Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2012

Sông mẹ- Mekong

Tháng tư Viêng chăn trời nắng đổ lửa, nóng như rang trong chảo. Hết giờ làm việc mình từ cơ quan chạy thẳng ra bệnh viện Mahosot tìm Huyền. Hôm nay em đi khám khối u trong ngực trái. Lành dữ thế nào còn chưa biết

Tìm mãi không thấy em đâu, mình bắt đầu hoang man. - H ơi, em ở đâu? Đã bảo chờ chị rồi sao lại bỏ đi đâu! Bạn tôi mồ côi mẹ, không sống được với  mẹ kế, H theo người cô họ sang đây, rồi lập gia đình, Các cháu con nó còn bé tí. Vợ chồng ại đang mắc mứu. Ốm đau càng tủi thân nên lặng lẽ một mình đến BV.

Đã quá giờ cơm trưa mình bị huyết áp thấp nên  người bắt đầu chao đảo. Nhưng chả lẽ lại bỏ về. Không!  mình đã hứa với em rồi. Kiểu gì cũng phải tìm. Quay  qua quay lại thế nào mình lại đứng trước BV. Gió từ sông Mekong thổi lên mát rượi. Chợt ghĩ ra người ở đây hay cúng và cầu nguyện thần nước. Ừ sao lại không nhỉ. Sao mình không cầu mẹ  nước giúp nhỉ?
Mình cầu rằng: Lạy mẹ thần nước Mekong, con là người xa quê đến nơi này sống nhờ ở đậu, nhưng con cũng đã nguyện giữ lòng thanh sạch. Mẹ linh thiêng xin chỉ giúp cho con- Huyền bạn con không biết đang ở đâu. Xin mẹ phù hộ cho em con... (Sợ mẹ không nghe rõ giọng người nước ngoài mình xin đi xin lại đến ba lần...)

...Vẫn chưa thấy Huyền đâu. Mình đi lộn lại phía sân sau. Bên đường có người đẩy xe bán trái cây chào  mời . Thì mua vậy. Còn biết làm gì nữa. Đang trả tiền thì giọng ai gọi: Chị ơi, em đây này. Rồi em chạy xô đến. Mừng mừng tủi tủi. Mình nghẹn không  biết nói gì. Mãi sau H kể: Em khám rồi. BS hẹn đầu giờ chiều lấy kết quả.

Đầu giờ chiều, phòng bs vừa mở cửa mình chen lên trước. Sợ bs không cho vào, mình nói liền: Em ấy không rành tiếng tăm. Tôi xin phép được vào nghe giúp. Vị nữ bs như đọc được nỗi lo lắng của hai chị em tôi. Cô nhìn hai chúng tôi mắt cũng long lanh. Cô nói mau, nhưng rành rọt: khối u lành, không phải lo lắng gì nhiều. Tiễn chúng tôi mắt cô vui với nụ cười hồn hậu.

Ra khỏi BV tôi và Huyền đi dạo dọc bờ sông Mekong. Huyền vui, nói liến thoắng đủ điều. Lời em vang trong tiếng gió...Mình lại  nhìn dòng Mekong đang cuộn chảy. Lần đầu tiên trong đời cảm nhận quyền uy của mẹ nước. Chợt ngẫm lại phận người nhỏ bé. Một đời sông biết mấy đời người.
Kỉ niệm yêu thương cùng Viêng chăn một thủa. vth

Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012

Cái sự học của tôi

Vì tôi sinh ra là con của ba tôi, nên  việc học hành rất chi là khúc khuyủ. Thời chiến tranh, nhà tan cửa nát. Bà nội dạy tôi tập viết bằng chiếc que tre (vót nhọn một đầu rồi hơ lửa cho hơi tà đi một tí) Vở là những tàu lá chuối còn sót lại trong vườn. Tôi học như thế cho đến khi đọc thông viết thạo.

Chuyển nhà từ Quảng Nam ra Đà nẵng, khi bọn trẻ trong xóm- ngay cả con bà bán bánh mì dạo, tất cả đều học trường Tiểu học Trần Cao Vân ( nay là trường THCS Hoàng Diệu) cạnh nhà, thì tôi phải một  mình đi học trường Thanh Hà cách đó gần 5 cây số.

