Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

Én về


Từ mấy năm nay mình lui về sống cuộc đời riêng tư nhỏ nhoi, tự nhủ với lòng:  vui buồn đắng cay ít nhiều cũng  đã trãi, đã từng ... Thôi từ nay xin gát lại.

Nhà mình ba bên trái phải và sau lưng đều là trường học, lại đối diện với sân chùa... những mong tìm  một cõi tĩnh. Sáng sáng chiều chiều vãi nắm gạo trước sân nhà cho lũ sẻ về ríu rít nhặt... Nhưng chiều nay có chi mà lũ chim én từ phía biển bay về bên khuôn viên chùa, liệng chao chác. Mình bần thần không hiểu. Ba sắp nhỏ bảo: có gì không yên ngoài nớ. Con gái nói theo sách: Chim én về báo mùa xuân. Mình cũng tin như con- Ừ mẹ quên mất, chiều nay đã 31/12.


Con cầm máy lên sân thượng ghi ảnh. Trời âm u và lạnh.

Chim én liệng chao chác bên nóc chùa

...rồi lượn vòng quanh tượng Phật.

Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

Hành Quảng Ngãi

Có những miền quê, những con người như vẫy gọi, như thúc giục. Vậy là chúng mình đi.


Những con sóng bạc đầu miền quê Dung Quất- Quảng Ngãi







Bạn với bạn 









Anh Tuế- bạn TQS









Trời nước buồn thiu

Dung Quất- Quảng Ngãi

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

Ngày con được quyền lái xe

Mười tám tuổi+3 tháng+3 ngày- Hôm qua 12/12/2012 Zippo vừa nhận bằng lái xe B2.  Trên đường từ sở GTVT về mẹ Th gợi ý liên hoan nhẹ cái này cái kia con đều từ chối. Sáng nay mở Youtube nghe bài nói của diễn giả Chatuphon thấy có lý mẹ chép tặng tài xế vậy:
Mấy điều nhắn nhủ khi lái xe:
-  Đừng tông họ: đi cẩn thận- thắng kịp thời.
-  Đừng làm cho họ tông- đừng thắng gấp.
-  Đừng làm cho họ tông nhau- mình lách đi cho được phần mình, mặc người khác rơi vào trạng thái nguy hiểm.

Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

Theo hội That luổng

Bỏ nhà, trốn con theo hội That luổng- Viêng chăn- Lào

Trong sân That luổng

Đi hội

Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2012

Sông mẹ- Mekong

Tháng tư Viêng chăn trời nắng đổ lửa, nóng như rang trong chảo. Hết giờ làm việc mình từ cơ quan chạy thẳng ra bệnh viện Mahosot tìm Huyền. Hôm nay em đi khám khối u trong ngực trái. Lành dữ thế nào còn chưa biết

Tìm mãi không thấy em đâu, mình bắt đầu hoang man. - H ơi, em ở đâu? Đã bảo chờ chị rồi sao lại bỏ đi đâu! Bạn tôi mồ côi mẹ, không sống được với  mẹ kế, H theo người cô họ sang đây, rồi lập gia đình, Các cháu con nó còn bé tí. Vợ chồng ại đang mắc mứu. Ốm đau càng tủi thân nên lặng lẽ một mình đến BV.

Đã quá giờ cơm trưa mình bị huyết áp thấp nên  người bắt đầu chao đảo. Nhưng chả lẽ lại bỏ về. Không!  mình đã hứa với em rồi. Kiểu gì cũng phải tìm. Quay  qua quay lại thế nào mình lại đứng trước BV. Gió từ sông Mekong thổi lên mát rượi. Chợt ghĩ ra người ở đây hay cúng và cầu nguyện thần nước. Ừ sao lại không nhỉ. Sao mình không cầu mẹ  nước giúp nhỉ?
Mình cầu rằng: Lạy mẹ thần nước Mekong, con là người xa quê đến nơi này sống nhờ ở đậu, nhưng con cũng đã nguyện giữ lòng thanh sạch. Mẹ linh thiêng xin chỉ giúp cho con- Huyền bạn con không biết đang ở đâu. Xin mẹ phù hộ cho em con... (Sợ mẹ không nghe rõ giọng người nước ngoài mình xin đi xin lại đến ba lần...)

...Vẫn chưa thấy Huyền đâu. Mình đi lộn lại phía sân sau. Bên đường có người đẩy xe bán trái cây chào  mời . Thì mua vậy. Còn biết làm gì nữa. Đang trả tiền thì giọng ai gọi: Chị ơi, em đây này. Rồi em chạy xô đến. Mừng mừng tủi tủi. Mình nghẹn không  biết nói gì. Mãi sau H kể: Em khám rồi. BS hẹn đầu giờ chiều lấy kết quả.

Đầu giờ chiều, phòng bs vừa mở cửa mình chen lên trước. Sợ bs không cho vào, mình nói liền: Em ấy không rành tiếng tăm. Tôi xin phép được vào nghe giúp. Vị nữ bs như đọc được nỗi lo lắng của hai chị em tôi. Cô nhìn hai chúng tôi mắt cũng long lanh. Cô nói mau, nhưng rành rọt: khối u lành, không phải lo lắng gì nhiều. Tiễn chúng tôi mắt cô vui với nụ cười hồn hậu.

