Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

Chuyện lạ bác Lê kể

Cô gái trong bức tranh.
Đầu năm nay bác đi Hà Nội bảo vệ chức danh PGS. Vì quỹ thời gian ít, thay vì ở một khách sạn đàng hoàng ở xa, bác chọn nghỉ tại một nhà nghỉ gần địa điểm.

Sau khi nhận phòng và ổn định xong, thấy trên tường phòng nghỉ có bức tranh, theo thói quen bác lấy máy ảnh ra chụp.
Sáng ra mở máy xem lại. Lạ chưa- trên tấm hình chụp bức tranh có thêm hình cô gái đang mang bầu mà trong bức tranh không hề có.
Sợ có sai sót, bác chụp đi chụp lại thêm mấy lần nữa, nhưng những tấm ảnh chụp lần sau chỉ có duy bức tranh.

Thấy lạ, bác tìm hiểu mới hay: cô gái trong tấm hình từng là người yêu của con nhà chủ, nhưng cô  đã  mất cách đó mấy năm. 
 Ghi chú: T Chép lại lời bác Lê kể

Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2012

Mừng NT Tấn lên chức bà gia


Tụ tập Cà phê vỉa hè Ái Nghĩa chờ đến giờ dự tiệc
Bạn Tấn ngày lên sui
Mẹ Tấn và chú rể con. (cô dâu áo vàng.)



Liên, Hương, Được, Hải,Thủy, Đính
Bạn bè chúc mừng.


Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2012

Là trái tim


Bạn đến chơi nhà, không thấy bà chủ đâu nên hỏi:
-         Th đâu?
-         Về quê!
-         Quê nào?
-         Điện Quang.
-         Hai  lần trước đến cũng nghe nói về  Điện Quang. Điện Quang là gì mà về lắm thế?
-      Là trái tim tổ quốc (?)
  

Thứ Năm, 20 tháng 9, 2012

Giáo viên bồi dưỡng tại giường


Sở dĩ mình viết lên đây là vì con gái phân bì: mẹ suốt ngày viết về con này, người khác mà không viết dòng nào về anh đẹp trai- nhân vật quan trọng thuộc hàng số 1 của nhà 377.

Anh đẹp trai sinh năm năm tám. Dài cũng gần mét tám, trọng lượng tương ứng, tóc tai hơi khiêm tốn.
Học vấn: đại học- tốt nghiệp ở nước ngoài.
Năng lực ngoại ngữ: đọc, hiểu viết được tiếng các dân tôc Nga, Thái Lan và Lào.
Kinh nghiệm: từng làm trợ lý cho cô Đặng Thị Xuân- giáo viên cấp 1( anh là cha mẹ hs)
Thành tích: dạy đối tượng từ trình độ mù chữ Việt Nam đến biết đọc biết viết. Số lượng học sinh:2.

Anh đẹp trai theo từng giai đoạn lịch sử cũng có biệt hiệu khác nhau. Lúc nhỏ ngơ ngác, bạn trêu  là :gà luộc. Kết hôn xong anh em bạn bè gọi là Trạng- Thuỷ. Ở bên Lào, anh là ải Việt. Sinh con trai, anh trở thành Ba Zippo. Suốt ngày càm ràm, vợ con gọi là: sầm nhức xương...

Thành tích của anh đẹp trai thì nhiều lắm, nhưng nỗi bật trong các thành tích đó là anh từng làm giáo viên bồi dưỡng tại giường. (?)

Công bằng mà nói, thì ban đầu anh cũng không chịu dạy đâu. Với tư cách phụ huynh, anh đã đưa đối tượng cần học tiếng Việt đến các trường lớp khác nhau, cày cục hết thầy này đến cô nọ, nhưng thấy không ăn thua, đành phải lên kế hoạch: tự dạy lấy.
Anh tìm mua riêng cho mình một bộ sách Tiếng Việt về nghiền ngẫm.
Ban đêm: khi đối tượng đã mệt nhoài vì bài vở, lên giường nghỉ ngơi, đó là lúc thầy bắt đầu hành nghề.

Lớp thứ nhất: cô học trò lớp 4 dự bị trường THSP từ 8h đến 9h tối. Thầy đọc bài, trò nghe. Thỉnh thoảng có đối thoại và giảng nghĩa.Có hôm vừa dỗ dành vừa hát. Kết thúc tiết học, trò cũng đã ngủ lơ mơ. Thầy chuyển sang giường khác- dạy lớp thứ hai.
Lớp thứ hai: trò cũng đang dự bị lớp 6- bậc trung học học. Ở lớp thứ hai này rôm rả hơn. Thầy trò tranh nhau nói- chỉ khác thầy nói tiếng Việt, còn trò thì nói tiếng Lào. Học trò liến láu nói không dứt, thầy khó khăn lắm mới ổn định trật tự được.

Thầy dạy như thế đến tháng thứ ba thứ tư học trò đã có tiến bộ. Cứ nghe tiếng trò hai lớp cải nhau thì biết- chúng nói tiếng Việt cả đấy. Chỉ khi nào giận quá con em mới nói:”ải pên pặc nắ mã!, còn thằng anh thì là: Mỉu pên y...! Trò nói câu ấy bằng tiếng Lào là vì sợ người ngoài nghe mình chưởi bậy.

Hết học kì I, học trò của thầy đều đạt điểm trung bình các môn học. Thầy vui như mở hội
Xong học kì II, hai trò đều lên lớp- không thiếu điểm môn nào. Cô chủ nhiệm đề nghị cho hai em vào học chính thức.Với thành tích đó, thầy tự động giải tán lớp và từ chức luôn.

