Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

Tiễn bạn


Hôm hội trường ở Huế, mình định sẽ ở lại dự lễ, rồi vui với các bạn đến cùng.Vì lâu lắm mới có dịp, mình lại đang rảnh.

Rồi Văn Nam nói là phải về sớm cho kịp chuyến bay để chuẩn bị chuyến đi Nga sau đó. Thấy bạn thần sắc không được vui vẻ như lần trước, mình nghĩ chắc hắn đang có điều chi nặng lòng + thêm chuyện Đức Ba mới bị tai nạn.  Mình quyết về sớm để cùng đi với bạn một chặng đường. 
Hai đứa  thoả thuận thức dậy 4h để kịp chuyến xe sớm  Huế- Đà Nẵng khởi hành 5h sáng.

Tối về ks, HTT rủ: thôi ngày mai NVN, HTT và T cùng về. Ba đứa sẽ cùng đi Taxi. Ừ thì vậy. Thêm một người nữa cùng tiễn - V Nam sẽ vui hơn chứ sao.

Mình và Oanh rủ rỉ tâm sự mãi đến 2h35ph. 3h Hạnh nhắn tin gọi T, N ơi dậy ra xe. Cảm động lắm.
Sáng ra, ngồi lên Taxi rồi, HTT bảo ghé ks chỗ ngã tư Đống Đa - Lý Thường Kiệt đón bạn. Thêm hai người nữa, các anh bàn nhau cho Taxi về. Sẽ đi xe khác (?) Mình cũng đành ừ, chứ biết làm sao!

Rồi xe đến - một chiếc 4 chỗ. Bọn mình có 5 người +  tài xế nữa là 6. Người nào người nấy đều to cao hùng dũng. Nhưng  chần chừ nữa, V.Nam sẽ lỡ chuyến bay mất. Mình để mọi người  lên xe rồi mới dám cáo lui.
Vậy là toi công thức khuya dậy sớm. Bỏ cuộc vui, bỏ bạn bè nửa chừng, những  mong được tiễn bạn dù chỉ một đoạn đường.
Mình kiếm được xe về đến Đà Nẵng, NVN đã vào phòng cách ly.

Quay về nhà, mặt mày bần thần thế nào, chồng con gặng hỏi, đành phải tường thuật lại sự tình. Con gái hỏi: mẹ hết tiền rồi à? Con trai bực bội: Sao mẹ không tự thuê xe mà đi tiễn bạn! Chồng mình giọng bất lực: mẹ tôn trọng người khác, nhưng không biết tôn trọng bản thân mình.

Tui già rồi, lẩm cẩm chắc?
T.

Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012

Một chuyến đi


Năm đó tôi  đi phiên dịch  cho  đoàn của công ty Du lịch Việt Nam tại Miền Trung sang tham gia hội nghị quảng bá du lịch Việt Nam tại Đông Bắc Thái Lan. 

Đoàn khởi hành từ Đà Nẵng, dẫn đầu  là Ông hồ Việt,  lãnh đạo cao nhất của du lịch miền Trung. Dưới đó là tổ chuyên trách của các công ty du lịch, rồi anh em phóng viên của vp đại diện các báo Tiền phong, Phụ nữ,.... Người ngồi kín hai xe 45 chỗ.

Ra quân phấn khởi hồ hởi.Không khí khẩn trương lắm.
Vậy mà, vừa ra đến điạ phận Quảng Trị thì tài xế mắc lỗi tốc độ. Hai giờ liền, trình bày, năn nỉ ỉ ôi, kêu ca đủ các cung bậc... Mãi không được.

Anh Hội lái xe - một người quen thân, nói như khóc. T đến xin giúp anh với. Tôi ư? Giữa một rừng người hùng hậu, tài cán như thế này mà còn chưa ăn thua nữa là tôi - một phiên dịch chỉ biết nói từ tiếng mẹ đẻ sang tiếng dân tộc...Thái, Lào. Nhưng dù gì đi nữa, là chỗ thân tình, anh đã có lời thế, được chăng cũng phải liều.

Tôi trình bày rằng:
đoàn phải đi dự hội thảo vào sáng sớm hôm sau, tận mãi bên nước Thái Lan. Muốn sang đó, còn phải đi thêm hơn 400km nữa cộng  với 4 bận làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh. Toàn bộ dịch vụ ăn ở, khách sạn đã đặt trước. Không ăn không ngủ cũng phải trả tiền. Thủ tục cửa khẩu thì sau 16h chi phí gấp đôi, đêm hôm khuya khoắt, có khi còn phải gấp ba- chưa chắc đã làm được. Và chắc chắn không ai lấy tiền túi ra để trả. Tất cả đều là từ tiền thuế của nhân dân. 

Giải pháp họ nhân nhượng cho là: tài xế ôm giấy tờ đi nộp phạt ở văn phòng theo qui định. Xe và người chờ. Một giờ sau đó, xong thủ tục, xe được đi. Mất toi hơn ba tiếng đồng hồ. Nghĩ đến chặng đường  dài dằng dặc còn phải qua núi cao, sông sâu... ai cũng thấy lo.

Vào đến  địa phận Lào chừng 100km, xe hỏng. Hỏng trong tình trạng phải nằm lại. Vậy là dồn người. Hai xe vào một. Chật như nêm. Xe nặng quá trọng tải,  chạy ì ạch. Đến địa phận tỉnh Khăm Muộn, trời tối như mực. Mưa như trút nước. Tài xế không chắc chắn đường đi, anh kêu gọi hỗ trợ. Giọng ông Cao trí Dũng- trưởng đoàn  nghe chừng khẩn cấp: Đề nghị các anh chị mở đường cho chị Th. phiên dịch đàng sau xe lên phía trước. Làm ơn mở đường cho chị Th. lên phía trước!