Ra khỏi BV tôi và Huyền đi dạo dọc bờ sông Mekong. Huyền vui, nói liến thoắng đủ điều. Lời em vang trong tiếng gió...Mình lại  nhìn dòng Mekong đang cuộn chảy. Lần đầu tiên trong đời cảm nhận quyền uy của mẹ nước. Chợt ngẫm lại phận người nhỏ bé. Một đời sông biết mấy đời người.
Kỉ niệm yêu thương cùng Viêng chăn một thủa. vth

Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012

Cái sự học của tôi

Vì tôi sinh ra là con của ba tôi, nên  việc học hành rất chi là khúc khuyủ. Thời chiến tranh, nhà tan cửa nát. Bà nội dạy tôi tập viết bằng chiếc que tre (vót nhọn một đầu rồi hơ lửa cho hơi tà đi một tí) Vở là những tàu lá chuối còn sót lại trong vườn. Tôi học như thế cho đến khi đọc thông viết thạo.

Chuyển nhà từ Quảng Nam ra Đà nẵng, khi bọn trẻ trong xóm- ngay cả con bà bán bánh mì dạo, tất cả đều học trường Tiểu học Trần Cao Vân ( nay là trường THCS Hoàng Diệu) cạnh nhà, thì tôi phải một  mình đi học trường Thanh Hà cách đó gần 5 cây số.

Ròng rã chín tháng trời. Xong lớp 1 tưởng sẽ được vào lớp 2, thì tôi lại phải vào lại lớp một với một tờ giấy khai sinh khác: Trần thị Hồng Hoa con ông Trần Xong và bà... ở một  trường của dân xóm chài nghèo khổ nhếch nhác và chẳng mấy ai coi trọng sự học. Bà và mẹ dặn đi dặn lại, bắt phải học thuộc cái tên Hồng Hoa xinh đẹp nhưng xa lạ kia. Sau này tôi mới biết: Hồng Hoa là tên người chị con bác họ của tôi, chị đã chết từ lúc mới sinh.
Trong trí óc trẻ thơ, tôi không tự hiểu được vì sao tôi phải bị như vậy. Hai năm ở ngôi trường giành cho dân xóm chài nghèo khổ, lạc hậu ấy tôi đã thành thạo việc theo bạn chạy phơi nắng trên bãi biển, rồi chiều hè khi thủy triều xuống, chúng lội tít ra ngoài  xa bắt cá con về cho vào vỏ hộp sữa bò để sáng mai nó chết. Lại đi bắt tiếp. Ngày nghỉ tôi hết cõng lại dắt em MH lang thang nơi này nơi khác rồi theo bọn trẻ cùng xóm vào xem lên đồng trong của điện thờ. Ngồi xem và chờ các cô đồng phát lộc. Nhưng lạ- họ chỉ phát cho những đứa là con cháu của họ. Hết ngày lủi thủi dắt em về.

Cô Năm- em ba tôi từ Qui nhơn về đột xuất. Đang là kì nghĩ hè, cô thuyết phuc, dỗ dành tôi theo cô vào Qui nhơn chơi. Cô hứa chỉ đi có mấy tháng hè thôi. Cô còn hứa sẽ cho tôi được đi bằng máy bay. Cái máy bay hàng ngày vẫn bay ngang qua xóm nhà chúng tôi, nhìn lên chỉ thấy bên dưới cái bụng nó trắng hếu.
Chị Thức con bà Minh hàng xóm gọi tôi ra góc riêng nói: đừng đi. Cô Năm bắt em đi QN sẽ giam luôn trong đó, không được  về. Cô tôi nghe được bảo: con nít. Biết gì! Tôi chịu đi  theo cô có lẽ là do mẹ tôi bảo nên đi chơi cho biết.

Hết kì nghỉ hè, tôi mới biết cô đã nộp đơn xin học Lớp 3 ở trường Tiểu học Phan Đình Phùng trên dường Nguyễn Thái Học.- Qui nhơn. Tôi đã khóc đến khản cổ đến cạn nước mắt. Máu cam chảy ướt hết cả vạt áo. Cô tôi cũng khóc. Cô bảo: nằm mơ thấy hồn ba tôi về gọi nhờ đem cháu đi nuôi dạy. Nếu không nó sẽ chết trôi ngoài biển... Nên cô đành phải làm vậy.
Cô Năm tôi năm đó mới ngoài hai mươi tuổi cô đẹp người, nền nã và chỉn chu. Điều quan trong là cô rất thương tôi.
Cô Năm tôi ở cùng nhà người chị con bà dì thứ 4 ( bà nội tôi thứ 8) là cô Chung. Cả hai cô cùng làm ở  Cơ quan Anh quốc Bảo Trợ Nhi Đồng-Qui Nhơn. Hai cô tôi  đều là những người thầy  thuốc đáng kính.Con trai duy nhất của cô Chung là anh Duy nhỏ hơn tôi mấy tuổi. Nhà còn có cô Sáu và anh Giàu - con nuôi cô Chung. Và chị người làm tên Hiểu.