Ròng rã chín tháng trời. Xong lớp 1 tưởng sẽ được vào lớp 2, thì tôi lại phải vào lại lớp một với một tờ giấy khai sinh khác: Trần thị Hồng Hoa con ông Trần Xong và bà... ở một  trường của dân xóm chài nghèo khổ nhếch nhác và chẳng mấy ai coi trọng sự học. Bà và mẹ dặn đi dặn lại, bắt phải học thuộc cái tên Hồng Hoa xinh đẹp nhưng xa lạ kia. Sau này tôi mới biết: Hồng Hoa là tên người chị con bác họ của tôi, chị đã chết từ lúc mới sinh.
Trong trí óc trẻ thơ, tôi không tự hiểu được vì sao tôi phải bị như vậy. Hai năm ở ngôi trường giành cho dân xóm chài nghèo khổ, lạc hậu ấy tôi đã thành thạo việc theo bạn chạy phơi nắng trên bãi biển, rồi chiều hè khi thủy triều xuống, chúng lội tít ra ngoài  xa bắt cá con về cho vào vỏ hộp sữa bò để sáng mai nó chết. Lại đi bắt tiếp. Ngày nghỉ tôi hết cõng lại dắt em MH lang thang nơi này nơi khác rồi theo bọn trẻ cùng xóm vào xem lên đồng trong của điện thờ. Ngồi xem và chờ các cô đồng phát lộc. Nhưng lạ- họ chỉ phát cho những đứa là con cháu của họ. Hết ngày lủi thủi dắt em về.

Cô Năm- em ba tôi từ Qui nhơn về đột xuất. Đang là kì nghĩ hè, cô thuyết phuc, dỗ dành tôi theo cô vào Qui nhơn chơi. Cô hứa chỉ đi có mấy tháng hè thôi. Cô còn hứa sẽ cho tôi được đi bằng máy bay. Cái máy bay hàng ngày vẫn bay ngang qua xóm nhà chúng tôi, nhìn lên chỉ thấy bên dưới cái bụng nó trắng hếu.
Chị Thức con bà Minh hàng xóm gọi tôi ra góc riêng nói: đừng đi. Cô Năm bắt em đi QN sẽ giam luôn trong đó, không được  về. Cô tôi nghe được bảo: con nít. Biết gì! Tôi chịu đi  theo cô có lẽ là do mẹ tôi bảo nên đi chơi cho biết.

Hết kì nghỉ hè, tôi mới biết cô đã nộp đơn xin học Lớp 3 ở trường Tiểu học Phan Đình Phùng trên dường Nguyễn Thái Học.- Qui nhơn. Tôi đã khóc đến khản cổ đến cạn nước mắt. Máu cam chảy ướt hết cả vạt áo. Cô tôi cũng khóc. Cô bảo: nằm mơ thấy hồn ba tôi về gọi nhờ đem cháu đi nuôi dạy. Nếu không nó sẽ chết trôi ngoài biển... Nên cô đành phải làm vậy.
Cô Năm tôi năm đó mới ngoài hai mươi tuổi cô đẹp người, nền nã và chỉn chu. Điều quan trong là cô rất thương tôi.
Cô Năm tôi ở cùng nhà người chị con bà dì thứ 4 ( bà nội tôi thứ 8) là cô Chung. Cả hai cô cùng làm ở  Cơ quan Anh quốc Bảo Trợ Nhi Đồng-Qui Nhơn. Hai cô tôi  đều là những người thầy  thuốc đáng kính.Con trai duy nhất của cô Chung là anh Duy nhỏ hơn tôi mấy tuổi. Nhà còn có cô Sáu và anh Giàu - con nuôi cô Chung. Và chị người làm tên Hiểu.

