Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012


                          Ba tôi
                                                                Kính dâng hương hồn ba
Chứng tích còn lại về ba tôi là ngôi mộ mang số 179,  được xếp hàng ngay ngắn trong nghĩa trang liệt sĩ quê nhà. Ba tôi nằm đó, đầu quay  về núi Hòn tàu, chân duổi thẳng ra phía  con sông Thu Bồn đang ngày đêm âm thầm chảy.

Vào những ngày giáp tết Mậu thân năm ấy, trên quê tôi,  chiến tranh vô cùng ác liệt.
Trong một trận chống càn, ba tôi bị thương phải đi điều trị tại căn cứ trên núi Hòn Tàu. Trước khi đi ba còn dặn dò tôi: con ở nhà giúp mẹ trông em, đừng đi đâu  kẻo trúng bom mà chết.

Ba tháng sau từ núi Hòn Tàu trở về đến địa phương, ba đến thẳng cơ quan rồi bị bom  toạ độ quật rơi xuống giao thông hào. Ba tôi nằm đó đau đớn trong nhiều giờ. Người làng phát hiện ra,  họ đưa ba về để được  nhìn mặt vợ  con lần cuối. Để ba được chết  trong ngôi nhà của mình.

Ba tôi nằm đó, máu me đầy người. đầu vỡ, óc văng ra...Sau nay tôi cứ nghĩ mãi  không hiểu sao lúc ấy  ba vẫn còn sống được. Hay ba tôi không muốn rời xa đồng đội khi cuộc chiến còn dang dở hay ba muốn gắng gượng thêm giây phút  nữa  bên mẹ già,  vợ dại, con thơ.

Mẹ tôi ngất đi, tĩnh lại không biết bao nhiêu lần.

Bà nội tôi kêu gào thảm thiết, đòi người ta phải tiêm thuốc cho ba tôi. Đòi người ta phải cứu con bà đang chết.  Nhưng làm gì có thuốc cho người đang chết. Thuốc lúc ấy  nếu có, cũng phải để cho người còn cứu được.

Bác Xuân, người anh họ, người bạn chiến đấu của ba tôi, dùng cuộn băng quấn quanh đầu ba -  đó là nghĩa cử  cuối cùng đối với người đồng đội,  người anh em.  Cũng là để an ủi bà tôi.

Ván đóng hòm được cưa từ bộ trường kỷ  từ đời ông cố tôi để lại. Người làng -  chủ yếu là ông già bà cả, đưa ba tôi ra nghĩa địa làng.

Mẹ tôi không được đi tiễn chồng, vì người ta sợ, nhỡ bà trúng bom chết thêm một người nữa, ai sẽ nuôi chúng tôi.

Chiều hôm đó, khi ngớt tiếng máy bay, mẹ tôi tay bồng em út, tay dắt chị em chúng tôi ra thăm mộ ba, nơi có nắm đất vừa đắp vội ban trưa. Nơi một nửa cuộc đời mẹ từ nay cũng vĩnh viễn ở lại cùng chồng.

Ba tôi  năm đó mới hai mươi chín tuổi. Mẹ tôi trẻ hơn chồng một ít.

Chiến tranh kết thúc. Mười một tuổi đầu, tôi thay mẹ lên nhận  tấm bằng Tổ quốc ghi công mang tên ba tôi,  nhận luôn về cho mình và cho các em tôi những  thiệt thòi của những đứa trẻ không còn cha.

Viết từ kí ức đau thương.   
                    TTT 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét