Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

Người không biết chữ

Có bác cán bộ quen gợi ý là mình nên đến nhà máy bia Lào xin làm đại lý - coi như là làm thêm. Mình ngại lắm, nói ai  cho người nước ngoài như cháu được làm vậy. Ông nói : chưa đến, sao biết họ không cho. Rồi  bảo : -  thứ hai, cô đến nhà máy, gặp phòng kinh doanh nhé!

Sợ thất lễ với người lớn, đầu tuần, mình đến nhà máy Bia - Nhà máy to bậc nhất nước Lào thời ấy . PGĐ kinh doanh ông Khăm Xỏn tiếp nhận mình dễ dàng (hình như đã biết trước). Ông bảo mình đến phòng văn phòng làm thủ tục. Cô nhân viên văn phòng bảo mình: chị  viết đơn đi. Mình lúng túng thật sự. Nhìn quanh không thấy ai quen, đành phải đối diện thôi.

 Mình trình bày với cô  kia là mình không biết chữ. Cô này tròn mắt ngạc nhiên rồi mắng - Ơ! trông mặt mày sáng sủa thế kia, mà không biết chữ là thế nào!  Dốt sao không chịu học. (có lẽ  cô chưa biết mình là người Việt Nam mới sang Lào) Có chị chừng ngoài ba mươi ngồi phía bên kia nghe chuyện, chị đi đến cười hiền hoà bảo, nào chị sẽ viết giúp, em đọc tên nhé.

Đơn viết xong, mình ký rồi nộp.Trước khi ra về, cảm thấy có lỗi đã làm phiền họ, mình nói : các chị cho em xin ba tháng nữa, em sẽ học.

Gia đình mình trở thành một trong những đại lý của nhà máy bia Lào. Công việc làm ăn nhanh chóng phát triển, từ tiêu chuẩn mỗi tuần chỉ có 15 kết bia dần đã lên đến  500, rồi 1000 kết mùa cao điểm.
Không chỉ trong giới  đại lý bia Lào tại Viêng chăn mà một số   người buôn bán bia lớn ở miền Nam, miền Bắc cũng biết vợ chồng mình. Lúc có việc phải đến nhà máy, mọi người ở  đây đều nhìn mình thân thiện như người nhà - tiếng Lào gọi là “khôn hầu êng”. Chuyện mình không biết chữ như chuyện tiếu lâm. Các anh chị ở đây hay kể.

Bọn học trò ở trường Ngoại ngữ Bộ Nội Vụ nơi mình dạy, cười ngất khi nghe cô kể về giai thoại ngày viết đơn làm đại lý. Có đứa còn tỏ ra nghi ngờ. Cô mà không biết chữ à!. Cô sao lại không biết chữ?

Mình chịu khó học, động lực là để hiểu học trò mình, để dạy các em được tốt hơn.
Có lần  khi kiểm tra trình độ tiếng Lào ở trường Đại học quốc gia Đồng Đột Lào, thầy A Nụ giảng viên khoa văn nói: thầy muốn mình học chuyên sâu vào Văn học Lào.Chỉ hai năm nữa thôi mà! Mình quí  thầy lắm. cũng muốn học, nhưng cuộc sống cứ lôi đi.Tiếng Lào cũng chỉ đến vậy.

Sau này, khi mình soạn giáo án giảng dạy phục vụ trường NN Bộ NN, rồi  dịch  các tài liệu về cây cao su từ tiếng Việt sang tiếng Lào, cho bà con người Lào trồng cao su. Vất vả lắm, đôi khi mướt mồ hôi, nhưng mình nghĩ -cũng phải làm gì đó, để trả ơn mảnh đất, con người đã cưu mang mình.

 Kỉ niêm yêu thương,20 năm với nước Lào  : 30/4/1992-30/4/2012
                            Vũ Thu Hương

Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012

Cô Tân


Năm 1986, cô Tân về Hội An hướng dẫn mình làm luận văn.
Mình đón cô ở bến xe. Hai cô trò dong ruổi khắp hang cùng ngõ hẽm từ phố cổ, đến làng gốm Thanh Hà bằng chiếc xe đạp cà tàng, không phanh,  không gạt..
Xong việc, mình còn chở cô ngược đường quê mấy chục cây số về nhà - dạo ấy mẹ  mình còn ở Gò Nỗi, Điện Bàn.

Cô ở lại nhà mình một đêm, cùng ăn  với mẹ và các em mình bữa cơm nghèo. Rồi cô cứ xuýt xoa mãi như người có lỗi. Thế này thì làm sao mà em có thể đi học được, thế này mà cô không hề biết.... Th ơi!
 Cô cứ vừa nói vừa gọi tên mình, đôi mắt tròn to chớp chớp long lanh... Mình cũng thấy có lỗi vì đã làm phiền cô, mình cứ cúi xuống,   không dám nhìn cô.

Sáng ra hôm sau mình lại đèo cô bằng xe đạp ra bến xe. Dọc đường, cô cứ  dặn dò  hết chuyện này sang chuyện khác... Xe chuyển bánh, cô còn với lại: đi xe cẩn thận nhé! Th nhé. Nhớ giữ mình, em mà có làm sao thì mẹ và các em ...

Xong kỳ thực địa, trở lại Huế, cô hay kể chuyện: Th nó chở cô bằng xe đạp không phanh...Bạn bè nghe có đứa tưởng Th thích thế, có đứa nghĩ Th ngông, nhưng cô thì biết, th chỉ có được đến thế. Và lời cô chứa đựng nhiều lắm. Th. hiểu.

