây có muối
ngọt và mặn, xa kia một tí là hàng nước ngọt (?)
Con trai Zippo vào lớp1, vì con
học chữ Lào nên ba chạy đôn chạy đáo học vần rồi kèm con học. Chừng ba tuần sau
con ý kiến: ba đọc sai rồi, không phải thế... Từ đó con dạy ba. Hết học kỳ một,
ba đuối không theo kịp. Bỏ lớp.
Năm sau em Mỉu hết học kì I, đọc được viết được. Mẹ nhờ em bồi dưỡng cho ba. Con học làm cô giáo, có sách có
vở, có cả một cây thước gỗ dài và cả thời khóa biểu dạy học nữa. Được chừng
tháng hơn, con thất vọng: ba không chịu học, con có ai để mà dạy nữa đâu! Ba lại sáng kiến: mẹ và các con đều học, ba
không cần học nữa.
Mẹ trở lại làm việc, giờ giấc
căng thẳng. Không sao, ba mua xôi và thịt chiên, lạp xưỡng ăn sáng, cá nướng
muối, dưa cải ăn trưa...Tuần vài lần đi ăn tối ở nh Đào Viêng, Vườn cá vàng
hoặc Mê Kông...ngon khỏe. Cần chi bếp núc.
Con bị sốt, ba tắm cho người mát
rồi cho con nằm lên ngực.
Chú Toản bạn mẹ đến chơi, thấy ba
đảm đang quá lại bảo: ông này tranh việc của vợ.
Bài thủ công của các con ba cũng có
đóng góp quan trọng. Mỉu phàn nàn là: ba may khăn lau bảng chỉ được điểm 5 và
chưa dùng đã rơi ra. Anh Hai cũng phản ánh: ba góp ý bài văn cũng chỉ được 5,
con tự làm được điểm 6 điểm bảy có khi tám...
Có lần con của bạn ba ở quê ra chơi.
Ba chỉ đạo mẹ nấu món bún bò giò heo Huế chiêu đãi. Ăn
xong, ba lại sáng kiến mua chè cho ăn.
Mua mỗi người một ly to. Khách ôm ly chè ngắc ngứ không nuốt nổi. Mẹ giải
vây.Các cháu no rồi thì thôi vậy! Ba giọng buồn thiu- tưởng nó nhà nghèo thiếu
thốn nên mua cho ăn. Sao lại vậy nhỉ?
Rồi bài tập làm văn lớp 6. Con
trai viết về người thân yêu nhất của con- Con viết về ba.
Con gái thì lúc nào cũng bênh ba
chầm chập. Mẹ buồn một phút. Kiểu này mất đứt con cho cây sáng kiến ấy chứ chẳng chơi. Bà ngoại phân giải: kệ nó, cha con
chứ có phải người ngoài đâu. Vâng, thì kệ!
Người vẫn nhiệt tình phát huy
sáng kiến, nhất là khoản nấu nướng. Cha nấu, con ăn ngon lành. Đã biết tài, nên
chẳng mấy khi mình động đũa vào. Vẫn vơ mẹ nó nghĩ- hay vị giác các con cũng có
vấn đề? Hay chúng cùng gen, cùng hệ?
Hôm nay ba chúng đi vắng, mẹ vô
tình nhắc đến các món sáng tạo. Con
gái buột miệng: mẹ còn chưa biết các món sáng tạo ba nấu cho chó Pop. Thế nó có ăn không? Con lắc đầu thất vọng - Làm sao mà ăn được.
Thì ra là vậy.
TTT
Thứ Ba, 21 tháng 8, 2012
Mẹ già..."như chuối chín cây"
Mẹ đã khỏe lại, sáng nay theo con gái ra biển. Chân còn yếu nên chỉ ngồi trên bờ. Đã lâu mới lại thấy biển, tâm thần mẹ có vẻ phấn chấn.
Sao lòng mình cứ mơ hồ nỗi sợ hãi...cái ngày không còn mẹ ngồi đây- bên bờ vịnh quê nhà này nữa.
TTQM
Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2012
Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012
Bánh canh thịt...
Chiều hôm đó, sau khi xong lễ bảo vệ luận văn, Hồng Nhạn
lopsuk8 mắt cười lúng liếng ra chiều sung sướng bảo mình: tối nay em sẽ chiêu
đãi món bánh canh thịt. Rồi giọng rất quan trọng: chị có ai thân thì cứ mời đến, em nấu
nhiều lắm, không lo đâu.
Nghe cũng lạ đây. Sinh viên thời
bọn mình đói meo đói mốc tiền đâu mua thịt, đã thế lại còn cho tiêu chuẩn chị được mời khách. Mình hơi lo nhưng em
giục mãi, mình liều mời một người bạn thân.
Giờ ăn, mấy chị em quây quanh nồi
bánh canh bột lọc, nhưng hôm ấy khác hơn mọi ngày, vì bánh canh nấu
với thịt. Mình vừa ăn vừa lo, không khéo vì bữa liên hoan hôm nay mà em phải nhịn đói nhiều ngày. Bếp ăn tập thể nhà trường ĐHTH Huế những năm tám mươi - bữa ngon mỗi năm đếm được vài bận chưa tròn năm đầu ngón tay. Em tôi tiền đâu mà sang thế?
Như đọc được suy nghĩ của mình,
Hồng Nhạn kéo mình ra một góc riêng nói nhỏ:
-
thịt trâu đấy chị ạ.