23h, đoàn đến cửa khẩu Lào - Thái. Công an XNC Lào đang lơ mơ ngủ. Có mấy anh em từng học tiếng Việt với tôi. Giọng líu ríu. Chúng em được lệnh phải chờ. Em đọc thấy tên cô trong danh sách... Rồi ngần ngại nói tiếp. “ Vượt sông đang đêm mưa gió thế này nguy hiểm lắm. Cô ở lại mai hẳn đi”.

Bên kia sông Mê kông  mới là điểm đến. Mưa tối đất tối trời. Gió mạnh. Nước sông  mấp mé bờ, cao hơn mức  bình thường phải đến sáu, bảy mét. Nói dại. miệng, sẩy một cái coi như làm thức ăn cho cá. 

Nửa đêm hôm ấy chúng tôi mới  đến nơi.

Sáng hôm sau, đúng giờ khai mạc, mọi người đã vào vị trí. Tôi đang đi trong khu hội nghị, bỗng có người kéo lại nói:
- Đây rồi! Cô này sẽ là người phỏng vấn chủ tịch tỉnh  Na khon Pha Nom.
Đó là anh Dũng tóc bạc của TTX VN tôi từng gặp ở Viêng Chăn vài lần trước đó. Tôi từ chối vì ngại phiền.
- anh ạ, em đang dịch  cho DLVN tại Miền Trung.
Cao Trí Dũng đứng gần đó nhanh nhẹn:
- chị Th làm cho anh được, nhưng anh nhớ quay gian trưng bày của  công ty chúng em.
Anh Dũng TTX giọng phóng khoáng:
- Xong ngay! Sẽ làm  phỏng vấn tại chính gian của chú luôn.

Chủ tịch tỉnh Na khon pha nom thời ấy dáng hiền lành như người cha. Tôi mở đầu rằng: Phuộc rau xao Việt Nam, dạc phăng khăm khít  hển khỏong thàn...(người Việt Nam chúng tôi muốn nghe ý kiến của ngài...)

Lượt về, trời nắng ráo. Đã xong việc, ai nấy đều mệt, nhưng vui. Không ai nói gì về chuyến vượt sông tối hôm trước, và  cả những nhọc nhằn của chuyến đi. Tôi nghĩ chắc mọi người đã quên.

Rồi một  hôm ở Đà Nẵng, trong  hội nghị liên quan đến con đường xuyên  Á, có anh nhà báo tình cờ  gặp tôi. Anh hân hoan nói với mọi người rằng: đây này, đây là chị Th mà tôi đã viết trong bài đi Thái Lan hôm ấy. Cái chị đã nói...  khi xe bị bắn tốc độ.(?) Quay sang tôi anh hỏi. Chị thấy bài viết của tôi  thế nào?

Tôi thầm xin lỗi anh. Tôi ở rừng quá lâu, người u mê lắm; mấy tháng có khi không sờ đến tờ báo. Tôi đâu có biết anh viết gì về chuyến đi, về tôi đâu.

TTT. Những năm hai ngàn.

Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

Bên bãi biển An Bàng


Thuận - bạn của tui đây
Email từ Ca na đa Thuận viết về:
Moi di lam ve day, met moi ra roi.  Nhung toi nay luc 11 gio khuya  ra phi truong chuan bi bay ve Vietnam.
Minh se den san bay Tan Son Nhat Saigon luc 11 gio trua Chu Nhat 13 thang 5, 2012.   Sau do bay di Danang luc 6 gio chieu, den Danang 7 gio 10.  Di xe ve luon trong que cho kip dam gio vao ngay thu hai 14/5.  Co le o trong que vai ngay se ra Danang tham ban be.
Hen gap gia dinh Thuy va tat ca nhung nguoi ban than quen.”
...Bạn tôi đã vượt  chặng đường cả đi cả nghỉ hơn 19h bay mới từ Ca na đa về đến Đà Nẵng. Anh  đi thăm mộ mẹ cha, thắp hương cho ông bà tổ tiên, rồi viếng bà con họ hàng... Sau đó mới đến cái việc gọi anh em bạn bè lớp cũ ngồi lại bù khú.

Chúng tôi mười mấy con người đưa nhau về bãi biển An Bàng Hội An một bãi biển còn rất hoang sơ, cái nơi người ta vừa mới xếp vào vị thứ 50 gì đó. Tôi làm HDV du lịch quốc tế.Chân đi nhiều, mắt thấy nhiều, cho nên                                             cái vị thứ 50 này nghe chừng  mơ hồ lắm...

Bên dãy hàng quán  vẫn còn thưa thớt khách, mấy chiếc bàn cá nhân xếp lại, mấy chiếc ghế gỗ dã chiến - có hề gì, Chúng tôi được tụ họp, được ngồi với nhau là sung sướng lắm. Mặt mày ai nấy vui như tết,  nói cười râm ran. Thuận còn mang tận bên ấy  về chai rượu,   anh rót rượu mời quanh bạn bè.

Chừng rượu đã ngấm, anh kể đoạn đời từ dạo xa quê, rồi về hai mươi mấy năm lênh đênh xứ người, về những lận đận gia đình, vợ con... giọng anh đều đều bình thản, rõ ràng, khúc chiết, như nói với chính mình. Thuận say rồi.
Phạm Lân ngồi cạnh đó cũng đã ngà ngà  nói giọng  từ tốn: thằng ni khổ! Nguyễn Hải- lớp trưởng góp thêm: nhìn cái dáng  khòm khòm của hắn là biết khổ rồi...  Ai nấy đều ngâm ngùi thương bạn.

Bạn tôi xa quê. Vui buồn,  sướng khổ nơi quê  người xa lắc, chúng tôi có đỡ đần, chia xẻ  được gì đâu!

Gió nồm lên mát rượi, trời chớm ngã  sang chiều.  Thật lòng ai cũng muốn ngồi lại cùng bạn thêm lúc nữa, nhưng  nhà quán   thể hiện sự sốt ruột ra mặt, nên đành đứng dậy. Nấn ná, bịn rịn  kiểu gì rồi cũng phải chia xa.

Chủ quán tính tiền,  tôi nhìn qua hoá đơn  với những mục : 2 kết bia larue, 12 hộp nước ngọt, 4 đĩa nhỏ mực cơm hấp, 4 tô nghêu luộc  và  4 cái nửa tô cháo nấu với chừng nửa cân cá cu.
Tổng cộng 1.840.000 đ.+ tiền công 2 đứa trẻ con chân đi đất  bưng bê (gọi là tiền dịch vụ) = chẵn 2 triệu đồng. Nếu tính cả thịt bò tái Cầu Mống cộng với chả, bánh mì  mua trên đường đi,  gộp luôn tiền rượu và xe vị chi là 5 triệu. Thuận dành phần thanh toán.

 Tôi nghe xót cho đồng bạc mồ hôi nước mắt. Xót cho những nhọc nhằn đời  bạn. Bạn tôi làm nghề hàn vất vả cực nhọc, chứ có phải kỹ sư, bác sĩ hay doanh nhân gì đâu! Anh cũng phải dành dụm tích cóp mãi mới có được một khoản tiền chi phí để mấy năm về thăm quê, thăm bạn  một lần. 

Tôi nhìn ra phía biển xanh thăm thẳm ngoài  kia. Chạnh nghĩ, cứ cái đà này mươi năm nữa, chúng tôi biết có đủ tiền thanh toán hoá đơn để còn được ngồi với nhau mà ngắm  biển  trên chính quê mình.

Đà Nẵng , ngày 21/5/2012
Cùng bạn bè một thưở.

Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2012

Có ai về ngang Huế...


Điều hành Tour của công ty du lịch từ Huế  báo về: T có bạn là khách trong đoàn. Mình xem lại danh sách, khách đoàn đang từ Lào về hôm ấy, và không tìm thấy tên ai quen, nên nghĩ chắc có sự nhầm lẫn.

Khoảng tiếng  sau đó lại có tin nhắn về : “xe ngang qua nhà, T chuẩn bị đón bạn ghé thăm”. Mình trả lời ngay: không phải đâu. Chắc có nhầm sao đó. Giọng  đầu dây bên kia bực bội.: không nhầm.  Vì người này xin cho xe chạy qua 27 Nguyễn Huệ, để được nhìn lại trường cũ một lần, trước khi rời Huế. Anh còn nói thêm: chị ấy tên Phương.

Xe dừng trước nhà, một người phụ nữ trung niên xinh đẹp bước xuống. Chị đi thẳng đến chỗ mình  và nói. Chị là Ph Văn k3. Em có biết chị không? Mình ngỡ ngàng. nhìn khuôn mặt quen quen, đôi mắt tròn to sâu thẳm và ấm áp của chị. Hai chị em đứng như vậy đến mấy phút, không ai kịp nói với ai câu nào...Mãi đến lúc xe sắp chạy, mình ngớ ra, vội cắt mấy bông hồng  trong vườn nhà tặng chị.

Chị Ph vội lên xe, để cùng đoàn khách của nhà máy bia Sài Gòn đến sân bay, cho kịp chuyến bay vào tp Hồ Chí Minh - Tay chị cầm mấy bông hồng đỏ thắm mình tặng. Chị dặn lại. Em có điều kiện về Huế thường xuyên, nhớ ghé thăm trường, thăm cư xá  Nguyễn Huệ nhé. Em nhé!

 4 năm học là một ngàn mấy trăm ngày đêm vui buồn thao thức cùng trường lớp, giảng đường, thầy cô bè bạn ... dẫu phải chia xa, ai cũng dằng dặc trong tim một nỗi nhớ lặng thầm.

Có ai về ngang Huế ... xin cho tôi về cùng!

T.

lớp 9 Điện Quang bên bãi biển An Bang

Thầy Đặng Kim Hùng và các bạn lớp 9 Điện Quang bên bãi biển An Bang






Say cáp treo.


Hôm qua mình vừa đi Hòn Kém Đá Dừng về. E đoạ rồi! Mở máy ra thấy ông Sửu, ông Hạnh đã gửi tiền vào tài khoản. Kiểu ni không chần chừ được nữa. Phải lên Bà Nà ngay, lại xem phòng ốc, dịch vụ thế nào, mà còn liên hệ cho lớp mình hội ngộ 14/7. Ngày mai chủ nhật mình lại bận đi biển An Bàng -  Hội An cùng các bạn cấp II.

Mắt nhắm mắt mở, tìm tài xế riêng - hắn ta đi họp lớp 2C tự đời não đời nào. Đành đi Bà Nà một mình vậy. (Vội lắm, không kịp ăn sáng uống cà phê gì cả)

Lên đến nơi, xe lớn xe bé đã chật bãi đỗ. Mình lên ca bin cáp, ngồi được một lúc, thấy người chuyếnh choáng, buồn nôn... Cái gì như say sóng vậy. Đích thị rồi -say cáp treo!