Chúng mình tốt nghiệp, từng đứa về quê chờ phân công công tác. Trước ngày rời Huế, mình lên chào tạm  biệt thầy và cô. Cô cứ gợi ý: Th có nguyện vọng gì thì nói với thầy đi - Lúc đó thầy Phúc- chồng cô hình như là phó khoa. Cô phải thúc giục đến mấy lần mình mới dám thưa: Nếu có chỉ tiêu nào làm chuyên môn ở Đà Nẵng, thì thầy phân công cho em, em không thể đi đâu xa.
Thầy Phúc nói là thầy nghe cô Tân kể hoàn cảnh của Th... Th cứ yên tâm về đi. Nhất định thầy sẽ xét nguyện vọng của em.

Sau này dẫu công việc đến với mình là do tình cờ. Nhưng tấm lòng của cô và cả thầy nữa đã cho mình điểm tựa.

 Kì hội khoa lần trước mình mãi tán gẫu với Hoài Nam và các bạn ở phía dưới, chợt nghe  bạn nào đó từ phía trên gọi: Th. ơi, Đồng ơi, thầy Phúc gọi kìa!

 Hội khoa hôm 19 tháng 4 vừa rồi  cũng vậy. Vừa thấy mình, cô Định bảo:  Thuỷ đây này chị Tân ơi! Rồi cô  nói: cô Tân vừa mới hỏi  Th. và Đồng ...
Vâng, cô ơi từ nay cứ đền kì  hội trường, hội khoa, em cùng các bạn  sẽ lại về. Nếu không, sợ cô tìm không thấy.

                                                                                 Huế, tháng 4 năm 2012
                                                                                      Trần Thị Thuỷ

Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2012


              Ba đi uống cà phê.
Tối ngày 29...có tín hiệu tin nhắn. Mẹ và các con nhắc ba kiểm tra. Nhưng ba lại tủm tỉm cười rồi nói:
- ba biết rồi, đó là tin nhắn của hội hsmn Quế Lâm gọi ngày mai - ngày cuối tháng đi uống cà phê.
Cả ba mẹ con chợt nhớ ra- ờ nhỉ! ngày mai ngày cuối tháng, ngày vui tươi sung sướng của ba - ngày gặp mặt định kì của các bạn hsmn Quế Lâm ở Đà nẵng.
Rồi cứ như người lớn từng trải và rộng lượng lắm: con trai Jippo con gái Miu của ba cười tít mắt.

Thật ra thì ban đầu ở những cuộc họp hội, gặp mặt hsmn mà ba tham gia định kì, nhà này cũng có người cằn cựa: muốn đi cùng ba với tư cách “con hsmn”. Nghe lý luận kiểu này mẹ th cũng lạ lắm, nhưng rồi, mẹ quyết là: không được ai đòi theo- Ưu tiên  ba tự do thoải mái với các bạn như hồi ngày xửa ngày xưa
Con và cả vợ hsmn hãy đợi đấy!

...Và cứ như thế đã thành quy ước. Ba cứ vô tư đi về gặp gỡ với các cô các chú bạn bè từ cái thuở lớp 2c, 3c,... trên đất Bắc.
Ở đó ba được sống tiếp cái phần đời riêng chung một thời đã thành huyền thoại
Ở đó nơi gặp gỡ  của những người bạn thuở tuổi lên chín lên mười đã đã bị chiến tranh làm cho côi cút- nát cửa tan nhà, mất cha lìa mẹ.
Những đứa trẻ thời ấy với đôi chân bé bỏng đã đi bộ  ròng rã mấy tháng trời suốt chiều dài Trường Sơn dưới mưa bom bão đạn.
Những đứa trẻ xa nhà nhớ mẹ nhớ cha ấy, đã khóc thầm suốt chặng đường đi bộ vượt Trường Sơn ra Bắc.
Những đứa trẻ đêm ngủ còn đái dầm ấy đã phải đi tìm đường sống cho mình và cho chính Tổ quốc hôm nay.
Một thời họ là ”học sinh Miền Nam” trên đất Bắc. Hoà bình về  lại là:”học sinh Miền Bắc”trở về Nam.
...Thời gian qua đi bạn bè trang lứa ấy giờ đã vào tuổi năm mươi.  kẻ mất, người còn.
Đời riêng: người hạnh phúc, kẻ bất hạnh. Người thành đạt, kẻ thất bại. Người giàu có, kẻ mướt mồ hôi lo tiền học cho con, tiền thuốc thang cho vợ, cho chồng,...

Đôi ba năm một lần gặp mặt cũng là quí, nhưng chưa thoả lòng, nên mới “sáng tạo” ra cải kiếu uống cà phê mỗi tháng một lần.
Vợ và con hsmn nhà chúng tôi hiểu vậy, nên dẫu ba đi uống cà phê ngày cuối tháng chỉ một mình, nhưng là bằng cả yêu thương gia đình của bốn chúng tôi cộng lại.

...Cứ đến hẹn là đã thấy ba dậy từ sáng sớm, háo hức điện thoại gọi nhau bằng cái giọng điệu ngang tàng và  với caí ngôn ngữ 7 phần phổ thông lại trộn 3 phần bắc (.chứng tích của những năm tháng sống ở trường hsmn).
Nhìn ba xúc động vậy, cả nhà cũng vui lây.

Ba cứ đi uống cà phê vào mỗi cuối tháng như đã hẹn đi. Visa “xuất nhập cảnh” này dẫu có trở  ngại ( là đương sự không biết  uống cà phê ?) mẹ và các con vẫn  xác nhận thời hạn cấp: suốt đời. Vì một lý do hết sức đơn giản -  người cấp là:vợ và con hsmn.
     