...Zippo - học trò cũ của thầy vừa đỗ vào đại học. Thầy đang vui. Mình tình cờ thấy bài này trong kho, post lên gọi là góp chuyện.
ttt.tháng 9/2012

Thứ Tư, 19 tháng 9, 2012

Nếu có được điều ước


Sau 1975 chính quyền vận động hồi hương. Họ hàng nhà nó bán tống bán tháo nhà cửa đang ở Đà Nẵng với giá rẻ như cho, hối hả về với quê cha đất tổ. Nó đang học lớp 6 cũng theo mẹ về quê.

Quê nhà. Nhìn đâu cũng thấy toàn lau sậy um tùm. Không biết ăn đâu ở đâu... Rồi bộ đội về làng giúp gia đình chính sách, người neo đơn dựng nhà tạm.

Hôm đến phiên nhà nó. Mẹ sai nó nấu chè đậu đen đem cho các chú ăn nửa buổi. Nó chạy đến nhà bà Bảy tận bến đò mua hai tán đường rồi hì hục nấu. Chè chín, chờ mãi không thấy mẹ về gánh đi. Sợ trễ, các chú đói bụng, nó cho cả nồi vào trong cái thúng 2 ang, lấy rơm dằn quanh rồi ngu ngốc gọi hai em lại giúp nó bê lên đầu. Đội đi.

Đi được mươi bước đường ghập ghềnh chè sóng sánh bắt đầu tràn ra thúng, thấm dần qua lớp rơm chảy xuống cổ xuống cổ xuống tai. Nóng. Rít, rất khó chịu. Lại nặng như khối đá ai dằn lên đầu. Nó cố  giữ thăng bằng- bước từng bước, từng bước... May mà không bị bỏng.

Đến nơi, mặt mũi đầu tóc đến cả thân hình nó toàn nước chè đậu đen bám quanh. Chú bộ đội đỡ nồi chè từ đầu nó xuống. Giọng chú nghèn nghẹn: Sao mà khổ thế cháu ơi! Mày mang nồi chè bằng cái kiểu này đến các chú sao ăn cho nỗi.  Nó tưởng làm gì sai nên thưa: Mẹ con bảo đem đến. Con chưa biết gánh nên phải đội lên đầu....

Mấy năm sau, chú bộ đội ấy về thăm lại chốn cũ, nhờ bà hàng xóm tìm nó. Chú nhìn nó cười hiền khô, mắt long lanh. Chú nắm cẳng tay nó lắc lắc. Chú hỏi chuyện làm chuyện ăn, chuyện học chuyện hành ...Chú nói bị ám ảnh mãi về cảnh con bé cố đội nồi chè nóng đi gần cây số cho các chú được ăn. Nó nghe và lại ngu ngốc lần nữa không hiểu sao chú lại tìm mình? Mãi về sau này trưởng thành rồi nó mới dần hiểu tấm tình của chú.

Nhà cũ bán lại cho người khác. Nó dẫn mẹ và các em rời làng đi từ dạo mới tốt nghiệp đh. Lòng mơ hồ nỗi lo: nếu chú ấy có ghé qua thì không gặp, nên nó cũng hay tìm về xóm cũ. Nhưng xóm cũ lâu rồi cũng không có ai nhắc chuyện bộ đội làm nhà giúp dân thưở đó.

Chú năm nay cũng vào tuổi sáu mấy bảy mươi rồi, không biết có được mạnh khỏe(?) Nó muốn đi tìm thăm chú. Nhưng ngay cả tên chú nó cũng không biết, quê quán lại càng không, thì làm sao mà tìm.
Nếu có được điều ước trong đời. Nó xin ước được gặp lại chú.
ttqm


Thứ Ba, 18 tháng 9, 2012

Tiếp sức


Chuyện nhà  là góc nhỏ riêng tư, không chủ ý đăng bài của người khác. Nhưng bắt gặp tiếng kêu cứu của cô giáo Huyền Thi...Mong muốn của cô là tiếng kêu đến được xã hội. Mình xin phép đăng lên đây để tiếp thêm cho cô chút sức lực.