...Mình bắt đầu khảo sát từ khu Bà Nà By night, ghé tour hầm rượu để đoạt lấy một ly cốc tai - chữa nóng chứng tụt huyết áp.
Đã tĩnh táo hơn, mình đi tiếp qua đỉnh Núi chúa để đến ks Hoa rừng mà mình và Sửu dự định đặt phòng giá 800. Thấy không ổn, mình nghĩ nên chọn Bà Nà By night tốt hơn. Tuy giá có cao hơn một tí -850. Mình đứng hiên ngang trên đỉnh Núi chúa Bà Nà, điện cho TQS thể hiện quyết tâm. Tiếc thay, hắn cũng đang đại diện họ nhà trai đi cưới vợ cho ai đó. Mình lộn lên lộn xuống vài bận nhà hàng, khách sạn, nhà hàng...  Nhìn đồng hồ thấy đã 11h30.

Cáp treo lượt về, mình  một mình một ca bin. Băng ghế chừng mét tám- thừa cho đứa có chiều cao khiêm tốn mét năm tám như mình. Nằm. Nhìn lên trần ca bin thấy có bóng đèn chi chi đó, sợ họ gắn camera, thấy mình nằm tưởng có chuyện chi báo động thì rắc rối. Nghĩ thế nhưng mệt quá, cũng kệ.

Đang mơ màng thì điện thoại reng. Con gái  giọng méo xệch: Mẹ về mau đi. Ba làm món mì Ý sáng tạo - con không ăn được. Lần này tỉnh hẳn.

Các bạn mình định đem vợ đi Bà Nà trình lớp, thì nhớ nhắc ăn uống, bồi dưỡng, chăm sóc sức khoẻ kỹ từ trước nhé. Cáp treo Bà Nà họ không đủ ca bin ghế nằm phục vụ  cả đoàn như với T hôm nay đâu.
T

Thứ Tư, 9 tháng 5, 2012

Thầy tôi

Người thầy rất đặc biệt này tôi chưa một lần được gọi tiếng thầy, như với  những thầy giáo, cô giáo khác mà tôi có dịp được học qua. Thầy đến bất ngờ, đi cũng vội. Dẫu là người biết thích nghi với hoàn cảnh, tôi cũng không khỏi ngỡ ngàng.

Cũng như những người xa quê khác, bác ấy hay đến nhà tôi chơi.Có gói bánh gói quà bên nước gửi sang  cũng đem cho các con tôi. Chúng tôi gọi bác bằng anh.Gọi là anh là gọi cho hay thế thôi, thật ra về tuổi tác anh cũng hàng cha chú.
Thấy tôi cặm cụi học tiếng Thái Lan, một lần anh bảo: sao em không học thêm tiếng Trung. Tôi thưa thật rằng cũng muốn lắm nhưng không có điều kiện.

Nơi tôi ở, thời ấy không dễ gì mà học được. Rồi tôi kể cho anh nghe ở trường tôi dạy, có đồng nghiệp là chuyên gia người Trung Quốc, họ không học tiếng Lào bản xứ, tiếng Anh xã giao cũng khó. Thỉnh thoảng gặp nhau chỉ gật gật, cười cười. Nên tôi cũng muốn học- ít ra là khi gặp nhau còn chào hỏi được.

Lại nữa Viêng chăn vào những năm 1995, người Trung Quốc ồ ạt đến. Do họ còn mới, nên không thể giao tiếp bằng ngôn ngữ bản địa. Đi đâu, làm gì cũng gặp. Không hiểu ngôn ngữ họ, thật bất tiện...

Và cũng thật bất ngờ với tôi, anh nói: từ nay em thu xếp đi, một tuần 2 buổi tôi sẽ đến dạy.Vậy là anh trở thành thầy giáo của tôi.

Thầy tôi dạy rất nghiêm túc, bài bản. Cái nghiêm túc bài bản chỉ có được ở lứa trí thức của thế hệ thầy.
Tôi dạo ấy cũng bận rộn nào việc cơ quan, nào việc nhà, rồi các con còn nhỏ, đau ốm luôn. Nhưng tính nghiêm túc của thầy đã truyền cho tôi thêm sức lực. Tuần, thầy dạy tôi hai buổi, mỗi buổi một bài theo tài liệu Tiếng  Trung cho người nước ngoài.

Từng bài học qua đi, hôm nào tôi phát âm rõ, viết con chữ đúng nét, mắt thầy anh lên niềm vui. Rồi thầy bảo: nếu được học sớm hơn có lẽ  giờ  em đã tiến bộ.

Còn nhớ hôm học đến  bài thứ 12, thầy tôi nghiêm khắc khác thường. Tôi đọc ngọng tí thầy quát, bắt đọc lại cho kỳ được. Tôi  nghĩ chắc thầy đang gặp chuyện gì buồn bực. Riu ríu nghe theo, cố làm cho thầy vừa lòng.
Kết thúc giờ  học hôm ấy thầy bảo tôi, giọng khàn đục nhưng rõ lắm: hôm nay là buổi cuối cùng. Tôi chuyển công tác về nước. Không còn được dạy em nữa. Thật tiếc, nếu học xong bài 14, em sẽ có thể tự tra từ điển mà mày mò được. Dang dở thế này thật tiếc!