                                                                     Đà nẵng, ngày 01/11/2010
                                                             Thương yêu tặng ba và các bạn hsmn
                                                               
                                                                              

Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Nhớ con sông xưa

Làng Tư phú quê tôi có một đoạn của sông Thu Bồn chảy qua.  Sông cho làng nào bãi bồi, gò bồi, bến lở... Bãi bồi làm nên biềng dâu biềng bắp xanh tốt quanh năm. Gò bồi là doi  đất phù sa mới rợi, cứ sau mỗi trận lụt  làng lại dài ra phía sông thêm một ít. Nước sông mát rượi, ngọt lịm.

Cũng bên đoạn sông này người làng  tạo nên nào dốc, nào bến. Cái dốc cái bến là cửa của làng. Ai đi đâu về đâu đều qua cửa. Lũ trẻ chúng tôi chẳng mấy khi được ra khỏi làng,  cũng ngày lảng ra  cửa đôi ba bận.

Ban mai, mặt trời lên phản chiếu ánh nắng vàng ươm trên mặt sông, thuyền đánh cá của dân xóm chài khua mái dầm đuổi cá rộn rã một khúc sông.

Trưa hè nắng nóng, sau buổi phụ cha mẹ làm đồng về chúng tôi chỉ mong được ra bến để nhảy tòm xuống nước ngụp lặn. Nước mát lắm, an lành lắm.

Thỉnh thoảng tôi hay trốn mẹ theo bạn bè ra bãi sông  phơi nắng, dầm mình trong nước sông để  cào hến, cào ốc quắn. Kiếm cái ăn thì ít mà chơi thì nhiều. Trời trong, nước trong, chúng tôi  thích ngâm tay dưới nước để nhìn chỉ tay mình. To và rõ lắm.

Chiều về, bến sông đông nghịt người - đó là lúc thư giãn. Trẻ già, gái trai đủ cả, tiếng nói tiếng cười, tiếng trẻ con đùa giỡn râm ran... Hôm nào chúng tôi cũng mãi chơi cho đến khi  mặt trời lặn, lên khỏi mặt nước gió đêm quất vào người lạnh cóng. Đứa nào đứa nấy co ro chạy về nhà.
 Có hôm trời tối, sợ con mình bị ma gia bắt ( ma nước) mẹ tôi tất tả đi tìm.Tiếng mẹ goi  thất thanh, run rẩy trải tràn trên mặt nước: M. ơi... ơi... ơi... Con ơi   ơi... ... ...            ..ơi ..........................
Hôm ấy về, tôi ân lắm!  tôi tự hứa từ nay sẽ về sớm, sẽ không làm mẹ lo nữa, nhưng rồi cũng chỉ ba bảy hăm mốt ngày, đâu lại vào đấy.

Mẹ vẫn  ngày ngày nương  theo dòng sông, kiếm con tép con nghêu...  bòn đất lật cỏ, kiên trì một ý nguyện, thay chồng nuôi con ăn học.

...Đêm hè trăng sáng, sông như tấm lụa bạc trải trước hiên nhà, đôi ba đứa chúng tôi ngồi với nhau trên  bãi cỏ ven bờ. Nhìn sông, lo tới ngày phải chia xa. Rồi mai này chúng tôi sẽ sống thế nào đây  khi phải xa làng, xa bến sông thân yêu này?

Tôi lên lớp mười, học trường huyện mãi tận Vĩnh Điện, cách nhà hơn mười cây số. Mùa lụt - từ thị trấn nhìn về quê, nước sông mênh mang, lòng quay quắt nỗi thương mẹ không ai đỡ đần, thương em còn nhỏ, sợ nhỡ sẩy  chân  uống nước lụt mà chết.

Có cây lụt sớm tháng 7 năm đó, tôi sấp ngửa vừa kịp chuyến ca nô từ Vĩnh Điện ngược sông Thu Bồn về làng. Minh Hảo em tôi lúc đó chừng mười tuổi đang đứng dưới gò Một - nước ngập đến ống chân, em đang cố sức cắt vội đám rau lang. Em tôi sợ nước ngập, rau chết. Đám rau là nguồn thu, là cá, là mắm, là gạo, là sách vở cho mùa tựu trường ... Chị đi học xa,  mẹ bận làm đồng. Em tôi  cố gắng níu giữ...Nhưng nếu em ở đó thêm  chừng một giờ nữa, nước sông lớn nhanh thế này em sẽ không còn về được.Cũng may trời  còn thương.

Mùa thi đại học năm ấy bạn bè xôn xao  rủ nhau đăng kí  thi nơi này nơi khác với bao  nhiêu ước vọng. Tôi nộp đơn vào trường Huế. Mẹ hỏi vì sao? Tôi thưa là: con  muốn trở thành người viết. Con sẽ học để biết  viết về quê mình, về người  mình. Mẹ hỏi sao không thi trường Sài Gòn hoặc Hà Nội. Tôi không dám trả lời là tôi sợ tốn tiền của mẹ.Chừng như mẹ hiểu điều tôi không nói, nên rất nhiều lần sau đó mẹ bảo tôi muốn thi đâu thì cứ đi, không phải lo chuyện tiền. Tôi vẫn cứ thi trường Huế.