Mái trường không bình yên Thứ Sáu, 14/09/2012, 07:20 (GMT+7)
TT - Không biết những dòng viết của tôi - một giáo viên bình thường, hay đúng hơn là một người dân bình thường đang sống thấp thỏm trên mảnh đất Bắc Trà My (Quảng Nam) đầy “chấn động” này - có đến được với công luận hay không.
Nhưng tôi vẫn viết, vì những dòng viết này còn mang theo bao niềm hi vọng của những người dân nhỏ bé và đặc biệt là những ước mơ, hoài bão còn chưa thực hiện của các học trò đang ngày ngày quấn quít bên tôi.
Tôi lớn lên từ trong lấm láp của những ngày chăn trâu cắt cỏ ở đất mỏ Nông Sơn. Cũng như lũ bạn cùng trang lứa, cùng nghèo khổ, nhưng không thôi mơ ước ngày mai sẽ đổi đời bằng con đường học tập. Ngày ra trường đại học, tôi tìm cho mình một miền “đất hứa” để dừng chân. Duyên phận đã đưa tôi đến với Trà My. Tôi chọn nơi này để gửi bao ước mơ và nguyện đem sức trẻ, trí tuệ, tình yêu cống hiến cho đời; ngày ngày tìm niềm vui bên trang giáo án và đám học trò ngây thơ, đáng yêu trên vùng sơn cước bình yên này.
Mười ba năm trôi qua, tôi sống hạnh phúc với những gì mình đã chọn. Nhìn những đứa học trò hiền ngoan tươi cười đến lớp, lòng tôi rộn rã, tôi thật sự bằng lòng với những gì mình đã chọn lựa.
Nhưng sự bình yên dưới mái trường thân yêu của tôi bỗng chốc bị xáo trộn. Đầu tiên là những con đường bị băm nát bởi những vết xe ngày đêm hùng hục chở đất đá ngăn sông đắp đập. Đám học trò tôi chen chân trong cát bụi đến trường.
Rồi hôm nay, những cơn dư chấn của lòng đất đã tạo thành “dư chấn” của lòng tôi. Những tiếng nổ như tiếng sấm đêm đêm vọng về khiến mọi thứ bất an. Những vết nứt của những con đường, những ngôi nhà, những mái trường, công sở đã tượng hình niềm lo âu, nỗi sợ hãi cho các em học sinh và người dân lam lũ mà bình yên bên những cánh rừng, bên dòng sông Tranh thơ mộng ngày nào.
Tôi không biết phải giải thích thế nào với học trò mình về động đất. Tôi càng không biết huấn luyện các em ứng phó với thảm họa như thế nào. Học trò tôi ở lứa tuổi cấp III, khi trường rung các em nam ngồi gần cửa sổ thì nhảy vụt ra ngoài, các em nữ thì đứng co ro nơi góc tường hoặc chui tọt xuống gầm bàn. Có hôm cô trò ôm nhau khóc... Nhưng những đồng nghiệp của tôi, những cô giáo dạy cấp I, II học trò non nớt hơn nên mỗi lần động đất là một lần thất thần.
 Trẻ con, học sinh là những đối tượng rất dễ bị tổn thương trong bất kỳ hoàn cảnh nào, lẽ ra phải được sống trong sự bảo bọc của gia đình và xã hội. Gầm bàn, góc tường hay những cú nhảy băng qua cửa sổ theo bản năng mà phản ứng sinh tồn các em có được sẽ không an toàn nếu các em không có kiến thức về động đất. Hơn bao giờ hết, các nhà chuyên môn hãy đến đây dạy cho cô trò chúng tôi lúc này những kiến thức về động đất.
Cầm bút viết những dòng này tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi bao cơn “giận dữ” của lòng đất và bao ánh mắt thất thần của học sinh ngay trong giờ giảng của tôi. Quả thật, động đất - điều tưởng chừng như giấc chiêm bao - giờ là sự thật khốc liệt đã và đang xảy ra, không biết đến bao giờ kết thúc trên mảnh đất Bắc Trà My này.
Nhìn cảnh người dân lúng túng ứng phó hay lo sợ bỏ làng ra đi, chứng kiến bao phụ huynh làm đơn chuyển trường cho con, trải nghiệm cuộc sống xáo trộn, nghe những câu nói ngây ngô: “Học làm chi rồi cũng chết cô ơi...”, “Động đất nữa hả mẹ...”, lòng tôi thật đau xót vô cùng. Là một giáo viên, tôi chẳng thể làm được gì ngoài tấm lòng chia sẻ chân thành với phụ huynh, với học trò... mà tấm lòng của tôi thì có giúp được gì cho họ trong lúc cấp bách này. Tôi cũng từng đem chút kiến thức nhỏ nhoi về kỹ năng ứng phó với động đất đã góp nhặt được trên mạng “khuyến mãi” để trấn an các em học sinh nhưng không sao làm các em tin được.
Tôi mong những dòng chữ này đến được với các cơ quan chức năng, tha thiết mong họ hiểu được nỗi lòng của tôi cũng như bao người dân trên mảnh đất Trà My nghèo khó này. Tôi cũng tha thiết mong ngành giáo dục, các cơ quan hữu quan sớm có giải pháp cụ thể, thiết thực giúp chúng tôi an tâm sống, công tác, học tập và cống hiến để ngày ngày những bước chân đến trường thêm vững chắc, những tiếng cười thêm rộn rã, những ước mơ, hoài bão được bay cao.
HUYỀN THI (Quảng Nam)

Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

Cầu Kỳ Lam


Chỉ là một cây cầu đường sắt có hành lang cho xe máy và người đi bộ đi nhờ bên cạnh. Cầu bắc qua sông Thu Bồn đoạn sông chảy qua đôi bờ Điện Quang bên ni và Điện Thọ bên tê. Có thể với người nơi khác thì chỉ có vậy. Nhưng với chúng tôi-  những đứa con của ruộng lúa biềng dâu Gò Nỗi, thì Cầu Kỳ Lam ăm ắp nghĩa tình.


Con thuyền hiếm hoi còn lại với sông quê

Từ  Điện Thọ qua cầu, thấy núi Hòn Tàu phía xa nớ


Ai đang qua cầu rứa hè?

Sừng sững giữa mây trời


Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2012

Nết người


Anh tcd  trong bài: Em gái cùng quê  trên bantbe.blogspot.com trêu mình là: “làm chủ cả một thằng Quế hoành tráng”. Mình không bao giờ dám làm chủ. Mình chỉ may mắn đi bên cạnh cuộc đời một anh Quế đã hai mươi năm, nên cũng nghiệm ra được đôi nét về cái nết riêng chung.

Tụ tập. bất kể ngày thường ngày tết. Bất kể mưa hay nắng, gần hay xa, hễ có gọi là có đi. Những hôm không ai gọi thì tự đi tìm nhau.

Nói tục. Bình thường hiền lành là thế, mà cứ gặp là tranh nhau nói to và văng tục.

Ngang tàng, bỗ bã:  mày mày tao tao, rồi con này, thằng kia... như chỗ không người. Người ngoài hội, nếu tình cờ nghe có khi phát hoảng. 