Tôi thu xếp công việc, rồi xin phép mời thầy dạo chơi Thái Lan một ngày trước khi thầy về nước.
Chúng tôi khởi hành từ Viêng chăn lúc 6h30 sáng, 9h đến U đon tha ni - Thái Lan, thầy bảo tôi đưa đến những phố có người Hoa. Thầy trao đổi, mua bán  và nhắc nhở, thúc dục tôi sử dụng cái vốn tiếng Trung ít ỏi mà thầy đã truyền đạt cho.
Thấy tôi có nói được, nghe được những từ đã học qua, thầy tôi mừng lắm. Buổi chiêu đãi chia tay của trò hôm ấy đã được thầy biến thành buổi học bài thứ 13. Bài học không có trong giáo trình.

Tôi cám ơn thầy đã vất vả dạy tôi lâu nay, thầy cũng nói là nhờ tôi thầy mới có dịp được sang Thái Lan. Nếu không, chẳng biết đến bao giờ mới đi được...  Rồi thầy  tâm sự rằng: dẫu tốt nghiệp  ngành Sư phạm khoa tiếng Trung, nhưng số phận đẩy đưa,  thầy chưa đi dạy học một ngày nào. Thầy nói: em là người học trò duy nhất trong cuộc đời  giáo viên  của tôi. Tôi đi bên thầy, cảm giác mình được đi bên cha.

Chúng tôi kết thúc Tour Udonthani hôm ấy bằng tiệc kem trong nhà hàng của siêu thị Chơlơnxỉ. Do mãi chuyện, tôi không để ý, nhân viên nhà hàng đem cho chúng tôi ly kem to tướng, ăn mãi không hết... Tôi lại bị thầy  mắng  cho về  tính lơ đãng khi giao tiếp với người nước ngoài, và tội  lãng phí. Đó là lần cuối cùng tôi được thầy mắng.

Thầy tôi về nước rồi bặt tin.
Sau này, khi có dịp đi qua những con phố, nơi thầy đã dạy tôi bài học thực hành trong cái buổi học cuối cùng ấy, lòng tôi cứ đau đáu hai tiếng : thầy ơi!

Vũ Thu Hương - kí ức những  năm tháng xa quê.

Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

Chim con bị bắt


 Bác ơi,  chị em nhà chim non trong tổ trên cây Thiết mộc lan trong vườn nhà, bị bắt mất rồi.

Cả bốn chim con đều chưa mở mắt. Chỉ mới biết kêu chíp chíp và há  mồm thật to chờ  bón mồi. Chúng còn bé thế, bị bắt lìa  mẹ biết có sống được?
Chiều, bố mẹ chim về, không thấy con, chắc nó khóc đến cạn nước mắt. Bố mẹ chim  chắc tin tưởng chúng  con  lắm, nên mới làm tổ cho con nó trong vườn, ngay dưới cửa sổ. 

Ba con nói: thật tội nghiệp. Nó yếu ớt, đến nương tựa mình, mong được chở che, vậy mà mình chẳng bảo vệ nổi  nó! Mẹ con nói: cái ác lên ngôi.

Con và anh đều buồn lắm.

Trích thư Mỉu gửi bác Thịnh TLS tại Cam Pu Chia .

Thứ Hai, 7 tháng 5, 2012

Khôn tang đao

Các con Zippo và Mu đều sinh ở bên Lào, cùng  ăn hạt cơm nấu từ gạo hỏm mă li, cùng uống giọt  nước ngọt ngào đầu nguồn của  dòng sông mẹ - Mê kông mà lớn.

Chập chửng bước một bước hai  con đã phải đến nhà trẻ. Bạn bè, thầy cô giáo đều là người bản xứ. Bảng chữ cái đầu tiên con học là chữ Lào. Lớn tí nữa, con cùng các bạn hát bài quốc ca Lào chào cờ vào mỗi sáng thứ hai. Dẫu vậy, với người Lào, các con vẫn là khôn tang đao.

Hai đứa đều biết chúng là người Việt Nam. Tự thân chúng nó đã không muốn làm điều gì khác với các bạn, sợ bạn không chấp nhận mình, sợ bạn xem mình là người ngoài. Bản năng sinh tồn khiến con muốn hoà nhập, và con đã rất cố gắng.

Zippo đọc thông viết thạo khi học xong lớp 1 - điều mà không phải học trò lớp một người Lào nào cũng làm được. Lên lớp 2 con rồi lớp 3 con có những bài tập làm văn tiếng Lào điểm cao nhất lớp. Em Mỉu dù sức khoẻ yếu, có học kì nghỉ gần  hết, phải ở nhà tự mày mò học, con vẫn được xếp nhất nhì trong lớp.

Ở trường tiểu học Xỏn Mi Xay ( một ngôi tường khá uy tín về chất lượng học tập), thuộc quận Xây xết thả  thủ đô Viêng chăn, cô hiệu trưởng và các cô đều khen hai anh em. Các con đã có nhiều bạn bè, chơi đùa, học hành đều vui vẻ.

Vậy  mà mấy hôm nay hai đứa có gì bực bội lắm, ở trường về là cứ làu bàu, rầm rì , rầm rì ...
Ban đầu ba mẹ cũng nghĩ đó là chuyện trẻ con, nhưng rồi Zippo nói giọng ấm  ức. Mẹ ơi:
  -Các bạn bảo con là khôn tàng đao!
 Mẹ có nghe không -  con là ma nút tang đao trong phim đấy mẹ ạ. Mỉu cũng góp lời. Con cũng vậy!

Mẹ giải thích : con không phải: ma nút tang đao- người ngoài hành tinh trong phim Thái Lan. Nhưng con và ba mẹ là người nước ngoài sống trên đất nước Lào. Người Lào gọi chung những người nước ngoài sống trên nước họ là:  khôn tang đao. Con hỏi: thế sao mình lại ở đây để làm khôn tang đao hở mẹ?...