Thấy mình ngơ ngác không hiểu
thịt trâu ở đâu ra, em chỉ tay về hàng rào phía sau cư xá bên đường Đống Đa:
-
Sau dãy nhà con trai có một lỗ nhỏ không biết ai vạch
ra. Em đã để ý thấy từ lâu, hôm nay chui
qua đó mua. Có trăm đồng thôi mà được nhiều lắm. Cứ tạm vậy. Chừng có tiền em
sẽ đãi chị thịt bò thiệt, chứ không phải thịt giả như thế này đâu. Nhé, chị nhé!
Trời đã tối, bóng điện vàng cư xá
nhập nhòe, mình lại ngồi ăn tiếp tô bánh canh thịt trâu nghĩa tình chan với
nước mắt.
Hồng Nhạn bây giờ dạy học mãi tận
Bình Dương. Hôm rồi nhân được món quà Huế- một bộ áo dài rất đẹp, mình quí
lắm nên gửi tặng em. Quà chuyển đi rồi mới chợt nhớ ra màu áo ấy không hợp với
nước da ngăm đen của em và khí hậu miền Nam, định mua bộ khác, thì em điện
thoại về, chuyện vui rổn rảng:
-
Em may xong rồi chị ạ. Đẹp lắm. Em khoe với mọi người ở cơ quan: áo này chị tôi mua mãi tận ngoài Huế.
Cám ơn em, cái con bé tảo tần đã
dành dụm cả tháng trời để có tiền đãi chị bánh canh thịt trâu năm đó... Huế ơi, em ơi! Xa lâu rồi mà như mới hôm qua.
Huế và bạn bè tôi, TTT
Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2012
Nhầm
Một ngày tháng 6 năm 1999, mình
đến Bộ Ngoại Giao Lào làm thủ tục xuất cảnh.Với tấm hộ chiếu công dân Việt Nam, mình
lục tìm lại trong tủ quần áo, chọn bộ sơ mi quần âu giản mà dị, lịch sự theo
kiểu người Việt, rồi đường hoàng đến nơi. Nộp hộ chiếu, rồi xếp hàng chờ. Trong
khi chờ, đã kịp nhận ra đang đứng cạnh một ca sĩ Lào học ở Nga về, vài người nữa thấy mình dễ
gần cũng bắt chuyện, làm quen.
Đến lượt mình, người phụ trách
cầm hồ sơ xem đi xem lại đến mấy lần.
Mình thấy lạ. Có gì nhầm lẫn chăng? Hộ hiếu của mình là thật. ĐSQ Việt Nam
tại Lào biết rõ mình như trên lòng bàn tay, biết cả ba mình mang số 179 nằm ở
NTLS xã Điện Quang, rồi mới cấp cho, vậy
thì có gì nữa nhỉ ?
Là cô giáo dạy tiếng Việt cho Trường Ngoại Ngữ BCA Lào - Hay như cách nói của người Lào - Ăn cơm cùng
một nồi với anh em . Mình có xa lạ gì
đâu với những thủ tục, Sao vậy nhỉ! Đang nghĩ vẫn vơ vậy thì được mời vào bên
trong. Mình nghĩ : rắc rối rồi đây.
Ở phòng trong, một cán bộ khác -
có lẽ là phụ trách bộ phận, gặp mình, anh hỏi đôi điều về lý lịch: Chị là người
Việt Nam ?
Nhà ở đâu? Học được đến cấp nào?... Mình trả lời. Xong, lại được về lại chỗ cũ.
Anh cũng theo mình ra quầy thủ tục.
Mình lại yên lặng chờ. Những năm
tháng sống và làm việc với anh em dạy
cho mình thói quen không hỏi, không nói khi không cần thiết. Cứ chờ - việc của
ai người ấy làm. Là công dân thì có nhiệm vụ phải hỗ trợ lực lượng chức năng
làm việc. Một lát sau, người phụ trách lại hỏi:
- Chị là người Việt Nam ?
- Vâng,
tôi là người Việt Nam .
Anh thấy trên hộ chiếu rồi còn gì!
- Thì chúng tôi đã thấy, nhưng sao chị lại
...
- Lại
sao ạ?
- Lại Lào
từ đầu đến chân thế này!...
Mọi người đứng gần đó đều cùng ồ
lên tán đồng ý kiến của anh cán bộ Bộ Ngoại Giao. Thắc mắc được giải tỏa. Mọi
người cùng cười vui.
Mình hơi bất ngờ. Nhìn lại mình
cũng từ đầu đến chân. Mình đã ăn mặc rất Việt Nam
rồi còn gì - quần tây áo sơ mi.(Phụ nữ Lào mặc váy truyền thống lúc đến cơ quan
công quyền) Nói năng thì một câu: Tôi là người Việt Nam ,
hai câu cũng : tôi là người Việt Nam ...Vậy sao họ lại nhầm được nhỉ ?
Lần đốt ngón tay nhẩm tính cũng đã hơn bảy năm rồi còn gì. Quá bảy năm dằng dặc xa quê, sống làm việc ở phía bên Tây Trường Sơn, lòng lúc nào cũng quay quắt nhớ... đến từng hơi gió biển mặn mòi nơi quê nhà...
Sao bạn lại nhìn nhầm mình ra đồng bào của họ nhỉ?
Lần đốt ngón tay nhẩm tính cũng đã hơn bảy năm rồi còn gì. Quá bảy năm dằng dặc xa quê, sống làm việc ở phía bên Tây Trường Sơn, lòng lúc nào cũng quay quắt nhớ... đến từng hơi gió biển mặn mòi nơi quê nhà...
Sao bạn lại nhìn nhầm mình ra đồng bào của họ nhỉ?
Trích từ: nhật
kí những năm tháng xa quê.
T
T
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)