 Ham chơi. Có hôm đi uống cà phê từ sáng đến 7h tối mới về đến nhà. Lí do: bạn rủ đi Hội An. 
Ngồi buồn nhớ bạn bè ở Sài Gòn,Vũng Tàu.Vợ thấy tội nghiệp nên động viên:  hôm nào rỗi thì đi. Vừa dứt câu đã thấy điện thoại mua vé máy bay. Đi một hơi 3 ngày mới về. Mang theo  một kho chuyện kể.

Hay kể chuyện ngày xưa. Ngồi lại là kể chuyện ngày xưa, bắt đầu là: hồi ở Trường HSMN...toàn chuyện người nghe đã thuộc, người kể lần nào cũng nhiệt tình như mới.

Còn nhiều lắm những nết mà hsmn nhà mình và bạn bè anh rất điển hình không thể lẫn với ai được... Kể ngàn ngày chưa hết. Nhưng bên dưới lớp vỏ xù xì gân guốc, ngang tàng đôi khi có chút thô thiển ấy, là những tâm hồn nhạy cảm thấm đẫm yêu thương, nhân hậu, thật thà như khoai như sắn.

Đỗ Cân từ Tiên Phước xuống chơi nhà bạn chê: cây trong vườn chúng mày xấu đui xấu điếc. Anh Ưng Quang Hồ mất đã mãn tang, cây đinh lăng tự tay anh trồng cho vẫn xanh tươi trong chậu trước nhà. Anh Huyền - Quảng Ngãi mình chưa hề biết mặt. Anh bị tai biến, trước lúc đi mấy ngày đã điện thoại cho mình. Lần ấy anh đã khóc.

Cha mẹ sinh ra, đặt cho mỗi người một tên riêng, lịch sử lại cho các anh các chị có thêm một cái tên chung là HSMN. Dẫu tuổi đời có là 50, 60, 70 hay rồi sẽ đến 90 đi nữa. Dấu ấn cuộc đời vẫn sâu đậm mãi ở tuổi mười một mười hai - dưới những  mái trường HSMN thân yêu ngày ấy.

Tháng chín, ngồi nghe mưa đêm. Mình ghi lại vài dòng để các con biết thêm về ba và bạn bè ba một thủa
ttt  đn 15/9/2012


Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012

Nuôi chim


Ba sắp nhỏ thường kể chuyện tuổi thơ mê nuôi chim thế nọ thế kia... Mình bèn tìm mua cho chồng một cặp đến là đẹp. Sắm cho đôi chim một cái lồng có hình lâu đài mở, treo trên cây trứng cá trước nhà.

Rồi một hôm trời mưa cả nhà đi vắng, chim bị ướt. Hôm sau thì bị bệnh và chết mất một con. Con còn lại lẻ bạn buồn hiu hắt: nó ăn uống cầm chừng, thân hình ủ rủ, thôi không còn nhảy nhót, đứng một chỗ vật vờ. Vợ chồng bàn nhau trả nó về trời... Ra khỏi lồng rồi, nó như còn lưu luyến. Mãi mới vỗ cánh bay đi.

Dịp sinh nhật con trai 6 tuổi mình lại tìm mua một cặp làm quà cho cả ba cha con. Lần này tiêu chí là không cần đẹp. Người bán nói với mình nó là loài chim núi rất khỏe mạnh. Nhìn cũng màu sắc, vậy là mua. Mỉu và Zippo bàn nhau đặt tên: một con là Khẩu (núi), một con là Khiểu (xanh). Hai con nhỏ với hai con chim nhà có lúc như có bốn đứa trẻ, có lúc lại như có những bốn con chim. 

Mùa thu năm đó chúng mình đưa hai con về thăm quê Việt Nam. Khẩu và Khiểu được gửi sang nhà Mẹ Đi bên cạnh với thức ăn là một cân lúa. Hàng xóm nhà rộng lại có vườn cây. Các em Đi, em Na gọi: Khẩu! Khẩu! Khiểu! Khiểu! giọng triều mến. Vợ anh Khăm Coong nói: Mẹ Zippo yên tâm đi chơi vui vẻ. Để nó lại đó em nuôi cho.

Hai tuần sau từ Việt Nam trở lại Viêng Chăn, mẹ Đi bảo: chim của chị ở trong ngăn đá tủ lạnh. Chúng nó chết rồi. Hai con chim xinh đẹp ấy. Xác nó em ướp lạnh chờ chị sang. Con trai tiu nghỉu. Con gái ấm ức. Ba nó lặng  thinh.

Nhà mình chuyển về lại Việt Nam. Vườn cây xanh mát um tùm và căn nhà gỗ ba gian lợp ngói trong khuôn viên môt ngàn một trăm bốn lăm mét vuông của gia đình lớn, mẹ mình cho các em phá đi để xây nhà bê tông mới. Phần đất còn lại mình dựng tạm căn nhà khác. Thiếu cây xanh. Nắng nóng như rang trong chảo.. Lại bắt đầu trồng cây. Lần này không còn đất nên cây phải trồng vào chậu. Khó khăn, nhưng gì thì gì không có cây cối mình khó sống. Anh Hồ- bạn HSMN của ba Tr và cũng là hàng xóm thấy thương kéo cây từ vườn nhà anh sang góp cho. Cám ơn anh lắm lắm....Mình lại có vườn. Sáng sáng chiều chiều đã lại có chim về.