Đất nước nào cũng vậy con ạ, có người bản địa và có người tang đao. Họ cùng sống, học tập và làm việc. Mỗi người  một việc. Miễn là mình không làm điều gì sai quấy, thì không có gì phải xấu hổ cả. Con là khôn  tang đao nhưng con học không kém các bạn. Mẹ là người tang đao, mẹ cũng cùng làm việc cơ quan với các cô các bác người Lào, mẹ cũng  có nhiều học trò thế còn gì. Các anh các chị học trò Lào của mẹ đều yêu quí mẹ, con cũng thấy rồi phải không?...

Zippo và Mỉu ngồi nghe mẹ nói đã lâu,  chừng nghĩ là con cũng đã hiểu ra. Mẹ kết luận:
Thôi nhé, từ nay không phải bâng khuâng, ngại ngần gì nữa, con cứ làm một người  tang đao tốt là được.
Zippo hỏi lại:     
-  Thế có ở nơi đâu mà con không còn phải làm  người tang đao nữa không ạ?

Vũ Thu Hương - 20 năm Nước Lào với các con tôi.

Ghi chú:            Khôn tang đao, người tang đao: người nước ngoài.
                          Ma nút tang đao (tiếng Thái Lan): người ngoài hành tinh
                          Hỏm mă li: hương lài.

Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Trên chuyến xe chiều


 Chuyến xe đò Đà Nẵng - Huế chiều hôm ấy người đông lắm. Vì là chiều thứ bảy, ngoài Huế lại đang có lễ hội. Hành khách và tài xế đều vội vã.

Qua khỏi hầm Hải Vân, phụ xe bắt đầu thu tiền. Giá vé cao hơn bình thường một ít. Nhà xe giải thích: đây là chuyến tăng cường, phải thu thêm để bù lượt về không có khách. Nhiều người có vẻ không bằng lòng, nhưng rồi ai cũng rút tiền trả.

Đến lượt nhóm ba người bạn trẻ ngồi ở hàng ghế sau cùng thì mọi chuyện không suông sẻ.Các em không đồng ý trả thêm tiền phụ thu, kiên quyết chỉ trả đúng bằng giá vé thường ngày. Bọn nhỏ cũng lý sự: thì hôm nay khách đông, chúng cháu đã ngồi chật như nêm thế này còn gì. Chú đi xe thì phải tự cân đối, sao bắt hành khách phải chịu...Chúng cháu không còn tiền nữa, chỉ có tất cả bằng ấy thôi...

Tôi ngồi nghe và xâu chuổi câu chuyện. Ba bạn trẻ này là sinh viên của một trường  đại học ở Đà Nẵng, nhân ngày nghỉ, họ rủ nhau đi về nhà bạn ở Cầu Hai. Cũng tiết kiệm mãi mới có đủ chi phí đi về cho cả ba người. Giờ nếu phải trả thêm tiền vé phát sinh thì gay go.

 Lời qua tiếng lại một hồi, nhà xe chừng đuối lý, bắt đầu giở giọng hàm hồ:

- Không đủ tiền thì xuống.

Cái từ xuống  được buông ra như phán quyết của toà. Dõng dạc, đanh thép, có hàm ý đe doạ.
Và rồi họ làm thật,  tài xế định dừng xe ở một quãng đồng trống vắng hiu để bỏ bọn trẻ xuống.
Xuống xe ư? ba đứa con gái tuổi mười tám mười chín  giữa đoạn đường vắng ngắt thế này... Cả xe đầy người  lặng im phăng phắc. Không một ai can ngăn, không có lấy một lời khuyên. 

Bọn nhỏ chừng cũng đã sợ, Và tôi, một người lớn bằng tuổi cô chú anh chị nó, tình cờ chứng kiến câu chuyện từ đầu, cũng thấy  hoang mang,  bất lực và xấu hổ.

Chợt nghĩ ra là chủ xe làm to chuyện cũng chỉ vì muốn được thêm tiền. Bọn nhỏ vì nghèo mà phải chịu đựng bị xúc phạm. Tôi hỏi  nhà xe: nếu các em nó trả đủ tiền, thì không có vấn đề gì nữa phải không? Anh ta ừ. Tôi vội nói mau: vậy tôi sẽ trả bù phần còn thiếu cho các cháu. Anh cứ thu của chúng nó bằng ấy thôi, rồi cho xe đi tiếp đi.

Tôi đưa cho anh ta số tiền bù. Anh ta cầm, chừng như cũng có chút ái ngại;.ánh nhìn  thoáng bối rối. Tôi bảo không sao đâu. Tôi cũng từng là sinh viên đi học xa nhà. Tôi hiểu. Để anh ta không phải thanh minh, tôi thuyết phục là tôi có tiền, giúp trẻ con tí chút cũng không sao. Anh ta phân trần: chị biết không, hôm nay thấy khách đông, nên tôi chạy thêm chuyến. Lượt về, cầm chắc chạy xe không. Nếu không thu thêm, chắc sẽ lỗ. Giọng anh ta bỗng chùng xuống: Xăng dầu, rồi vật giá thời buổi này chắc  chị cũng hiểu.
Vâng tôi hiểu và thông cảm cả cho anh nữa. Thực ra anh cũng không phải ác nghiệt gì.