Chuyến  đò ngang năm đó đưa tôi qua sông ra Huế với món tiền hai trăm đồng mẹ cho( mãi sau này tôi mới biết đó là tiền mẹ vay nóng của người ta)
Thi xong chiều ấy tôi lên tàu về lại ngay, ở thêm một ngày là  thêm tốn.
Ba ngày :cả đi về, và chi phí ăn,ở, lệ phí thi, tôi đã tiêu hết  tám mươi sáu  đồng; quà tặng  mẹ một bình cắm hoa rất đẹp và bánh kẹo cho các em là tròn chẵn một trăm. Thừa một trăm đồng.

Trên đường về tôi gặp thầy Hảo, thầy giáo dạy văn của tôi, nhà bên kia sông, thầy mắng té tát: Con kia, sao không đi thi,.... Thầy giận lắm vì nghĩ tôi bỏ thi - Có ai đi thi mà về sớm vậy đâu!
Ở trường cấp III, thầy Hảo  vẫn khen tôi học được, thầy đã mở cả tủ sách quí của mình rồi hướng dẫn cho tôi đọc. Tôi thưa thầy là em đã thi xong. Thầy hỏi lại:  chắc chứ? Tôi: Dạ. Thầy nói: rứa thì được!

Thấy tôi từ Huế về mẹ hỏi như người có lỗi: sao con về sớm thế? Hết tiền rồi à?  
Khi biết tôi còn tiền mẹ bảo: sao ngu thế hả con, sao không ở lại Huế mà chơi, biết sau này còn có dịp  được đến đó nữa không!

Trong tâm hồn dễ tổn thương của tôi, có lẽ đó là lần bị mẹ chửi, thầy mắng duy nhất mà tôi không buồn.
 Đêm đến, tôi ngồi nhìn sông nghĩ về ngày phải xa nơi này. Sông chảy đi đâu chảy hoài chảy mãi. Khi tôi đi sông có đi cùng?

Rồi cũng những chuyến đò dọc, đò ngang đưa từng đứa chúng tôi rời bến xa làng. Không có mẹ tiễn, chỉ có sông. Đến bến bên kia, lần nào người chèo đò cũng nói: đi mạnh giỏi, ráng học nghe....khi mô  rảnh  thì về!


Mấy đứa ở xa cứ lâu lâu lại gọi điện về: mình nhớ quê, nhớ sông lắm!  Có anh người làng ra ở phố, anh mời hoạ sĩ vẽ hẳn  bức tranh bến đò quê tôi ngay nơi trang trọng nhất của phòng khách.

 Mùa mưa, tháng chín tháng mười âm lịch nước sông về mênh mang, cuốn  trôi lũ chuột, họ hàng nhà sâu bọ, con trùng,...  và thêm phù sa cho đất, để  năm  sau mùa màng lại tốt tươi.
Mùa lụt trẻ con chúng tôi theo người lớn đi bắt dế, bắt chim. Ướt, lạnh run lập cập, về lại tụm nhau nhai bắp rang rau ráu... Người quê tôi đã quen lắm với lũ, nhưng là lũ tự nhiên theo mùa theo vụ, có quy luật, theo đó con người đoán định mà ứng phó, mà thích nghi.

Sông xưa giờ biến dạng.

Từ thượng nguồn  người ta phá núi đãi vàng, nước ngấm độc hoà lẫn đất cát, mồ hôi và chắc có cả máu của phu  làm vàng nữa chảy về đục ngầu, tức tửi. Nơi con sông chảy qua làng, nhà máy cũng  mọc lên. Người quê rời làng ra đi nhiều lắm. (Thì có can chi- lại có người nơi khác đến.) Bến sông xưa  giờ nước tù đọng, con tôm con cá hiếm hoi cũng vật vờ, thoi thóp.

Mùa mưa, thuỷ điện xả lũ, nước tràn về dữ dằn, ngập trắng đồng trắng bãi. Có người bỗng chốc bị con nước dữ cuốn trôi hết cơ nghiệp cả đời tần tảo. Người quê tôi vốn tự trọng là thế, giờ  phải đắng cay  nhận từng gói mì cứu trợ. Có ai được nhận quà mà đau lắm, buồn lắm vậy  không ?

Tôi cùng mẹ về lại bến sông quê. Người chèo đò mới (chẳng biết có họ hàng chi với người chèo đò năm cũ) căn dặn: chờ thuyền vô tới bờ rồi  hãy bước lên, Đừng lội xuống! Nước bẩn!
Đang mùa hè, không khí ngột ngạt, nóng như rang trong chảo. Trời vẫn trong, nhưng trời ở xa quá. Sông quặn đau tím bầm. Đất chông chênh chao đảo. Trời có thấu.

Bao kiếp người đã dựa vào sông mà sống, mà sinh con đẻ cái, mà vui buồn, hạnh phúc... Sao nỡ nhẫn tâm huỷ hoại mạch sống đã nuôi mình?