Cô Chung đón tôi vào nhà cô. Một gia đình có học thức được người xung quanh kính trọng. Nhà cô tôi số 21Cư Xá Kiến Ốc Cục trên đường Nguyễn Thái Học. Vì  anh Duy con cô còn nhỏ, nên công cuộc giáo dục công dân nhỏ của mọi người trong gia đình từ cô Chung cho đến chị Hiểu - người giúp việc, đều tập trung vào tôi. Con bé học trò lớp 3 Trường Phan Đình Phùng. (Thầy giáo dạy chúng tôi năm ấy là thầy Mua) Thầy Mua dạy nhiệt tình nhưng tính thầy trầm. Không biết cô tôi quen biết thế nào mà thầy Mua chừng cũng coi tôi như con. Nhờ vậy sự học của tôi cũng nhanh chóng tiến bộ.
Tháng thứ nhất ở lớp 3c tôi xếp  vị thứ 43. Tháng tiếp theo vượt lên thứ 3 và từ đó đến cuối năm chỉ từ thứ2 đến năm. Nhưng cũng chưa lần nào được đứng nhất. Tổng kết lớp 3 tôi ở vị trí thứ 3- Được nhận phần thưởng. Các cô quyết định cho tôi về Đà Nẵng thăm bà nội, thăm mẹ và các em. Các cô tôi nghĩ: tôi đã được nuôi dạy trong môi trường tốt. được thầy thương bạn quí. Đã có những cô cậu bạn nhỏ quấn quýt bên tôi.
Nhưng  3 tháng hè ở nhà với mẹ với em, tôi quyến luyến không chiụ trở lại trường. Mẹ tôi thương con không nỡ ép. Cô tôi đành nhượng bộ. Tôi lại học lớp 4 ở một ngôi trường khác gần cây da cháy, nay thuộc quận Thanh Khê...

Nhưng cũng chỉ được một học kì. Cô Năm tôi lại về, lần này người lớn thì thầm(...) rồi quyết định Cô dẫn tôi vào lại Qui nhơn. Tôi lại vào trường Phan Đình Phùng. Lớp cũ kín chỗ, tôi được xếp vào lớp của thầy Võ Văn Ba. Thầy Ba dậy tốt và vô cùng nghiêm khắc. Cả với các con và với học trò. Sau này  khi trưởng thành tôi mới hiểu, tôi đã ảnh hưởng rất nhiều từ lòng nhiệt tình cũng như tính nghiêm khắc của thầy Ba. Tôi vừa kính phục vừa sợ thầy. Có lẽ do vậy mà việc học tiến bộ nhanh, đã  vươn lên vị thứ đầu lớp.Các cô tôi bằng lòng lắm. (còn nữa)

Thứ Năm, 8 tháng 11, 2012

Bài tập tiếng việt

Một đêm mùa đông, trời Viêng Chăn lạnh buốt. Mình ngồi tỉ mẫn đọc bài viết của hs lớp dự bị Tiếng Việt trường Sanama. Đề tài: viết về gia đình. Mình lần hồi từng chữ từng câu cũng là để làm quen với gia đình các em, để hiểu các em hơn... Hầu hết bài viết đều kể theo thứ tự bố, mẹ, anh chị em và cuối cùng là bản thân...
Nhìn chung hs tiếp thu ban đầu vậy là được, không có bài bỏ trống, hầu hết các em đều hiểu, tuy vốn tiếng Việt ít ỏi nhưng các em cũng đã thể hiện được ở mức độ thầy dạy cảm thấy yên lòng.

...Rồi có một bài rất lạ, tg kể về gia đình ba người: mẹ em, em gái em và bản thân, giọng văn nghe buồn buồn. Sao vậy em - cậu bé mới chớm tuổi mười tám? Ở đoạn về bố em viết: “ hôm ngày ...  tháng ...  năm...  bố em đã vĩnh viễn ra đi... Bố mất. Em không còn bố nữa rồi cô ơi! Em thương bố và ân hận vì chưa làm được điều bố mong ước”.

Mình lặng đi rồi không kìm lòng được, ngồi khóc. Khóc rất lâu. Giọng văn còn non nớt của học trò tôi. Em đang viết về em hay viết về tuổi thơ tôi vậy?

Tĩnh tâm lại, mình dùng bút mực xanh viết bên dưới bài tập lời động viên em:. Cô biết lòng em đau lắm. Nhưng con người không thể chỉ sống bằng quá khứ. Hãy đối diện với hiện tại và chuẩn bị cho tương lai...để là chỗ dựa cho mẹ và cho em. Thương bố, em hãy làm tiếp phần việc bố còn đang dang dở.

Hôm sau, giờ trả bài tập. Cả lớp xôn xao. Mấy đứa thích nhìn vào màu mực đỏ cô sửa trên bài tập để biết ai sai nhiều sai ít. Mình đến trả bài tận tay em. E nhận và đọc chăm chú. Từ đó giữa mình và cậu học trò nhỏ như có một sợi dây vô hình ràng buộc. Phần thì đồng cảm, phần mình muốn bù đắp chút gì đó cho em và có lẽ em cũng tìm thấy nơi mình chỗ dựa tinh thần. Các bạn khác trêu ghẹo - E là con trai cô. Em lặng thinh. Lâu thành quen cả mình cũng nghĩ: Có khi nó chính là con trai lớn của mình.