Có đôi chim sẻ chọn cây Hoàng lan dưới cửa sổ nhà mình xây tổ. Ba Tr và các con hồi hộp chờ đợi. Đi đâu thấy cọng rơm, cọng cỏ khô ba đều nhặt về nói là để cho chim gom mà làm tổ. Một ngày mình rón rén đến xem, thấy tổ chim đã có 4 quả trứng. Những ngày chim mẹ chim bố ấp trứng ba lẳng lặng vãi ít gạo gần đó để tiếp tế. Rồi một  chiều cả  bốn chim non đều nở, tiếng kêu chim chíp chim chip. Chim non lớn dần nhưng vẫn chưa mở mắt. Chim bố chim mẹ tất tả kiếm mồi. Cả nhà như vừa mới thêm em bé. Ba Tr và các con cũng hồi hộp, yêu thương chăm bẵm.

Bọn trẻ con xóm dưới bắt đầu hay dừng lại trước nhà. Ba nói phải canh chừng chúng. Mình nghĩ trẻ con chúng nó cũng yêu muôn thú như con mình, nên kệ.

Đến ngày thứ ba thì chính bọn trẻ ấy - dẫn đầu là một thằng thanh niên tóc dài ngồi xe lăn đã bắt mất cả bốn con chim non còn chưa mở mắt. Gia đình nhà chim tan tác. Em Mỉu mắt rưng rưng. Zippo uất ức. Ba Tr chết lặng.

Mình lại chuyển nhà. Nơi ở mới có một khoảng sân chừng năm mươi mét vuông, dọc hai bên tường thành để chậu cây cảnh. Bọn chim sâu, chim sẻ thường đến dạo chơi, kiếm mồi. Cha con nhà chủ vãi thức ăn cho chúng. Lâu dần thành quen, sáng sáng chiều chiều chim về nhẩn nha ăn, đùa vui ríu rít, làm lay động mấy con bướm vàng, bướm nâu đang say sưa bên mấy khóm hoa. Ngày mưa, thức ăn khó kiếm, chúng gọi nhau về bất kể giờ giấc, nghe lao xao.

Phận đời nhỏ nhoi yếu đuối. Chim và người tựa vào nhau mà sống. Mảnh sân trước nhà là chốn đi về. Chim trời lúc đói có hạt cơm nguội ... đỡ xót lòng.


hình ảnh chim sẻ về ăn tối trong sân nhà...

ttt.

Thứ Ba, 11 tháng 9, 2012

Phở mắng


Bỏ bữa sáng Buffet của ks Thủy Tiên, mình dạo loanh quanh qua những con đường gần đó rồi vào một quán phở. Muốn tự thưởng cho mình cái thú được ăn một tô phở Bắc ngay giữa lòng Hà Nội.

Quán mình chọn là một gian hàng khá rộng, sạch và thoáng, bên trong kê 4 cái bàn chữ nhật Chị hàng phở chừng ngoài bốn mươi tuổi, ăn mặc giản dị, sạch sẽ tóc cắt tém gọn ghẽ đang ngồi bên nồi nước phở đang sôi lăn tăn. Cạnh là các phụ liệu nào thịt bò, nào rau thơm, hành tây, trông  ngon lành, mát mắt.

Hãy còn đang sớm, quán chỉ mới vài người khách. Mình gọi một tô phở tái. Rồi chợt nhớ mình chỉ ăn được thịt chín, nên yêu cầu: Chị làm ơn nhúng thịt chín kỹ cho tí nhé. Chị chủ quán bắt đầu khó chịu: “ tái là tái, chín là chín”. Thấy chị càm ràm lâu, mình cố giải thích: là tôi nói muốn ăn phở tái nhúng kỹ một tí. Nhưng có lẽ do tôi  người miền Trung nên cách nói có khác, chị thông cảm.

Nhún nhường vậy cũng là mong cho qua chuyện. Nhưng chuyện không qua được. Chị hàng phở càng cao giọng : miền nào thì miền. Phở tái là phở tái, phở chín là phở chín,... chị còn nói nhiều lắm. Mình hai tai đã lùng bùng, không còn nghe được nữa.
Tô phở được người phục vụ đặt trước mặt. Chị hàng phở vẫn cay cú mắng liên hồi kì trận... Khuôn mặt mới mấy phút trước đây mình còn thầm thán phục vì cái nước da trắng nền nã đặc trưng của người Tràng an,  chừ bị lấn át bỡi cái nanh nọc, hàm hồ. Thật hoài phí.

Chờ cho chị ta dứt hơi chửi, mình hỏi: tiền phở bao nhiêu? Có lẽ do mắng chửi hồi lâu không thấy đối tượng nói gì, chị ta chừng như cũng biết đã quá đáng, muốn gia ân cho mình nên nói:” ăn rồi hãy trả”. Biết không ăn cũng không dễ gì chịu được, mình lấy thìa cắm vào tô ra chiều đã ăn, rồi đứng dậy trả tiền. Bước vội ra khỏi quán.

Đi được chừng mươi bước thì có một chú chừng ngoài sáu mươi dắt xe đạp chạy theo gọi cô ơi cô ơi! Nghĩ là ông nhầm, nhưng mình cũng đứng lại hỏi có chuyện gì. Chú ấy ấp úng, mắt len lét: xin lỗi cô. Tôi ngồi trong quán ấy và đã nghe tất. Xin lỗi cô! Cô vẫn chưa ăn, tôi mời cô sang hàng khác vậy. Dẫu không còn lòng dạ nào ăn được nữa, nhưng thấy chú ấy áy náy mình cũng đành theo chú vào một quán khác cách đó chừng trăm mét.