Trần thị Thuỷ, mùa hè  năm 2011



Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

Tản mạn đêm giao thừa

Tặng đồng bào tôi-những người Việt Nam sống xa tổ quốc.
Hai mươi ba giờ bốn mươi lăm phút, tôi phủ lớp bột ngoài cùng  để có được tấm bánh da, một loại bánh quê  nhà vừa dẻo vừa thơm -  cái mùi thơm hương nếp  mẹ tôi tự  tay rang, xay, rồi gửi xe tốc hành sang tận Viêng Chăn cho tôi - như gửi gắm một lời chúc, lời nhắn nhủ từ quê nhà  …. Cái mùi thơm quê hương mười mấy năm nay tôi mang theo canh cánh bên lòng .
Các con tôi đã ngủ say, các cháu còn quá nhỏ để có thể hiểu nỗi niềm  của ba  mẹ chúng trong giờ phút thiêng liêng này. Đèn  trên bàn thờ sáng trưng, mâm cỗ cúng giao thừa cũng đầy đủ  từ mứt gừng, mứt dừa… đến bánh chưng xanh, nhưng lại thiếu vị mặn của gió biển quyện trong khói hương  năm  xưa bà nội tôi thường  cúng đầu năm .
Tôi đạp xe lang thang qua các phố có người Việt mới đến sinh sống. Có người tôi  quen biết, có người không…nhưng  cũng dễ dàng nhận ra  họ bên mâm cỗ thịnh soạn tạ đất trời nơi mình đang sinh sống, mà mắt thì  lại hướng về một nơi xa xăm, nơi đó có gia đình, anh em, bạn bè … nơi có con đường mà ai đó trong họ từng đi dạo với một nửa của mình trong đêm giao thừa xưa.
Phía Đông của chợ Sáng, một trong những khu vực có nhiều gia đình  Việt kiều  lập nghiệp lâu đời  thì không khí giao thừa lại khác, rộn ràng hơn, sung túc hơn.  Dòng máu Việt đến đời thứ ba, thứ tư  trên đất Phật đã có yếu tố nước người  pha trộn  tạo một nét chấm phá rất riêng,  tự nhiên không lẫn vào ai, với ai được.
Đèn đỏ  ở ngã tư  Đông  Pà Lan – Bộ nội vụ Lào  vừa lâu đủ để tôi nghe được một đoạn đối thoại  của hai người đàn ông Việt Nam trên một chiếc xe cub cũ, loại xe thông dụng của những  công nhân lao động Vịêt Nam ở đây :
- Không biết mẹ sắp nhỏ  có chạy được tiền sắm đồ mới  cho các con.
- Sao anh không gửi về trước một ít ?
- Thì cứ tưởng họ sẽ thanh toán cho trước tết để về. Làm  gần nửa, năm chỉ ứng đủ tiền ăn, tiền tiêu vặt, còn lại đòi mãi mà họ vẫn chưa trả. Không có tiền, về biết ăn nói làm sao, đành chờ đến ra giêng vậy .
 …Tôi nghe mắt mình cay cay. Đèn xanh bật sáng, tôi đạp xe lên phía trước không chủ định, lòng suy nghĩ mông lung … Không biết  các anh  Năm, anh Cư  và đồng đội,...  giờ này có được  đón giao thừa, hay lại lặn lội  nơi xa xăm nào đó… Xin cảm ơn các anh  với những hy sinh thầm lặng .
Và Mai, Liên bạn tôi - những cô  gái Hà thành đã chọn nơi đây làm đất  lành xây tổ,  các bạn nghĩ  gì trong giờ phút giao thừa này … Còn bao nhiêu nữa những người bà con, anh em, đồng bào tôi vì trăm, nghìn lý do riêng chung mà phải đón giao thừa trên xứ người… Trời Viêng chăn đêm nay ấm mà lòng tôi thì lạnh. Cái lạnh từ trái tim. Cái lạnh của kiếp người viễn xứ.
 Đang định chọn cành lộc đầu năm, tôi chợt nghe  câu hỏi bằng tiếng Lào:
-Vào năm mới chưa hở chị ?
-Vâng đã bắt đầu  năm  mới rồi .
-Xin chúc mừng năm mới của chị! 
Tôi nhận được lời chúc đầu năm như vậy đó, từ một người bạn Lào tình cờ gặp vào lúc không giờ. Anh  giúp tôi chọn nhành lộc đầu năm, và tôi tặng anh tiền mừng tuổi theo truyền thống của dân tộc tôi .
 Bầu trời đêm nay thật nhiều sao.Những ngôi sao âm thầm toả sáng. Những ngôi sao không biên giới vượt lên mọi khoảng cách, đưa tôi trở về với thực tại. Mùa xuân đang đến với cả những kẻ mang trong lòng nỗi nhớ da diết về biển …Hoa mai trên đất bạn cũng nở vàng thắm cả đất trời .           
                                                              Viêng Chăn, giao thừa xuân Nhâm Ngọ
                                                                            Vũ Thu Hương
(Vũ Thu Hương là tên khác của Th  khi dạy học bên Lào)

Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

Bữa no


Hôm ấy là một tối mùa đông tại phòng G4 ký túc xá  27 Nguyễn Huệ Huế. Đang mùa ôn thi, mình và Oanh tay cầm sách mà mắt hoa lên - đói lả, chợt nghe Lý bột lọc gọi: “Chị Thuỷ, chị Oanh ơi, dậy ăn bánh đi!” Oanh trả lời yếu ớt: Bọn chị không có tiền. Lý bảo: không phải trả tiền. Các anh lớp chị gửi.

Nhanh hơn điện, bọn mình vội phóng từ trên giường tầng xuống. Chỉ có hai đứa mình với Lý thôi mà vui như hội. Dĩa bánh bột lọc nhân tôm và cả  nhân đậu xanh có chút mỡ ở giữa. Hai đứa ăn ào ào. Oanh vừa ăn vừa cười, mắt long lanh. Bọn con trai lớp mình tốt thật Thuỷ nhỉ! Mà còn  galand nữa chứ! Th. thấy không, bọn nó biết hai đứa mình đói nêm mua bánh gửi sang đó!...
Mình vừa ăn vừa nghĩ: không biết tiền đâu mà oách thế ? (Chúng mình có mấy khi được ăn một đĩa bánh bột lọc to và đầy thế đâu!). Oanh bảo mình:Th  không phải nghĩ. Các anh ấy tất có tiền nên mới “sang” thế.