Bố mất, mẹ E còn quá trẻ, nên những đa đoan sự đời, rồi miệng lưỡi thế gian làm cho cậu học trò nhỏ của mình chao đảo. Nhìn em gồng mình chịu đựng, người sắc lại. Mình cũng nghe lòng đau. Đêm không dễ gì ngủ được. Giá mà mình có thể giang tay che chắn cho em. Giá mà tôi có thể nghiêng vai gánh bớt những muộn phiền đang vây bủa đứa học trò nhỏ tội nghiệp của tôi. Biết khuyên giải gì em bây giờ (...?)  Nhưng  rồi cũng không thể im lặng  mãi được. Một lần sau buổi học, hai cô trò ngồi lại, mình đã nói: những điều  tưởng rất sáo rỗng: Mỗi người sinh ra đều có số phận. Ba mẹ sinh ta ra, cho ta cuộc đời, nhưng ba mẹ cũng cần được sống phần đời của họ. Hãy bằng lòng với cái mình có và dũng cảm đi tiếp. E ngồi nghe cô, thỉnh thoảng em: dạ

Hai năm học, E luôn dẫn đầu lớp. Em hoàn thành chương trình học với các điểm 9 (Các thầy cô không cho điểm 10 vì sợ học trò chủ quan, tự phụ) Ngày em rời trường dự bị vào đại học chuyên ngành, mình tự làm cho em hai chiếc khăn tay, thêm  một chút tiền tiêu vặt. Em nhận lẳng lặng  như đã thành nếp- Cảm xúc cất giữ bên trong.

Mười mấy năm qua, lứa học trò ấy giờ đã trưởng thành. E của tôi  đã nhận một vị trí công tác xứng đáng với tài năng, trí tuệ của em. Thỉnh thoảng có người quen bên lào nhắn về tin có đứa học trò cũ tìm cô. Mình chợt nghe lòng rưng rưng. Cám ơn các em lứa học trò mến thương một thuở bên Tây Trường sơn của tôi. Không phải chỉ các em đâu, mà cả cô nữa cũng đã tựa vào những yêu thương nơi các em để mà sống, mà giữ cho lòng được sạch trong.
Kỉ niệm yêu thương với thầy trò trường Sanamma
Cô-VTH


Thứ Ba, 6 tháng 11, 2012

Ghẻ ruồi

                                                                                                                                       
Thoát ghẻ hai chị em mừng quá, đi chơi Đại nội
Ghẻ ruồi từ xã A ngo huyện A Lưới- Bình Trị Thiên theo mình về Huế sau đợt  thực tập Điền dã dân tộc học hồi năm thứ 2 đại học.

Lần đó, nhóm sv thực tập bọn mình được gửi ở nhờ một gia đình. Nhà có cháu nhỏ được mẹ nó cho nằm võng gần gác bếp cho ấm. Võng bằng vải mùng xếp nhiều bận đã ngã màu cháo lòng sầm sậm. Nhìn không biết lần giặt cuối là khi nào, đụng vào nghe cảm giác rít rít nhờn nhờn.

Một hôm, cả nhà đi vắng, còn mỗi bọn mình ở nhà. Cháu nhỏ khóc ngoe ngoe giọng yếu ớt, không chịu được mình bồng nó ra. KO can: đừng T ơi, bẩn lắm! HN cũng ngăn: hắn ghẻ cùng mình rứa, răng rồi cũng lây cho coi...

Mấy hôm sau đó, bọn trẻ trong xóm chạy chơi quanh mình, thấy chúng bẩn, mình gợi ý ra suối tắm và cắt tóc. Được ba mẹ các cháu đồng ý, mình dùng chiếc kéo nhỏ cắt tóc khắp lượt. rồi tắm táp cho từng đứa. Sạch sẽ đứa nào trông cũng yêu lắm!(Việc này cũng phạm vào điều cấm vì thầy Thông hd thực tập đã căn dặn không nên đụng chạm vào đời tư của “đồng bào”)

Xong đợt thực tập, về Huế mình bắt đầu thấy bạn nói đúng. Hai cánh tay mình dần mọc ghẻ rồi lan dần khắp người. Ngứa ngáy khó chịu và cả xấu hổ với bạn bè nữa. Ban đầu còn giấu giấu giếm giếm, sau ngứa quá lại bực bội, lên lớp cũng gãi tràn. Có lần thầy Cường hỏi: Cái gì vậy? Mình cáu nói luôn: Ghẻ ruồi thầy ạ!

Khốn khổ quá, mình xin phép nghỉ học về nhà cầu cứu mẹ. Mẹ mình thắc tha thắc thỏm chạy tìm đủ phương thuốc dân gian nào là lá thầu đâu sắc nước đặc quánh tắm ngày tắm đêm, rồi lá chuối khô đốt lên xông khói... Mẹ bày trò nào mình cũng hưởng ứng nhiệt tình đến độ người đen nhẻm màu nước lá đắng và khói, nhưng không diệt được con ghẻ. Bệnh không khỏi. Buồn thiu mình ra lại Huế.