Cô Chung đón tôi vào nhà cô. Một gia đình có học thức được người xung quanh kính trọng. Nhà cô tôi số 21Cư Xá Kiến Ốc Cục trên đường Nguyễn Thái Học. Vì  anh Duy con cô còn nhỏ, nên công cuộc giáo dục công dân nhỏ của mọi người trong gia đình từ cô Chung cho đến chị Hiểu - người giúp việc, đều tập trung vào tôi. Con bé học trò lớp 3 Trường Phan Đình Phùng. (Thầy giáo dạy chúng tôi năm ấy là thầy Mua) Thầy Mua dạy nhiệt tình nhưng tính thầy trầm. Không biết cô tôi quen biết thế nào mà thầy Mua chừng cũng coi tôi như con. Nhờ vậy sự học của tôi cũng nhanh chóng tiến bộ.
Tháng thứ nhất ở lớp 3c tôi xếp  vị thứ 43. Tháng tiếp theo vượt lên thứ 3 và từ đó đến cuối năm chỉ từ thứ2 đến năm. Nhưng cũng chưa lần nào được đứng nhất. Tổng kết lớp 3 tôi ở vị trí thứ 3- Được nhận phần thưởng. Các cô quyết định cho tôi về Đà Nẵng thăm bà nội, thăm mẹ và các em. Các cô tôi nghĩ: tôi đã được nuôi dạy trong môi trường tốt. được thầy thương bạn quí. Đã có những cô cậu bạn nhỏ quấn quýt bên tôi.
Nhưng  3 tháng hè ở nhà với mẹ với em, tôi quyến luyến không chiụ trở lại trường. Mẹ tôi thương con không nỡ ép. Cô tôi đành nhượng bộ. Tôi lại học lớp 4 ở một ngôi trường khác gần cây da cháy, nay thuộc quận Thanh Khê...

Nhưng cũng chỉ được một học kì. Cô Năm tôi lại về, lần này người lớn thì thầm(...) rồi quyết định Cô dẫn tôi vào lại Qui nhơn. Tôi lại vào trường Phan Đình Phùng. Lớp cũ kín chỗ, tôi được xếp vào lớp của thầy Võ Văn Ba. Thầy Ba dậy tốt và vô cùng nghiêm khắc. Cả với các con và với học trò. Sau này  khi trưởng thành tôi mới hiểu, tôi đã ảnh hưởng rất nhiều từ lòng nhiệt tình cũng như tính nghiêm khắc của thầy Ba. Tôi vừa kính phục vừa sợ thầy. Có lẽ do vậy mà việc học tiến bộ nhanh, đã  vươn lên vị thứ đầu lớp.Các cô tôi bằng lòng lắm. (còn nữa)

Thứ Năm, 8 tháng 11, 2012

Bài tập tiếng việt

Một đêm mùa đông, trời Viêng Chăn lạnh buốt. Mình ngồi tỉ mẫn đọc bài viết của hs lớp dự bị Tiếng Việt trường Sanama. Đề tài: viết về gia đình. Mình lần hồi từng chữ từng câu cũng là để làm quen với gia đình các em, để hiểu các em hơn... Hầu hết bài viết đều kể theo thứ tự bố, mẹ, anh chị em và cuối cùng là bản thân...
Nhìn chung hs tiếp thu ban đầu vậy là được, không có bài bỏ trống, hầu hết các em đều hiểu, tuy vốn tiếng Việt ít ỏi nhưng các em cũng đã thể hiện được ở mức độ thầy dạy cảm thấy yên lòng.

...Rồi có một bài rất lạ, tg kể về gia đình ba người: mẹ em, em gái em và bản thân, giọng văn nghe buồn buồn. Sao vậy em - cậu bé mới chớm tuổi mười tám? Ở đoạn về bố em viết: “ hôm ngày ...  tháng ...  năm...  bố em đã vĩnh viễn ra đi... Bố mất. Em không còn bố nữa rồi cô ơi! Em thương bố và ân hận vì chưa làm được điều bố mong ước”.

Mình lặng đi rồi không kìm lòng được, ngồi khóc. Khóc rất lâu. Giọng văn còn non nớt của học trò tôi. Em đang viết về em hay viết về tuổi thơ tôi vậy?

Tĩnh tâm lại, mình dùng bút mực xanh viết bên dưới bài tập lời động viên em:. Cô biết lòng em đau lắm. Nhưng con người không thể chỉ sống bằng quá khứ. Hãy đối diện với hiện tại và chuẩn bị cho tương lai...để là chỗ dựa cho mẹ và cho em. Thương bố, em hãy làm tiếp phần việc bố còn đang dang dở.

Hôm sau, giờ trả bài tập. Cả lớp xôn xao. Mấy đứa thích nhìn vào màu mực đỏ cô sửa trên bài tập để biết ai sai nhiều sai ít. Mình đến trả bài tận tay em. E nhận và đọc chăm chú. Từ đó giữa mình và cậu học trò nhỏ như có một sợi dây vô hình ràng buộc. Phần thì đồng cảm, phần mình muốn bù đắp chút gì đó cho em và có lẽ em cũng tìm thấy nơi mình chỗ dựa tinh thần. Các bạn khác trêu ghẹo - E là con trai cô. Em lặng thinh. Lâu thành quen cả mình cũng nghĩ: Có khi nó chính là con trai lớn của mình.