Xe lại tiếp tục đi. Hành khách  trên xe mỗi người một tâm trạng. Mấy đứa nhỏ thì thầm cái gì phía đằng sau tôi không nghe rõ. Tôi cũng bận rộn với ý nghĩ: Trời ạ, nếu hôm nay mình cũng không có tiền, thì biết làm sao! Tôi thầm biết ơn những đồng tiền dẫu chẳng  nhiều nhặn gì và để có được nó tôi cũng phải mướt mồ hôi.

...Xe dừng đột ngột, cắt đứt dòng suy nghĩ đang miên mang trong tôi. Ba đứa nhỏ xuống xe, chúng đến chào tôi và nói: Cô ạ, chúng cháu cám ơn cô. Chúng cháu xin gửi  trả lại cô tiền lúc nãy. Cả ba đứa cười chào tôi. Nụ cười thiện cảm, trẻ thơ đã sớm nhuốm bụi đường.

Đà Nẵng, tháng năm năm mười hai.
   TTT

Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

Bijou

Khác với Anh Pop dòng giống bec- giê đẹp trai hùng dũng, nhưng ngang bướng, lì lợm, Bijou  dáng thong dong, hiền lành, thuần giống chó Lào.

Bijou từ khu tập thể trường Ngoại ngữ Sanamma về nhà cùng mẹ vào một buổi trưa mùa hè. Mình nó đen thui từ đầu đến chân. Cái mõm dài quá khổ làm cho nó nhìn xấu đến tội, nhưng ánh mắt lương thiện đằm thắm lại cho ta cảm giác tin tưởng. Thằng Pop nhìn nó xoi mói, rất trịch thượng. Bijou lẳng lặng đi về phía góc  vườn nơi anh Jippo sắp cho nó chỗ ở.

Hai ngày sau Jippo và em Mỉu  cùng xác nhận là con này tuy xấu hình, nhưng đẹp nết mẹ ạ. Nó ngoan lắm. Mẹ ậm ừ- thì bác Tịnh Mao chủ cũ, bảo nó ngoan nên mẹ mới đưa về.

Bijou nhanh chóng hoà nhập được với gia đình mới. Quan trọng nhất là nó đã làm cho anh Pop không hằm hè với nó nữa.

Giờ ăn, nó vừa ăn vừa coi chừng, hễ Pop sang giành là nó vội nhường ngay, rồi đi đến nơi có bát đựng thúc ăn còn dở của Pop mà ăn vét. Nó lặng lẽ nhặt từng hạt rơi hạt vãi. Không khó chịu, chẳng giận hờn.

Ngày vài lần Pop chạy ra ngoài chơi, hễ thấy Pop vươn mình đứng lên là nó vội vàng chạy lại, dùng chân trước đẩy cửa, rồi nhường Pop ra trước, nó ra sau,  khép cửa lại rồi mới tháp tùng. Lúc về cũng vậy.
Thằng Pop nghiễm nhiên trở thành đại ca của nó, và chừng như Pop cũng bằng lòng lắm.
Khoảng chừng một tháng về với nhà mẹ Th, nó đã trở thành niềm tin yêu của cả nhà. lông nó giờ đã dài ra, mượt mà, nó mập lên, nên mõm không thấy dài quá khổ như trước nữa. Bijou đẹp lên trông thấy.

Bên nhà hàng xóm  có con chó nhỏ mới về, lạ nhà kêu ăng ẳng ăng ẳng. Bijou đứng bên này nhìn sang ra chiều thương yêu lo lắng. Chủ nhà bên ấy thấy vậy xin cho Bijou sang chơi. Ba Trạng không cho, ba bảo sang bên ấy bẩn, dễ bệnh tật. Mẹ thấy nó bồn chồn thì thương nên cho đi. Mẹ còn nói: mình thương nó bao nhiêu, cho nó sống tốt bao nhiêu, nhưng không được vui chơi với đồng loại nó cũng buồn. Nó sang nhà hàng xóm chơi được ba lần thì con chó nhỏ kia chết.

Bijou sau đó cũng ngã bệnh. Ban đầu cả nhà tưởng nó chỉ ốm vặt, nhưng rồi nó bỏ ăn, nằm vật. Mẹ đến dỗ dành nó cũng chỉ ăn qua loa. Thuốc gì mẹ bón cho nó cũng uống, nhưng bệnh vẫn không khỏi. Anh Pop lại đi chơi  một mình, Bijou mệt lắm, chỉ đưa mắt nhìn theo, không dậy mở cửa phục vụ anh được.

 Ngày thứ 7 tính từ hôm phát  bệnh nó nôn ra máu. Ba Trạng nói: chắc Bijou không qua khỏi được. Sáng hôm ấy mẹ xin nghỉ việc ở nhà. Bijou đang cố chống chọi với bệnh tật, nó đau đớn, phập phồng, nhưng cố nằm yên trên tay mẹ. Lòng mẹ nhóm lên niềm hy vọng. Biết đâu bệnh đang lùi. Biết đâu có phép lạ.

Nhưng phép lạ đã không đến, về chiều thì Bijou nguy kịch lắm. Nó cứ nhìn về phía góc phòng khách- nơi nó thường được vào chơi cùng nhà chủ- được nằm dưới quạt mát xem ti vi -hoặc nghe nhạc. (Nó là con chó duy nhất được mẹ tự nguyện cho vào nhà.)  Tối ấy mẹ nói ba- cho các con đi ngủ sớm, một mình ngồi lại với nó.
Mẹ soạn lại chỗ nằm cho Bijou trong góc phòng khách - chỗ nằm yêu thích của nó, lấy cái gối cho nó gối đầu. Tay mẹ  vuốt khuôn ngực đang thoi thóp dần của nó. Rồi Bijou chết.