Ăn hết đĩa bánh, bụng đã no, thần kinh trở lại hoạt động bình thường , mình hỏi Lý. Tiền trả xong hết rồi phải không? Nghĩ là hỏi để hỏi thế thôi.Nhưng Lý lại bảo:
- Chưa chị ạ. Mấy anh K6 nói, ăn no rồi, bọn anh sẽ đi cầm cái gì đấy để trả!

Hai mươi mấy năm qua đi . Chừ ngồi viết lại những dòng này vẫn trào nước mắt.

(trích từ nhật kí về bạn bè tôi )
Trần thị Thuỷ

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

Chuyện về người thầy đầu tiên

         
         (Kính dâng  tặng cô On và các cô giáo trường Sonmixay- Viêng chăn)

        Vì dạo ấy mẹ tôi dạy học bên nước Lào, nên chúng tôi sinh ra đã trở thành người Việt Nam sống xa tổ quốc. Những chữ cái đầu tiên  ở lớp vỡ lòng mà tôi học là ngôn ngữ mẹ đẻ của nước bạn, vì vậy tôi tự nhiên trở thành học trò của cô.
   Mẹ tôi bận rộn với trường lớp và học trò của mình, nên ngày đầu tiên đưa tôi đến trường đã dặn dò: “Các con ở đây với các cô, ngoan cô khen, hư cô đánh - mẹ không can thiệp”. Cô cũng là mẹ đấy- nhưng cô biết nhiều chữ nên mẹ đưa các con đến học.Và thế là tôi có người mẹ thứ hai- cô giáo đầu tiên của tôi.

   Cô tôi lúc ấy còn trẻ lắm, chỉ mới ngoài hai mươi tuổi. dáng người mảnh mai. Cô mặc những bộ váy áo giản dị nền nã, mẫu mực.Cô bước đi những bước chân quả quyết lắm. Khuôn mặt đẹp và đôi mắt sáng kiên nghị. Cô đưa tay đón tôi từ tay mẹ, và cũng từ đó mở ra cho tôi một chân trời mới.
  Cô dạy tôi biết bao điều: từ những nét chữ đầu tiên xiết bao khó khăn, đến cách phát âm sao cho tròn vành rõ nghĩa. Cô dạy cách ăn mặc đi đứng, nói năng, dạy cách hoà đồng với bạn bè - để tôi một con bé nhút nhát cũng có được những người bạn.
 Rồi cao hơn, cô dạy những qui tắc học đường, dạy văn hoá truyền thống ... nhờ vậy mà tôi - một học sinh nước ngoài, đã hoà nhập không mấy khó khăn với văn hoá nước bạn. Tôi đã đọc thông viết thạo cái ngôn ngữ vốn rất lạ lẫm và không dễ ngay cả với người bản xứ.
   Tôi đã học 5 năm ở ngôi trường nhỏ thân yêu ấy. Dẫu lên lớp mới rồi, cô tôi không trực tiếp dạy nữa, nhưng ngày nào tôi cũng được gặp cô. Việc lên lớp chỉ là có thêm cô giáo mới thôi. Vì trường chúng tôi nhỏ nên giờ ra chơi đứng ở góc nào tôi cũng có thể nhìn thấy cô.
 Thỉnh thoảng tôi cũng được các thầy cô khen ngợi - lúc ấy cô tôi vui lắm.Vì muốn cô vui nên tôi đã rất cố gắng...
   Sinh nhật tôi năm nào cô cũng đến với những món quà nhỏ xinh. Cô tự nhiên lắm, cô thay mẹ  điều khiển tiệc vui sinh nhật tôi cũng thành thạo như việc giảng dạy ở trường.
   Có những ngày nghỉ, do mẹ tôi bận công việc cơ quan, cô cho anh em tôi đến nhà riêng, cho ăn cơm cùng gia đình cô, rồi vừa làm việc vừa trông chừng chúng tôi chạy chơi trong vườn nhà.

  Chúng tôi cứ vậy - học hành, chơi đùa và vô tư lớn lên trong vòng tay một bên là mẹ - một bên là cô.
   Rồi gia đình chúng tôi về nước. Cô tôi là người Lào nên không về theo. Cô ở lại bên ấy cùng các thầy cô khác và bạn bè người Lào của tôi.
   Cô ở lại với rừng. Xa cô, tôi đi về phía biển.

  Tôi bây giờ đã có trường lớp mới, thêm nhiều bạn bè mới, thầy cô giáo mới. Việc học hành bận rộn rồi đường sá xa xôi... nên từ ngày ấy chưa được một lần trở lại thăm cô.
  Nhớ cô, nhớ trường cũ, tôi nhìn về phía tây. Bên kia dãy Trường sơn - ở đó tôi từng có một người thầy.

                                                             Đà Nẵng, mùa hiến chương năm 2010
                                                                          Đặng Trần Anh Thư

Con chó Đô



Từ dạo chuyển nhà về Việt Nam, vì thương nhớ chó Pop phải để lại bên Lào không mang về theo được, nên ba mẹ không muốn nuôi thêm con chó nào nữa. Mỉu và Jippo ngoài giờ học cũng hay buồn. Mẹ tội nghiệp hai anh em nên đem một con chó nhỏ từ Điện Quang ra. Ba mẹ con thống nhất đặt tên nó là Đô-cùng tên với Đô Đô con bác Khăm - coong hàng xóm bên nhà cũ.