Bố mất, mẹ E còn quá trẻ, nên những đa đoan sự đời, rồi miệng lưỡi thế gian làm cho cậu học trò nhỏ của mình chao đảo. Nhìn em gồng mình chịu đựng, người sắc lại. Mình cũng nghe lòng đau. Đêm không dễ gì ngủ được. Giá mà mình có thể giang tay che chắn cho em. Giá mà tôi có thể nghiêng vai gánh bớt những muộn phiền đang vây bủa đứa học trò nhỏ tội nghiệp của tôi. Biết khuyên giải gì em bây giờ (...?)  Nhưng  rồi cũng không thể im lặng  mãi được. Một lần sau buổi học, hai cô trò ngồi lại, mình đã nói: những điều  tưởng rất sáo rỗng: Mỗi người sinh ra đều có số phận. Ba mẹ sinh ta ra, cho ta cuộc đời, nhưng ba mẹ cũng cần được sống phần đời của họ. Hãy bằng lòng với cái mình có và dũng cảm đi tiếp. E ngồi nghe cô, thỉnh thoảng em: dạ

Hai năm học, E luôn dẫn đầu lớp. Em hoàn thành chương trình học với các điểm 9 (Các thầy cô không cho điểm 10 vì sợ học trò chủ quan, tự phụ) Ngày em rời trường dự bị vào đại học chuyên ngành, mình tự làm cho em hai chiếc khăn tay, thêm  một chút tiền tiêu vặt. Em nhận lẳng lặng  như đã thành nếp- Cảm xúc cất giữ bên trong.

Mười mấy năm qua, lứa học trò ấy giờ đã trưởng thành. E của tôi  đã nhận một vị trí công tác xứng đáng với tài năng, trí tuệ của em. Thỉnh thoảng có người quen bên lào nhắn về tin có đứa học trò cũ tìm cô. Mình chợt nghe lòng rưng rưng. Cám ơn các em lứa học trò mến thương một thuở bên Tây Trường sơn của tôi. Không phải chỉ các em đâu, mà cả cô nữa cũng đã tựa vào những yêu thương nơi các em để mà sống, mà giữ cho lòng được sạch trong.
Kỉ niệm yêu thương với thầy trò trường Sanamma
Cô-VTH


Thứ Ba, 6 tháng 11, 2012

Ghẻ ruồi

                                                                                                                                       
Thoát ghẻ hai chị em mừng quá, đi chơi Đại nội
Ghẻ ruồi từ xã A ngo huyện A Lưới- Bình Trị Thiên theo mình về Huế sau đợt  thực tập Điền dã dân tộc học hồi năm thứ 2 đại học.

Lần đó, nhóm sv thực tập bọn mình được gửi ở nhờ một gia đình. Nhà có cháu nhỏ được mẹ nó cho nằm võng gần gác bếp cho ấm. Võng bằng vải mùng xếp nhiều bận đã ngã màu cháo lòng sầm sậm. Nhìn không biết lần giặt cuối là khi nào, đụng vào nghe cảm giác rít rít nhờn nhờn.

Một hôm, cả nhà đi vắng, còn mỗi bọn mình ở nhà. Cháu nhỏ khóc ngoe ngoe giọng yếu ớt, không chịu được mình bồng nó ra. KO can: đừng T ơi, bẩn lắm! HN cũng ngăn: hắn ghẻ cùng mình rứa, răng rồi cũng lây cho coi...

Mấy hôm sau đó, bọn trẻ trong xóm chạy chơi quanh mình, thấy chúng bẩn, mình gợi ý ra suối tắm và cắt tóc. Được ba mẹ các cháu đồng ý, mình dùng chiếc kéo nhỏ cắt tóc khắp lượt. rồi tắm táp cho từng đứa. Sạch sẽ đứa nào trông cũng yêu lắm!(Việc này cũng phạm vào điều cấm vì thầy Thông hd thực tập đã căn dặn không nên đụng chạm vào đời tư của “đồng bào”)

Xong đợt thực tập, về Huế mình bắt đầu thấy bạn nói đúng. Hai cánh tay mình dần mọc ghẻ rồi lan dần khắp người. Ngứa ngáy khó chịu và cả xấu hổ với bạn bè nữa. Ban đầu còn giấu giấu giếm giếm, sau ngứa quá lại bực bội, lên lớp cũng gãi tràn. Có lần thầy Cường hỏi: Cái gì vậy? Mình cáu nói luôn: Ghẻ ruồi thầy ạ!