Tô phở thứ hai được bưng lên. Mình ăn mà không biết đã ăn cái gì. Ăn xong chú ấy giành phần thanh toán. Đang bực bội, mình bảo: tôi còn trẻ, tôi làm ra tiền.Chả có lý gì để cho chú phải trả tiền ăn. Không tranh được với mình, ông lịch thiệp: vậy tôi xin phép mời cô cà phê nhé!
Quán cà phê cũng gần đó. Chú ấy lại gặp thêm một người bạn, cộng mình nữa là ba. Mỗi người một tâm trạng. Nếu phân chia tách bạch suy nghĩ và cà phê, thì cà phê này đậm đà, vừa ý. Người uống cùng cũng thiện chí, mà lòng mình sao vẫn còn nặng nề lắm.
Cử cà phê ấy, mình cũng tranh phần trả tiền. Ông già có vẻ bất ngờ, hụt hẫng. Mình chào rồi vội đi. Mặc cho hai người còn ngồi lại.

Nhiều năm sau nhớ về Hà Nội, nhớ tô phở mắng hôm ấy, mình cứ day dứt, sao lại vô tình. Sao không hỏi chú ấy ở đâu? Làm gì?   Sao lại thờ ơ với con người có lòng tốt muốn bù đắp cho một khách qua đường như mình nhỉ?

Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

Chuyện nhặt trên đường Nguyễn Sinh Sắc.

 Ba đạp xe tập thể dục buổi sáng. Có cô bé hỏi xin vỏ chai nước.

 -     Cháu xin làm gì?
 -     Cháu gom về bán chú ạ!
       -     Trông cháu không giống người buôn đồng nát.
       -     Cháu là SV trường ĐHSP.
       -     Thế ba mẹ không gửi tiền cho à?
       -     Có, nhưng không đủ. Năm ngoái cháu được mỗi tháng1 triệu, năm nay được 500. Vừa tiền nhà và ăn sáng.
       -     Thế cháu ăn trưa, ăn tối ở đâu?
      -   Cháu phục vụ quán cơm 2 buổi. Mỗi buổi được 400 + ăn. Mùa thi chỉ đi làm được một buổi thôi. Chú đạp xe tập thể dục à?
         -    Ừ! Ba cháu có tập thể dục vậy không?
         -    Ba cháu bận làm đồng từ sớm. Quê cháu không ai biết tập thể dục là gì?

Cháu đi thế này thấy vỏ chai, vỏ lon là mừng lắm nhé! Mấy hôm đi sớm, được nhiều. Hôm qua cháu học bài khuya, sáng nay dậy muộn, mấy cô ve chai nhặt hết rồi.


Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012

Viết cho con trai 18 tuổi


Hôm nay ngày 8/9, ngày mai 9/9//2012 Zippo tròn mười tám tuổi. Ngày mai con bắt đầu ngày đầu tiên tự chịu trách nhiệm với bản thân, với xã hội với cuộc đời với vị thế mới. Vị thế một chàng trai.

Mẹ sinh Zippo vào một đêm mưa mãi tận miền đất xa xôi bên Tây trường Sơn. Cô bác sĩ trực đêm đó đã hỏi mẹ: Em không đau à? Mẹ trả lời: có. Cô bảo: nếu đau, em cứ kêu la như người khác. Sẽ cảm giác đỡ hơn. Nhưng mẹ đã không làm vậy. Mẹ cố chịu đựng. Lòng nghĩ: đó là món quà đầu tiên mẹ dành tặng con mình.

Con tròn một tháng tuổi mẹ đi làm lại. Việc chăm con đành trông cậy vào ba và dì Nga- người giúp việc.
Ăn toàn sữa hộp, vậy mà con lớn rất nhanh. Năm tuổi vào lớp dự bị, con thấy mình lớn không chịu ngồi chung các bạn “con nít”. Thầy hiệu trưởng Trường Sonmixay đã kiểm tra trình độ, rồi lại cho con vắt  ngược tay qua đầu, kiểm tra sức khỏe để đặc cách con vào lớp1.

Ở trường tiểu học Cô Khăm On và cá cô thích đọc lệch tên Nhân của con thành ra Sulinha- có nghĩa là mặt trời, là thái Dương. Với mẹ con là Nhân. Mẹ mong con mẹ thành người.
Các con đã cùng lớn lên, cùng học tập với các bạn hs Lào, ở ngôi trường Lào, do chính các thầy cô giáo người Lào dạy dỗ.

Kết thúc bậc tiểu học, con và em theo ba mẹ về nước. Những ngày đầu, các con nhớ trường lớp nhớ bạn bè bên Lào đến tội. Hai anh em cứ khóc rấm rức đòi “về lại nhà mình”. Mẹ đau lòng lắm, nhưng biết làm sao được. Mẹ giải thích: đây mới chính là nhà. VN là quê hương của mình. Từ nay các con sẽ sống trên chính quê hương đích thực của mình...Cũng may các con đều ngoan và biết nghe lời.

Ở trường SPTH các bạn và thầy cô gọi con là hs Lào. Nơi đây người ta đã ngần ngại không muốn nhận vì nghĩ các con không thể theo kịp các bạn. Các con đã phải học dự thính một năm.Thành tích năm dự thính là :con đã đủ điểm lên lớp, nhưng do chưa đủ tuổi nên vẫn phải học lớ 6. Con về buồn thiu: Mẹ ơi, con đủ điểm sao phải ở lại lớp? Đó là một trong nhiều câu hỏi mà mẹ đành bất lực không giải thích được với con mình.

Qua năm lớp 7 con bắt  đầu nhận được một số lời khen ngợi. Rồi lớp 8 và lớp 9 cũng vậy. Ba mẹ đã bớt lo.
Con đậu vào lớp 10 cũng nhẹ nhàng. Đạp xe theo bạn bè đến trường Nguyễn Trãi cách nhà hơn ba cây số. Xong lớp 12 con tự chọn trường ĐHSP vì yêu và muốn học ngành hóa học. Ba mẹ thương nên cũng chiều theo.