Dì Đàn - chủ nhà trọ nhà số 29/3 Nguyễn Huệ bảo em Hoa rè con dì dẫn mình lên BV Huế nhờ bác sĩ DV Sinh giúp đỡ. Anh Sinh xin cho mình lọ thuốc DEF bé tí. Anh nói như đinh đóng cột. Về tắm rửa sạch sẽ, bôi là khỏi. Mình không dám tin, nhìn bình thuốc chỉ bằng đầu ngón tay cái và nói: em bị cả người... Anh bảo:
- thuốc ni bôi, không phải để uống mô nghe!
Ba ngày sau bệnh lui nhiều. Nghe dì Đàn bày, mình ra chợ Tây Lộc mua thêm hai lọ DEF nữa về bôi. Thoát ghẻ. Mình muốn hét to lên:
  -  DEF muôn năm!
  -  BS DươngVăn Sinh ngàn năm!
Hoa rè và dì Đàn mỗi người một trăm năm thôi cũng được rồi dì hè, em hè?
Kỉ niệm với Huế yêu thương.
ttt

Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2012

Thay gối mùa đông

Ngoài Huế NHL bạn mình báo tin:”3T ơi! Đợt gió mùa Đông Bắc đầu tiên của năm 2012 đã về đến Huế trưa nay. Trời chuyển mưa và mát lạnh...” Chỉ vậy thôi mà nghe bần thần.

Rồi soạn sành, rồi cắt may. Tiếng máy may lại lạch cà, lạch cạch đêm thâu... Bốn chiếc áo gối mới màu hồng tinh tươm. Chủ nhà hỏi: sao vậy, sao áo gối lại màu hồng? Con gái bênh mẹ: Màu hồng cho cảm giác ấm lên.

Mình lại nghĩ về mùa đông xứ Huế: mưa chừng nào lạnh chừng nấy. Mưa dai dẵng tối đất tối trời, gió Bấc hắt nước mưa vào người. Lạnh run. Bạn qua cầu, gió thốc muốn nhấc người ra khỏi xe. Cẩn thận! không khéo lại bổ nhào.

Sông Hương mùa đông nước đầy ăm ắp, mênh mang. Vài trận mưa to tiếp nhau là ngập lụt. Cả thành phố chìm trong nước... Năm ba năm một trận bão lớn, phố phường xác xơ, cây cối gãy cành, bật gốc. Còn nhớ sáng sớm mùa đông 1983, S gọi giọng thảng thốt: "T ơi! O ơi! Cây đường Lê Lợi gãy đổ hết rồi!".

Vậy đó, mà từng đứa xa Huế rồi cứ nhớ quay nhớ quắt... May sao mà lớp mình còn một nhóm ở lại ngoài nớ, để mỗi bận có đứa về Huế, như được về nhà.
  
Nhưng cái khổ là đứa ở cũng nhớ đứa đi. Nên rượu vào các anh điện thoại réo nhau. Râm ran cả một dải đất từ miền Trung vào tận Sài Gòn Gia Định... Sáng mai tỉnh dậy, không nhớ đã nói những gì.

Mình không biết uống rượu nên lúc buồn, lúc nhớ bạn là hay làm những chuyện đâu đâu. Gối đỏ, gối xanh theo mùa vừa làm vừa nghĩ miên man...Nhưng mùa đông thật sự mới chớm về phía bên kia đèo Hải Vân. Gửi bạn chút yêu thương lo lắng từ phía bên này.
 ttt

Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

Dắt mẹ lên chùa

Đường lên chùa Linh Ứng- Bãi Bụt- Đà Nẵng
Từ chùa Linh Ứng nhìn ra biển Pacific
Tóc mẹ màu mây

Mẹ tôi
Cổng trái chùa Linh Ứng



Mẹ rất thích hoa, cây cảnh trong chùa.


Mỏi chân, ngồi nghỉ bên đời.

ảnh:ttqm

Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

Benz


Trong chuyến hành trình qua ba nước Thái Lan - Lào- Việt Nam lần ấy có hai đứa trẻ. Một là Zippo nhà mình và hai là anh Benz. Zippo mười tuổi học lớp năm,  anh Benz 15 tuổi đang học chương trình phổ thông tại Canada, đang kì nghỉ hè nên được bố mẹ cho về thăm Việt Nam. Benz mang họ Brakaitawan- Việt kiều-Quốc tịch Thái lan.