Đô có lý lịch tốt: gốc gác nhà quê, mẹ nó rất khôn. Nó dễ nuôi, ngoan ngoãn. Các con có chó nhỏ thì mừng lắm.
Hai anh em làm cho Đô cái nhà nhỏ bằng bìa cứng, rồi đặt bên dưới cái chỏng tre- dưới bóng cây - nơi mọi người ngồi đọc sách. Cẩn thận hơn, Mỉu dùng áo cũ và vải đang học cắt may lót ổ rất ấm. Đô chừng cũng hoà nhập tốt. Chịu để cho anh và chị chủ chăm sóc. Chỉ khác là hôm nào cũng phải cho vào tí mắm trong cơm như nó vẫn quen ăn ở quê.

Trời trở gió mùa đông bắc, Mỉu may cho Đô áo ấm bằng vải thun dày, đủ các màu. Nó cũng chịu mặc. Bà ngoại nhìn Đô mặc áo cười ngất rồi khen Mỉu khéo tay. Ngặt một nỗi cu cậu sống ngoài hiên, nên thỉnh thoảng chạy ra ngoài phơi mưa. Sợ Đô ướt Mỉu lại may áo mưa. Lần này thì không thuận. Áo mưa cứ mặc vào buổi tối, sáng ra lại không thấy đâu. Chắc là khó chịu nên xé đi hết.

Đô ở ngoài hiên chừng được hai tuần, thì nhà có khách. Khách là con mẹ Thuỷ Hồ đến chơi. Thấy Đô đẹp đẽ dễ thương, chị ấy bế vào nhà vuốt ve, ôm ấp. Khách ra về, Đô không chịu về vị trí nữa,. nó dấm dẳng đòi ở trong nhà. Thấy vậy anh Jippo và Chị Mỉu xin cho nó được ngủ trong nhà. Mẹ đồng ý, hai anh em vui ra mặt.
Thấy mẹ không la mắng nữa nó đến nằm ngay ngắn vào chiếc dép xuồng ba Trạng đi trong nhà. Từ đó Đô nghiễm nhiên ngủ ở phòng khách.

Sợ Đô bôi bẩn sẽ bị mẹ đuổi ra ngoài, nên cứ  hai ngày một lần hai anh em đem nó đi tắm. Cũng xà phòng tắm, cũng Penten thơm nức...Tắm xong thấy nó lạnh anh em nhà chủ người lau, người thì dùng máy sấy tóc của mẹ sấy lông cho chó. Đô sạch và đẹp lên, còn chủ nó thì nhem nhuốc đi trông thấy.
Nhưng không chỉ dừng lại ở phòng khách, Đô lấn dần vào phòng ngủ của hai người chủ nhỏ. Mẹ bắt gặp, nó phóng đi trốn  rất nhanh, một lát lại lẻn vào. Jippo và Mỉu ở đâu thì nó ở đó. Khi hai đứa sang nhà dì Hảo hoặc nhà ngoại, nó cũng tháp tùng sang chơi với các em bên ấy.

Một hôm mẹ bắt gặp Mỉu đang năn nỉ Đô uống nước. Hỏi ra mới hay :”lúc nãy con cho  nó uống một ít sữa trong tiêu chuẩn của con,(sữa tươi ba  mua từ bên Thái Lan về cho các con, vì sợ anh hai tranh phần nhiều nhiều ,ba chia theo "tiêu chuẩn" ) nên phải bảo nó uống nước kẻo sâu ăn răng” (?)

Đô lớn nhanh, nhanh một cách bất thường,to bằng ba hồi mới về, cô chủ nó thì gầy đi trông thấy. Mẹ mở cuộc điều tra. Kết quả là: “ban đầu Đô chỉ uống một ít sữa thôi, sau thấy nó thèm quá, con cho hết luôn”. Mẹ hỏi nó uống kiểu gì?  Cũng như con vậy mẹ ạ! Con hút một ít rồi cho Đô. Nó cũng hút như con, nhưng nhanh hơn! À, thì ra là vậy.

Bà cố trong quê ốm nặng rồi mất, mẹ phải đi về quê luôn.Việc nhà bỏ mặc. Con chơi với chó, chó chơi với con.
 Sáng hôm đưa tang bà, anh Jippo điện thoại cho mẹ, giọng  con  trầm khác thường: Mẹ ơi, Đô chết rồi! Mẹ vội nói: Con ạ, Đô đi theo bà đấy! Đô trước là chó của bà. Bà mất, nó phải đi cùng bà lên thiên đàng, Đô là con chó tốt, nó phải dừng cuộc chơi để đưa bà đi. Bà già rồi, không thể đi một mình được ...

Đô phải đưa bà lên thiên đàng - dẫu tin lời mẹ, hai anh em cũng buồn lắm. Mắt Mỉu lần đầu có quầng  thâm... Một hôm ở trường về, không kìm nén được nứa, con buông cặp sách rồi úp mặt vào gối khóc tức tửi. Mẹ ơi con nhớ Đô lắm!

 Năm đó  Mỉu học lớp 5, anh Jippo lớp 6.






Con gái và chó Pop


 ...Con gái đang ăn cơm. Chó Póp nhảy lên đòi rồi còn sủa "gấu gấu" doạ cô chủ nhỏ. Mẹ th bảo: đánh cho nó vài roi! Thương, nhưng không để nó lộng hành.

Khoảng vài phút sau nghe con nói với chó:"có thôi đi không! cứ bị đánh vào đầu là sẽ ngu đi đấy!"