Khốn khổ quá, mình xin phép nghỉ học về nhà cầu cứu mẹ. Mẹ mình thắc tha thắc thỏm chạy tìm đủ phương thuốc dân gian nào là lá thầu đâu sắc nước đặc quánh tắm ngày tắm đêm, rồi lá chuối khô đốt lên xông khói... Mẹ bày trò nào mình cũng hưởng ứng nhiệt tình đến độ người đen nhẻm màu nước lá đắng và khói, nhưng không diệt được con ghẻ. Bệnh không khỏi. Buồn thiu mình ra lại Huế.

Dì Đàn - chủ nhà trọ nhà số 29/3 Nguyễn Huệ bảo em Hoa rè con dì dẫn mình lên BV Huế nhờ bác sĩ DV Sinh giúp đỡ. Anh Sinh xin cho mình lọ thuốc DEF bé tí. Anh nói như đinh đóng cột. Về tắm rửa sạch sẽ, bôi là khỏi. Mình không dám tin, nhìn bình thuốc chỉ bằng đầu ngón tay cái và nói: em bị cả người... Anh bảo:
- thuốc ni bôi, không phải để uống mô nghe!
Ba ngày sau bệnh lui nhiều. Nghe dì Đàn bày, mình ra chợ Tây Lộc mua thêm hai lọ DEF nữa về bôi. Thoát ghẻ. Mình muốn hét to lên:
  -  DEF muôn năm!
  -  BS DươngVăn Sinh ngàn năm!
Hoa rè và dì Đàn mỗi người một trăm năm thôi cũng được rồi dì hè, em hè?
Kỉ niệm với Huế yêu thương.
ttt

Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2012

Thay gối mùa đông

Ngoài Huế NHL bạn mình báo tin:”3T ơi! Đợt gió mùa Đông Bắc đầu tiên của năm 2012 đã về đến Huế trưa nay. Trời chuyển mưa và mát lạnh...” Chỉ vậy thôi mà nghe bần thần.

Rồi soạn sành, rồi cắt may. Tiếng máy may lại lạch cà, lạch cạch đêm thâu... Bốn chiếc áo gối mới màu hồng tinh tươm. Chủ nhà hỏi: sao vậy, sao áo gối lại màu hồng? Con gái bênh mẹ: Màu hồng cho cảm giác ấm lên.

Mình lại nghĩ về mùa đông xứ Huế: mưa chừng nào lạnh chừng nấy. Mưa dai dẵng tối đất tối trời, gió Bấc hắt nước mưa vào người. Lạnh run. Bạn qua cầu, gió thốc muốn nhấc người ra khỏi xe. Cẩn thận! không khéo lại bổ nhào.

Sông Hương mùa đông nước đầy ăm ắp, mênh mang. Vài trận mưa to tiếp nhau là ngập lụt. Cả thành phố chìm trong nước... Năm ba năm một trận bão lớn, phố phường xác xơ, cây cối gãy cành, bật gốc. Còn nhớ sáng sớm mùa đông 1983, S gọi giọng thảng thốt: "T ơi! O ơi! Cây đường Lê Lợi gãy đổ hết rồi!".

Vậy đó, mà từng đứa xa Huế rồi cứ nhớ quay nhớ quắt... May sao mà lớp mình còn một nhóm ở lại ngoài nớ, để mỗi bận có đứa về Huế, như được về nhà.
  
Nhưng cái khổ là đứa ở cũng nhớ đứa đi. Nên rượu vào các anh điện thoại réo nhau. Râm ran cả một dải đất từ miền Trung vào tận Sài Gòn Gia Định... Sáng mai tỉnh dậy, không nhớ đã nói những gì.

Mình không biết uống rượu nên lúc buồn, lúc nhớ bạn là hay làm những chuyện đâu đâu. Gối đỏ, gối xanh theo mùa vừa làm vừa nghĩ miên man...Nhưng mùa đông thật sự mới chớm về phía bên kia đèo Hải Vân. Gửi bạn chút yêu thương lo lắng từ phía bên này.
 ttt