Ngày thứ nhất cả đoàn bận rộn chuyện thủ tục, rồi xe cộ, lại lạ cảnh lạ người. Sang ngày thứ hai Benz đứng lên hàng đầu khi nghe thuyết minh. Ngày thứ ba Benz đã bắt đầu phát biểu chính kiến. Ở cầu Hiền Lương- cũng chính là quê gốc ông bà nội Benz, con kể rằng: nơi con học, có thầy giáo đã nói không tốt về xứ sở, con người Việt Nam. Con nghe và đã hỏi:
- Thầy biết gì về nơi ấy mà nói thế? Thầy hỏi lại:
- Thế em biết gì? Benz trả lời:
- Sao lại không biết- nơi ấy là quê cha đất tổ của em.
Ngày thứ tư Benz ra dáng đàn anh tự nhận trách nhiệm kèm cặp giúp đỡ em Zippo. Hai anh em đã thành một cặp ăn ý. Người lớn trong đoàn  nghe anh Benz dạy bảo em Zippo ai cũng thấy xúc động. Nào là phải học hành chăm chỉ, tìm hiểu bài đến nơi đến chốn. Không được dùng Internet vào chuyện nhảm nhí. Games thì cần biết nhưng không được sa đà... Và đêm ấy tại Hà Nội, đàn anh 15 tuổi ấy dắt  em Zippo đi thực hành máy tính đến 12 h khuya,  mẹ Th một phen thất kinh hồn vía tưởng con đi lạc...

Hành trình chuyến ngược về, người lớn mỗi người một tâm trạng. Người suy nghĩ, kẻ tranh nhau nói. Benz chen mãi mới có được cơ hội. Con nói rằng: “Con muốn nhờ dì Th nhắn gửi đến người Việt Nam. Rằng họ sẽ là gánh nặng, cả nợ nần nữa cho con cháu họ, vì họ hút thuốc nhiều quá. Trong thuốc lá có đến hơn 4000 chất độc khác nhau. Chất độc sẽ tích tụ trong cơ thể, và họ sẽ bệnh tật. Bệnh tật + nghèo đói =  bất hạnh.”

Chia tay, hai đứa trẻ bịn rịn không muốn rời nhau. Bố mẹ anh Benz thấy vậy động viên: rồi khi có dịp, bố sẽ lại cho con đi Việt Nam. Benz sửa lại lời bố: Không phải đi, mà là về bố ạ! Vì nơi đây là quê hương, nên con sẽ về.
Chờ nhé Zippo. Anh sẽ lại về!

Trích từ nhật kí những chuyến đi.- TTT

Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

Ba mươi năm lớp chúng mình


Huế ngày 11, tháng mười năm 1982:
25 đứa gái trai mới lớn quê từ Quảng Bình rải dọc vào Quảng Trị TT- Huế, Quảng Nam- Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định Quy Nhơn... có tên trong danh sách được gọi vào lớp SK6- ĐHTH Huế.

Buổi đầu, mắt đen tròn nhìn nhau ngập ngừng. Mấy đứa học trước ở Huế như ĐVH, BMĐ, TTM ra vẻ từng trải nhìn bọn mới đến sau. Dân Huế gốc Huế ngọn:  ĐTD, NĐN, NHL, PHM, VMD, HN... ra dáng chủ nhà. NVN, N ĐH đến từ đất lửa Quảng Trị. Các bạn phía nam đèo Hải Vân VNĐ, HTT, NĐB, TQS, LH,VĐT ...ngơ ngác với vẻ đẹp Huế- kinh đô một thời. KO đứng khóc tỉ ti bên hàng hiên cư xá...Có đôi ba đứa như mình và TA hoang mang vì không hiểu sao mình lại học khoa Sử (?)

Khoảng chừng tháng sau đó, không còn ai có ý chuyển ra chuyển vào gì nữa. Chúng mình 25 đứa: 22 anh và 3 nàng, sáng lên giảng đường, trưa chờ cơm kẻng, chiều tối đi thư viện, chủ nhật từng nhóm đi chơi nơi này nơi khác, đêm về  rôm rã chuyện đêm khuya.

Sang năm thứ 2, bổ sung thêm một số gương mặt đáng yêu cho lớp đó là NB,MVD, TQT, NHÂ... Chẳng mấy chốc tất cả kết thành một khối. Các bạn lớp khác hay trêu đùa- các anh SK6 đẹp trai. Chúng mình nghe khen thế thì sướng lắm. TBN hát vang bài Tiểu đoàn 307. TA đa tài với một bờm tóc, ĐTD là hình ảnh đẹp rất nghệ sĩ. Mùa lạnh bạn thêm chiếc áo khoác badesi trông như diễn viên ngoại quốc. NHL nhìn thư sinh nhất lớp, lại đá bóng rất cừ khôi, những trận bóng đá trong sân cư xá 27 Nguyễn Huệ, ba đứa con gái chúng mình cũng bỏ học theo gào cỗ vũ khản cả cổ.

Đêm vui, có đứa lấy gàu múc trộm rượu- (thật ra là cồn) trong xưỡng rượu của trường. Cả bọn  uống say, mửa thấu mật xanh mật vàng.
Năm thứ ba, thầy Thịnh chủ nhiệm lớp, nhiều  đứa trốn học đi theo lễ Kỉ niệm 10 năm giải phóng bị thầy phạt viết bản kiểm điểm.
Năm thứ tư phân chuyên ban- tách lớp, đứa nào cũng dùng dằng không muốn đi. Bảo vệ luận văn xong cũng là chớm bắt đầu chia xa.