Ngày mai con tròn mười tám tuổi. Cuộc đời đang mở ra trước mắt con với những đa đoan vốn có. Con sẽ phải đối diện với những vui và buồn. Với những hạnh phúc và cả những đắng cay. Hãy xem đó là cái giá phải trả để được làm người.

Mong ước sâu xa của mẹ là dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, con cũng phải giữ cho mình lương thiện. Con phải giữ cho lòng luôn biết yêu thương những cảnh đời hạnh phúc và bất hạnh chung quanh. Phải học cách cho con ạ. Giá trị chữ Nhân tên con nằm trong ấy.

Ngày mai con mười tám tuổi. Ngày mai con bắt đầu bước vào thế giới của người trưởng thành. Vững tin lên con nhé. Vấp ngã ư? Thì con sẽ phải đứng dậy đi tiếp. Ba mẹ và cả em Mỉu nữa, luôn dành cho con ngàn vạn những yêu thương.
Mẹ


Đi Phú Ninh

 Điện thoại reng. Cô Khánh, chị em bạn dì với ba mình gọi đến.. Câu đầu tiên là: Con có khỏe không? Mình ngần ngừ rồi dạ...Chưa kịp nói đang bịnh, cô đã bảo: Vậy mà cô mong con khỏe để con đi với cô về Tam Thái- Phú Ninh. Ngoài Hà Nội họ lại đòi  giấy  tờ bổ sung hồ sơ xét ADN cho bác Nhung.

Mình biết tính cô. Nếu không thật cần thiết, cô đã chẳng gọi nhờ. Mình đau cả tuần nay. Đầu váng vất, người chông chênh... Từ nhà mình về đến Phú Ninh cả trăm cây số, trời thì đang mưa. Biết mình có đi nỗi không. Nhưng từ chối thì cô biết trông cậy vào ai?

Đêm. Chờ cho cả nhà ngủ yên mình dậy lục tủ. Cái gì  uống vào khỏe ngay được, mình uống tất, rồi đi nằm sớm.  Chừng 4h sáng tỉnh dậy nghe người đã khỏe. Cái khó là nói là sao với ba sắp nhỏ để anh bằng lòng cho mình đi.Suy đi nghĩ lại chỉ còn cách nói thật mọi suy nghĩ của mình:  Rằng bác Nhung- LS mà mình phải đưa cô đi tìm ấy, là một trong những người thanh niên yêu nước đã bỏ lai gia đình cha mẹ anh em đi theo kháng chiến, rồi chết mất xác khi tuổi đời mới ngoài hai mươi. Bác chưa có vợ con, nên người lặn lội đi tìm hài cốt bác suốt từ năm 1975 đến nay là người mẹ mang nặng đẻ đau và người em gái là cô Khánh. Cô Khánh nay tuổi cũng đã bảy tư. Sau lần tai biến năm ngoái giờ mắt mờ không còn nhìn thấy rõ nữa...
Dẫu vẫn còn không biết xương cốt vung vãi nơi đâu là hàng hàng lớp lớp những  ông bà cô bác, như ông Tám Tự, cậu Trần  Ba rồi cậu Trần Thạnh của mình... nhưng  dù có chỉ là chút  manh mối thì phải cố gắng mà tìm cho đỡ tội vong linh người chết, cho đỡ tủi lòng người sống.

Chừng như cảm nhận được những điều mình nói, chồng mình không nỡ ngăn cản, anh lẵng lặng dắt xe ra,  4h20ph trời còn tối, mình vội đến cây xăng đổ đầy bình  và đi đón cô để hai cô cháu lên đường cho sớm.

7h7ph mình  vào đến xã Tam Thái- nơi có con đập Phú Ninh nỗi tiếng. Chờ cho đến giờ UBND xã làm việc, hai cô cháu ghé vào quán cháo lòng ven đường. Tô cháo quê nóng hổi toàn nước với nước có màu huyết chín. Ăn được 2 thìa thì điện thoại réo. Đầu giây bên kia là  giọng lớp trưởng từ thời đại học -TQS. Nghe nói mình đang ở huyện Phú Ninh xa nhà tít tắp, bạn la lối: mắt mũi Th kém, còn chở người già, lại đường xa, sao liều vậy? Sao không đi Taxi?...Bạn tôi không biết rằng đi tìm mộ LS là một việc làm gian nan và thường xuyên, không phải một lần, hai lần, năm lần hay mười lần mà được. Nếu mỗi lần đi đều là thuê xe lớn hoặc Taxi thì tiền đâu mà chịu cho thấu.

Tại UBND xã Tam Thái huyện Phú Ninh, chị Phước tbxh, anh Nghi - pct đã gọi mình là Th nghe thân quen lắm. Việc điều chỉnh lại giấy tờ cũng thuận lợi. Xong việc hai cô cháu ghé qua NTLS gần đó thắp hương rồi về. Cô Khánh ngậm ngùi gửi lại ít tiền nhờ bác giữ chìa khóa NT ở cạnh thỉnh thoảng mua hương thắp cho LS.

Chuyến về trời đã ngớt mưa. Mình cố chạy cho kịp trước khi trời tối. Cô Khánh  ngồi đàng sau tâm sự: Sau lần xét nghiệm ADN này, nếu đúng thì mãn nguyện, bằng không cô cũng đành buông xuôi. Đành có tội với bà, với bác con vậy. 37 năm ròng rã  kiếm tìm. Cô chừ già yếu, hai con mắt cứ mờ câm nhìn gì chẳng rõ. Cô đuối sức rồi!
Giọng cô cứ nhỏ dần, nhỏ dần... Mình  nghe lòng se thắt.