Mẹ ôm Bijou vào lòng, quấn cho nó tấm chăn ấm, để nó vào trong hộp,  rồi ba đem Bijou đi chôn ở bãi đất trống phía bên kia con kênh, nơi sáng sáng chiều chiều nó thường chạy chơi với Pop và anh em nhà chủ. Ba đưa xác  Bijou đi chôn về mắt đỏ hoe.  Mẹ thắp hết cả một bao đèn cầy lớn để linh hồn Bijou thấy đường mà đi.

Sáng ra con hỏi: Bijou đâu hả mẹ. Mẹ bảo: Bijou đã lên trời. Mấy ngày sau con lại nói giọng ướt nhoè :
 - sao con nhìn lên trời mãi mà không thấy em Bijou đâu!
Mẹ cũng bất giác nhìn lên trời...
Mẹ thề với lòng, sẽ không nuôi thêm con chó nào nữa.

(Từ- nhật kí những con chó nhỏ dấu  yêu.)
            Trần Thị Thuỷ. 2/5/2012

Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

Chuyện nhà

Chỉ là  góc nhỏ của tôi, với con trai Jippo,con gái Mỉu, và với  những  em chó, em mèo... từng là thành viên của nhà 377.

Bà và cháu


Mẹ Th mua cho hai con mỗi đứa một cái bánh bông lan.
Bà ngoại bất ngờ đến. Mẹ nói: hai anh em chia nhau một cái, một cái con đem mời bà.

Bà cháu cùng  ăn bánh ngon lành.
Mỉu nói với anh: bà ngoại mà không đến thì mình được ăn nhiều hơn anh nhỉ! (May mà bà ngoại không nghe ra - vì hai đứa nói tiếng Lào)

Bà về rồi, mẹ giảng giải: bà sinh mẹ ra mẹ, vất vả nuôi mẹ ăn học, giờ mẹ làm kiếm tiền lại nuôi các con...
Hai đứa đồng thanh tiếp: “bà già rồi, thời gian còn ít lắm...”

Mẹ hỏi sao các con biết? Con trả lời:  ngày nào mẹ  chẳng nói vậy!

Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012


                          Ba tôi
                                                                Kính dâng hương hồn ba
Chứng tích còn lại về ba tôi là ngôi mộ mang số 179,  được xếp hàng ngay ngắn trong nghĩa trang liệt sĩ quê nhà. Ba tôi nằm đó, đầu quay  về núi Hòn tàu, chân duổi thẳng ra phía  con sông Thu Bồn đang ngày đêm âm thầm chảy.

Vào những ngày giáp tết Mậu thân năm ấy, trên quê tôi,  chiến tranh vô cùng ác liệt.
Trong một trận chống càn, ba tôi bị thương phải đi điều trị tại căn cứ trên núi Hòn Tàu. Trước khi đi ba còn dặn dò tôi: con ở nhà giúp mẹ trông em, đừng đi đâu  kẻo trúng bom mà chết.

Ba tháng sau từ núi Hòn Tàu trở về đến địa phương, ba đến thẳng cơ quan rồi bị bom  toạ độ quật rơi xuống giao thông hào. Ba tôi nằm đó đau đớn trong nhiều giờ. Người làng phát hiện ra,  họ đưa ba về để được  nhìn mặt vợ  con lần cuối. Để ba được chết  trong ngôi nhà của mình.

Ba tôi nằm đó, máu me đầy người. đầu vỡ, óc văng ra...Sau nay tôi cứ nghĩ mãi  không hiểu sao lúc ấy  ba vẫn còn sống được. Hay ba tôi không muốn rời xa đồng đội khi cuộc chiến còn dang dở hay ba muốn gắng gượng thêm giây phút  nữa  bên mẹ già,  vợ dại, con thơ.

Mẹ tôi ngất đi, tĩnh lại không biết bao nhiêu lần.

Bà nội tôi kêu gào thảm thiết, đòi người ta phải tiêm thuốc cho ba tôi. Đòi người ta phải cứu con bà đang chết.  Nhưng làm gì có thuốc cho người đang chết. Thuốc lúc ấy  nếu có, cũng phải để cho người còn cứu được.

Bác Xuân, người anh họ, người bạn chiến đấu của ba tôi, dùng cuộn băng quấn quanh đầu ba -  đó là nghĩa cử  cuối cùng đối với người đồng đội,  người anh em.  Cũng là để an ủi bà tôi.

Ván đóng hòm được cưa từ bộ trường kỷ  từ đời ông cố tôi để lại. Người làng -  chủ yếu là ông già bà cả, đưa ba tôi ra nghĩa địa làng.

Mẹ tôi không được đi tiễn chồng, vì người ta sợ, nhỡ bà trúng bom chết thêm một người nữa, ai sẽ nuôi chúng tôi.

Chiều hôm đó, khi ngớt tiếng máy bay, mẹ tôi tay bồng em út, tay dắt chị em chúng tôi ra thăm mộ ba, nơi có nắm đất vừa đắp vội ban trưa. Nơi một nửa cuộc đời mẹ từ nay cũng vĩnh viễn ở lại cùng chồng.

Ba tôi  năm đó mới hai mươi chín tuổi. Mẹ tôi trẻ hơn chồng một ít.

Chiến tranh kết thúc. Mười một tuổi đầu, tôi thay mẹ lên nhận  tấm bằng Tổ quốc ghi công mang tên ba tôi,  nhận luôn về cho mình và cho các em tôi những  thiệt thòi của những đứa trẻ không còn cha.

Viết từ kí ức đau thương.   
                    TTT