Chúng mình đã cùng nhau đi qua những mùa đông rét mướt đói lạnh đến thấu xương. Ngồi trên giảng đường áo phong phanh, lạnh run cầm cập. Mấy đứa sáng kiến xé vở cũ đốt hơ tay cho ấm. Vài anh bắt dế rít vài hơi đỡ lạnh... Nghỉ giữa giờ, chen nhau nơi cửa sổ nhìn ra đường Hùng Vương dưới mưa sa.

Chúng mình cũng đã từng khờ dại, lỗi lầm, từng yêu để  rồi hạnh phúc và khổ đau...Chúng mình đã cùng nhau đi qua những ngày buồn vui đáng nhớ nhất trong quãng đời đẹp nhất của thời trai trẻ.

Ba mươi  năm rồi, và còn được bao năm nữa?
Con của chúng mình có đứa năm nay bằng tuổi ba mẹ chúng của 30 năm trước...   Chẳng mấy nữa, chúng mình sẽ lên sui, lên ông lên bà.

Kỉ niệm 30 năm ngày khai sinh lớp Sử K6, đứa này nhường đứa kia, đứa kia chờ đứa nọ...nên ngày 11/10 của 30 năm  qua đi, chỉ có mấy dòng của H từ Sài Gòn, còm của S và mấy dòng nhiều ý nghĩa của L: "ĐVH ơi! Mình cũng luôn nhớ về ngày này với nhiều hoài niệm chất chứa"
Bạn bè ơi, thương nhau chín bỏ làm mười, cho hạnh phúc được nhân lên cho muộn phiền được chia xẻ.
T

Thứ Năm, 11 tháng 10, 2012

Ba lần gặp ông Đại Sứ

Lần thứ nhất vào dịp Festival Huế 2004, tại KS Century. Cô giáo Elle người Thái dẫn mình đến chào ông. Đó là một người đàn ông trạc 59-60, cao to lịch lãm trong bộ vest đen.  thoạt nhìn đã thấy là lạ cái cảm giác như tin cậy. Cô giáo mình chào ông rất thành kính không dấu sự ngưỡng mộ. Mình lại nghĩ: đó là chuyện của người ta.

Lần thứ hai, chừng một năm sau đó, khi mình nhận phiên dịch cho một đoàn khách gồm các nhà hoạt động kinh tế TL. Khách ở cái thể mà ông Đại Sứ một điều dạ, hai điều dạ và khi chào tay đưa cao, đầu cuối thấp- (thể hiện sự tôn trọng). Chương trình là đón đoàn ở sân bay ĐN lúc 11h30, vậy mà mới 6h sáng điện thoại đã réo. Đầu dây bên kia giọng thuần chất ngoại giao: Tôi là Đại sứ toàn quyền Thái Lan tại VN đây. Cô dịch cho Đoàn khách CP chúng tôi hôm nay phải không? Mình nhận là phải, nhưng bảo chưa đến giờ, rồi tự cúp máy. Chừng nửa giờ sau ông lại điện đến, nói là đang chờ ở  sân bay ĐN, bảo mình đến ngay. Mình bực bội trả lời: đoàn 11h 30 đến, 11h15 tôi sẽ có mặt. Lòng nghĩ chắc một nhân viên nào đó của Bộ Ngoại giao tự xưng là đại sứ đây. Ông đại sứ mà rảnh vậy ư?. ...11h mình đến sân bay thì trời ạ- Đó là ông Đại sứ đặc mệnh toàn quyền TL... Cái ông mình từng gặp ở Century năm 2004 ấy.

Mình  theo đoàn, cũng là theo ông suốt mấy ngày ở Miền Trung. Hội nghị này rồi họp kia. Trước buổi gặp mặt Tỉnh ủy TT-H ông bảo mình: chiều nay có buổi gặp quan trong, cô ăn mặc nghiêm chỉnh nhé. Mình hỏi lại nghiêm chỉnh kiểu gì? Tôi mặc áo dài VN được không! Ông báo : Không! Cô mặc vest như chúng tôi. Cô là người của chúng tôi. Và mình đã làm vậy. Ông nhìn mình gật gù.

Hội nghị xong hai bên tặng quà cho đoàn. Bên TT-H cũng trao cho mình một suất quà. Mình nghĩ họ nhầm mình người TL nên trả lại và nói: tôi là người VN và chỉ làm nhiệm vụ phiên dich. Ông Lý ngớ ra nhưng rồi bảo: em nhận đi, người ta mình còn tặng được nữa là mình, sao lại không!(?)

Ngoài gờ làm việc đoàn còn đi tham quan nơi này nơi khác ở Huế. Ông ĐS đã hướng dẫn rất nhiệt tình. Ông nói được cả những điều về đất và người quê mình, mà rất nhiều người Việt Nam chưa chắc nói được. Mình ngồi nghe, dần thấy quí ông. Mình thấy ân hận vô cùng chuyện ở sân bay hôm đón, nên xin lỗi. Ông bảo: không sao. Tôi cũng sai vì đã gọi cô sớm quá, mà cũng là do tôi lo cho công việc... Lần ấy ông cũng đã kể là lo chuyện Festival Huế 2004 như thế nào. Huế dạo đó mưa dai dẵng  Rồi ông hạ giọng ra chiều bí mật: tôi đã vào điện thờ trong Đại nội cầu xin vua Gia Long giúp đỡ, và thần kì thay, mưa đã ngớt trong giờ làm lễ. Cô thấy không- phép lạ có thật đấy( Ông tin là vua Gia Long đã nghe lời ông khấn cầu mà xua mây đi cho mưa ngớt) Ông nhắc mình về niềm tin và sự chân thành. Mình hiểu, ông nói từ gan ruột và coi mình như một đàn em.