Đà Nẵng ngày 8/9/2012. ttqm

Thứ Ba, 4 tháng 9, 2012

Sinh con nhiều bề


Sinh toàn con gái. Sướng từ lúc sinh nó ra cho đến chết. Sau khi chết sẽ khổ vì không người cúng.
Sinh toàn con trai. Khổ từ khi sinh nó cho đến khi chết. Chết rồi sẽ sướng vì chúng thi nhau cúng.
Sinh con có trai có gái. Dở sống dở chết.

 (Nghe từ chuyện gẫu của hội cà phê sáng).

Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2012

Ngân và Khăm

Từ ngày Bijou từ bỏ nhà chủ mà lên thiên đàng để lại nỗi đau cắt ruột, mẹ nói sẽ thôi không nuôi thêm con chó nào nữa. Rồi chó nhà bác Tịnh Mao lại đẻ lứa mới - những 6 chó con lúc nhúc. Đàn con bú dữ quá. Chó mẹ xác xơ. Bác Tịnh Mao ngỏ lời. Mẹ lại nhận về một cặp, đặt tên là Ngân và Khăm. Trong tiếng Lào ngân là bạc là tiền, khăm là vàng. Vàng, bạc là kim loại quí rất gần gũi với đời sống văn hóa Lào.

Ngân, Khăm  rời mẹ nó khi mới 21 ngày tuổi. Thân hình còn bé lắm chỉ mới bằng cổ tay người lớn, dài chừng hai hơn gang tay. Hai đứa rất ngoan. Sữa cháo đều ăn tốt. Tối ôm nhau ngủ trong ổ không kêu la gì. Cả nhà đã thấy yên lòng.

Rồi ngày 1/9 năm đó - ngày khai giảng, học trò cả nước Lào rộn ràng tựu trường. Nhà mình mặt tiền lại gần trường nên càng vui. Các anh chị học sinh trường THCS Phon-than, rồi cả các bạn trường tiểu học Son -mi -xay ngang qua trước nhà, quần áo mới sột soạt trắng lóa, nói cười tíu tít, xôn xao. Ngân và Khăm đứng trước cửa nhìn theo ngơ ngác, lạ lẫm. Nhiều anh chị đứng lại tróoc tróoc miệng trêu gọi. Hai con chó nhỏ chạy ra, rồi lại bối rối chạy vào...  

Tan buổi lễ khai giảng, học trò về hết, bỗng chốc không nhìn thấy Khăm đâu. Cả nhà nháo nhác đi tìm... Ba nói chắc học trò ngang qua thấy nó dễ thương nên ẳm đi mất rồi. Đứa trẻ bắt chó đi ấy cũng là người biết yêu thương súc vật. Thôi người ta nuôi cũng như mình vậy. Thì cũng đành chứ biết làm sao. Ngân còn lại một mình buồn hẵn, trông nó cô đơn đến tội.

Chiều đến, mẹ càng lo lắng hung: Khăm bé thế, mới xa mẹ, giờ lại không có cả anh em thì buồn biết mấy . Bọn trẻ con chắc gì đã nuôi được, không khéo nó chết mất...

Giờ học trò đến trường, mẹ đứng trước nhà hỏi từng nhóm hs đi qua: - các con có thấy chó nhỏ của mẹ đâu không? Tất cả đều trả lời không. Bắt gặp vài ánh mắt ngập ngừng mẹ dỗ dành: mẹ không mắng đâu! Phải tìm, vì nó còn bé lắm, đem về cũng khó nuôi được, nó chết thì tội . Hai buổi liền như vậy, vẫn không tìm được manh mối nào, mẹ quyết định sẽ phải  nhờ thầy  giúp.

Hôm sau mẹ đến trường Phon-than xin gặp thầy hiệu trưởng và kể lại sự tình, nhờ thầy khuyên các em nếu lỡ bắt đi rồi thì đem trả lại. Mẹ không có ý trách giận gì hết, chỉ mong cứu được chó nhỏ về. Mẹ còn hứa nếu ai muốn nuôi thì chờ khi Khăm lớn mẹ sẽ trao lại cho...Cũng không biết hết là mẹ đã nói những gì, và thầy hiệu trưởng nghe được bao nhiêu, nhưng sáng hôm sau như có phép lạ: Khăm về lại thật.

Nó được đem trả về nhà, vẫn còn run rẫy sợ hãi. Khăm tội nghiệp chạy chúi vào góc nhà nằm luôn ở đó. 
Đoàn tụ rồi. Mẹ vội vã đến trường cám ơn các thầy cô giáo.Cám ơn cả các cháu đã nghịch dại làm em Khăm sợ bạt vía.

Dẫu cuộc đời  hai con chó nhỏ có tên đôi rất dễ thương là vàng và bạc ấy cũng ngắn ngủi như số phận những con chó khác của nhà  tôi. Nhưng từ đó như có một sợi dây vô hình kết nối chúng tôi với thầy cô và học trò trường Phon-than. Các anh chị ấy ấy trên đường đi học ngang nhà tôi gọi chó ra chơi đùa rồi đi. Không con chó nào bị ẵm đi nữa cả.

Nước Lào trong lòng anh em tôi thấm đẫm từ những yêu thương tưởng như nhỏ nhoi vậy đó, mà thời gian như sợi lạt mềm buộc chặt mãi.
Lại đang mùa tựu trường, tôi nhớ lắm mãnh đất, con người Viêng chăn. Nơi ấy với chúng tôi cũng là quê hương nhưng lại ở một miền khác. 

Đà Nẵng ngày 01, tháng 9, năm 2012.đtat