Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012

Đi Phú Ninh

 Điện thoại reng. Cô Khánh, chị em bạn dì với ba mình gọi đến.. Câu đầu tiên là: Con có khỏe không? Mình ngần ngừ rồi dạ...Chưa kịp nói đang bịnh, cô đã bảo: Vậy mà cô mong con khỏe để con đi với cô về Tam Thái- Phú Ninh. Ngoài Hà Nội họ lại đòi  giấy  tờ bổ sung hồ sơ xét ADN cho bác Nhung.

Mình biết tính cô. Nếu không thật cần thiết, cô đã chẳng gọi nhờ. Mình đau cả tuần nay. Đầu váng vất, người chông chênh... Từ nhà mình về đến Phú Ninh cả trăm cây số, trời thì đang mưa. Biết mình có đi nỗi không. Nhưng từ chối thì cô biết trông cậy vào ai?

Đêm. Chờ cho cả nhà ngủ yên mình dậy lục tủ. Cái gì  uống vào khỏe ngay được, mình uống tất, rồi đi nằm sớm.  Chừng 4h sáng tỉnh dậy nghe người đã khỏe. Cái khó là nói là sao với ba sắp nhỏ để anh bằng lòng cho mình đi.Suy đi nghĩ lại chỉ còn cách nói thật mọi suy nghĩ của mình:  Rằng bác Nhung- LS mà mình phải đưa cô đi tìm ấy, là một trong những người thanh niên yêu nước đã bỏ lai gia đình cha mẹ anh em đi theo kháng chiến, rồi chết mất xác khi tuổi đời mới ngoài hai mươi. Bác chưa có vợ con, nên người lặn lội đi tìm hài cốt bác suốt từ năm 1975 đến nay là người mẹ mang nặng đẻ đau và người em gái là cô Khánh. Cô Khánh nay tuổi cũng đã bảy tư. Sau lần tai biến năm ngoái giờ mắt mờ không còn nhìn thấy rõ nữa...
Dẫu vẫn còn không biết xương cốt vung vãi nơi đâu là hàng hàng lớp lớp những  ông bà cô bác, như ông Tám Tự, cậu Trần  Ba rồi cậu Trần Thạnh của mình... nhưng  dù có chỉ là chút  manh mối thì phải cố gắng mà tìm cho đỡ tội vong linh người chết, cho đỡ tủi lòng người sống.

Chừng như cảm nhận được những điều mình nói, chồng mình không nỡ ngăn cản, anh lẵng lặng dắt xe ra,  4h20ph trời còn tối, mình vội đến cây xăng đổ đầy bình  và đi đón cô để hai cô cháu lên đường cho sớm.

7h7ph mình  vào đến xã Tam Thái- nơi có con đập Phú Ninh nỗi tiếng. Chờ cho đến giờ UBND xã làm việc, hai cô cháu ghé vào quán cháo lòng ven đường. Tô cháo quê nóng hổi toàn nước với nước có màu huyết chín. Ăn được 2 thìa thì điện thoại réo. Đầu giây bên kia là  giọng lớp trưởng từ thời đại học -TQS. Nghe nói mình đang ở huyện Phú Ninh xa nhà tít tắp, bạn la lối: mắt mũi Th kém, còn chở người già, lại đường xa, sao liều vậy? Sao không đi Taxi?...Bạn tôi không biết rằng đi tìm mộ LS là một việc làm gian nan và thường xuyên, không phải một lần, hai lần, năm lần hay mười lần mà được. Nếu mỗi lần đi đều là thuê xe lớn hoặc Taxi thì tiền đâu mà chịu cho thấu.

Tại UBND xã Tam Thái huyện Phú Ninh, chị Phước tbxh, anh Nghi - pct đã gọi mình là Th nghe thân quen lắm. Việc điều chỉnh lại giấy tờ cũng thuận lợi. Xong việc hai cô cháu ghé qua NTLS gần đó thắp hương rồi về. Cô Khánh ngậm ngùi gửi lại ít tiền nhờ bác giữ chìa khóa NT ở cạnh thỉnh thoảng mua hương thắp cho LS.

Chuyến về trời đã ngớt mưa. Mình cố chạy cho kịp trước khi trời tối. Cô Khánh  ngồi đàng sau tâm sự: Sau lần xét nghiệm ADN này, nếu đúng thì mãn nguyện, bằng không cô cũng đành buông xuôi. Đành có tội với bà, với bác con vậy. 37 năm ròng rã  kiếm tìm. Cô chừ già yếu, hai con mắt cứ mờ câm nhìn gì chẳng rõ. Cô đuối sức rồi!
Giọng cô cứ nhỏ dần, nhỏ dần... Mình  nghe lòng se thắt.

Đà Nẵng ngày 8/9/2012. ttqm

2 nhận xét:

  1. Chúc sức khỏe hai cô cháu.

    Trả lờiXóa
  2. Chiến tranh thật tàn ác. Người chết đã khổ. người sống cũng vật vờ.

    Trả lờiXóa