(từ năm 2010)

Gửi bạn xa quê


Nhân ngày đẹp trời, bọn mình đi xe máy vượt ba con đèo Hải Vân, Phú Gia rồi Phước tượng để về Huế.

Dạo quanh phố xá. đi bộ dọc bờ nam sông Hương.Thỉnh thoảng lại nghe có người gọi tên mình: -th ra khi mô rứa? th đi chơi vui không?...  giọng Huế nghe thương lạ!
Về nhà Hoa rè, ăn với các cháu bữa cơm nghèo, nghe chúng nó ríu rít đến là vui tai.
...
3h chiều dì th về lại đn, cứ vướng vất trong đầu lời cháu: "con biết mà, dì th về (Huế)  là nhà mình được ăn ngon"
 Cũng biết là mỗi người một số phận, đều có buồn vui, hạnh phúc, bất hạnh,...nhưng lời con trẻ làm mình nghe xót xa lắm.
Cái người được gọi là dì th  một cách thân thiết ấy- cũng có làm gì được cho các cháu nhiều đâu.

Bạn tôi xa  quê, xin gửi vài dòng tự sự từ quê nhà.

(bài cũ từ cuối năm ngoái)

chuyện bên nước Lào

   Đoàn chúng tôi vượt chặng đường dài hơn 500 cây số từ thủ đô Viêng chăn về đến Savanakhet mọi người đều mệt lử. Nhận phòng, cơm tối, ổn định cho khách.

...22h15ph khi chuẩn bị cho thủ tục ngày mai về lại Việt Nam, tôi phát hiện ra có hai vị khách lẻ, hộ chiếu cần phải có thị thực  mới được phép nhập cảnh vào lại VN.Trao đổi thì họ bảo đã được hướng dẫn sẽ xin thị thực ở cửa khẩu (?) Những chuyến du lịch đường dài như thế này, thời gian sít sao lắm. Chờ xong thủ tục visa tại cửa khẩu thì có mà trễ cả đoàn! Ngày mai lại là chủ nhật.

Đã nửa đêm rồi, hết cách xoay xở, tôi đành liều điện thoại cho anh Trần Công Thịnh - trước anh  công tác tại ĐSQVN tại Viêng Chăn, hiện đang là TLS bên CPC, nhờ anh hướng dẫn để làm sao thực hiện đúng pháp luật mà có thể  trả khách kịp chuyến bay.

Sau khi nghe đầu đuôi câu chuyện, anh Thịnh bảo: em cứ đến TLSVN tại Sananakhet và trình bày. Các anh ở đó sẽ hiểu, và cấp thị thực cho họ. Rồi anh động viên tôi: - không sao đâu, họ cấp cho ấy mà! Người nước ngoài muốn vào nước ta, thì cơ quan đại diện nhà nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho họ.Chắc chắn họ sẽ  được cấp.

Dù anh Thịnh đã nói vậy, nhưng tôi vẫn lo lắng, cứ đi lên đi xuống trong ks mong cho trời chóng sáng.
7h30 sáng(giờ làm việc bên Lào là 8h) tôi đã có mặt tại trụ sở TLSVN tại Savanakhet. Sau hồi chuông thứ nhất cánh cổng đã mở ra. Chỉ mất khoảng 2 phút  nghe tôi trình bày, ông TLS Nguyễn Tiến Ngọc nói:
-         Việc gấp vậy sao em không đến từ hôm qua!
Tôi thưa anh là mình về đến Savan đã nửa đêm - ngại là cơ quan công quyền nên không dám làm phiền. Anh lại bảo:
-         Việc cần kíp thì khuya cũng phải đến- bà con mình khi xa nước thì phải giúp nhau chứ- ngại gì!

 Tôi nghe nhầm chăng - đây là lời của ông TLS  hay lời thầy giáo kính yêu của tôi ở trường Đại học, hay là lời anh trai tôi ở nhà?

Do là ngày nghỉ, người phụ trách phần việc vừa ra ngoài, cán bộ nhân viên TLS người thì cố gắng liên lạc bằng điện thoại, người đi tìm, cuối cùng cũng đã tìm được.
 Thủ tục nhanh chóng. Lệ phí đúng theo qui định- mà cũng lạ- họ không hề tính phí ngoài giờ(?)
Khi ra khỏi  phòng  thị thực, cả đoàn khách của tôi đang ngồi ở phòng chờ của LSQuán (thì ra họ được các vị phu nhân của cán bộ Lãnh sự ân cần mời vào uống nước trong khi chờ làm thủ tục).

Tạm biệt TLS quán VN tại Savanakhet, chúng tôi lên đường về nước, lòng  lâng lâng một cảm giác khó tả: có cái gì nghe thân quen, ấm áp nghe lưu luyến ... Con đường Sỉ xắ vang vông, nơi có toà nhà TLS quán Việt Nam tôi từng qua lại bao lần rồi sao hôm nay bỗng dưng thấy đẹp đến lạ.

 Đoàn chúng tôi hôm ấy khách tây có, ta có, Việt kiều có, cả con rể con dâu người nước ngoài với nhiều quốc tịch khác nhau...Việc họ tình cờ chứng kiến - dẫu chỉ là việc nhỏ trong những bộn bề công việc của TLS Việt Nam tại nước ngoài, và cũng chỉ là một thoáng dịu êm đời thường, nhưng là một kỷ niệm đẹp, có sức lay động hơn những mỹ từ mà ta đang dùng để quảng bá với bè bạn năm châu về đất nước và con người Việt Nam.
 
                                                                                                  Trần Thị Thuỷ 
   Trích từ nhật ký những chuyến đi