Lần thứ ba, ông dẫn đoàn khách liên hợp Chính Phủ Thái Lan đến Miền Trung. Lần này ông đã thôi chức Đại sứ, về  nước nhận một công việc khác trong CP. Đoàn này lớn lắm.  Mình và ông đã biết nhau hơn, đã là người quen nên trong cách đối xử có phần phe ta hơn... Ở nhà Tấn Ký Hội An ông tâm sự về điều đúng điều sai và ngậm ngùi cho thân phận cựu thủ tướng Thaksin shinawatra. Khi xe chở đoàn chạy dọc đường Lê Lợi - Huế, ông bảo: H cho anh thuyết minh nhé. Và ông đã nói về Huế say sưa qua cách nhìn của một người thiện cảm. Ngoài giờ, mình trêu ông: hay là ông có nỗi niềm gì với con người mãnh đất nơi đây. Ông ậm ừ: chắc thế H ạ!

Chỉ vậy rồi thôi, việc ai nấy làm. Khi đoàn theo đường Xuyên Á ngược về Lào, trên xe mình ngồi cạnh ông. Thấy ông mãi mê đọc, không biết làm gì, mình cũng đọc ké. Đó là tài liệu nội bộ về nước Lào mà mình chưa hề biết. Thấy mình đọc và  hiểu, ông cho xem và giảng giải ... Ông nói ông cảm giác mắc nợ người Lào vì Tổ tiên ông đã từng có lỗi với hiện trạng nghèo khó của đất nước này. Mình nghe ông, thấy vỡ ra nhiều điều... thầm biết ơn nghề phiên dịch đã cho mình có dịp gặp ông- một nhà ngoại giao tâm huyết. Và hơn hết thảy ông biết yêu, biết trăn trở về mãnh đất con người không chỉ của đất nước ông.

Từ ngày rời bỏ công việc, mình chưa có dịp gặp lại ông Đại sứ- giờ đã là là nguyên đs. Kỉ niệm về ba lần gặp ấy cho mình ấn tượng về một nhà ngoại giao của xứ sở nổi tiếng về nụ cười thân thiện- đất nước SIAM . Đất nước mà chính bằng  tài ngoại giao, họ đã  tránh được đến mấy cuộc chiến tranh, và vẫn giữ được vẹn toàn lãnh thổ.
ttt



Thứ Hai, 8 tháng 10, 2012

Sinh nhật con gái


Muốn viết điều gì đó cho gái, nhân ngày con  tròn mười bảy tuổi. Lòng rộn ràng cảm bao cảm xúc, nhưng ngôn từ dường như bất lực.

Chỉ biết cám ơn trời Phật, cám ơn ông bà tổ tiên đã ban cho mẹ được đứa con gái ngoan hiền, nết na, biết yêu thương, nhân hậu.
Cám ơn con đã sinh ra làm con mẹ, để cùng lặn lội trong cuộc đời lắm gian nan chìm nỗi của mẹ.
Mẹ nghe ở đâu đó người ta nói: tu mấy kiếp mới sinh ra được làm mẹ con, mới được ngồi ăn cơm cùng mâm... Mẹ không biết ở những kiếp trước mình đã làm những gì, chỉ biết kiếp này nguyện giữ lòng mình thanh sạch, để nếu được sinh ra ở kiếp sau, lại được sum vầy mẹ con, anh em như chúng ta đã đang có bây giờ.
4h sáng ngày này mười bảy năm trước, tại bệnh viện Mahosot- bên bờ sông Mekong Viêng Chăn con cất tiếng khóc chào đời. Phút giây ấy cuộc đời mẹ bỗng trở nên viên mãn.

Mẹ lặn lội ngày dài đêm thâu,  như con ong con kiến ngày ngày cần mẫn... Hạnh phúc là cái gì rất xa xỉ như ngoài tầm tay với, mẹ chẳng dám ước ao,  nhưng con và anh Zippo là hai báu vật mẹ có được trong đời.
Viết nhân ngày con gái mười bảy tuổi:8/10/1995-8/10/2012
Mẹ Th

Thứ Năm, 4 tháng 10, 2012

VỀ BUÔN MA THUỘT


MD sở NVĐN gọi:
-Chị Th có lên Buôn Ma thuột được không -  dịch giúp bên ấy vụ tai nạn ...
Mới nghe đến đó lòng đã thấy xốn xang. Vậy là hành lí lên đường. Sâu xa trong lòng còn là muốn đến   thăm nơi NVN bạn  SK6 chúng mình đang sống.

Trời thu êm dịu. Sau gần một giờ bay trên chuyến VN airlines nhỏ nhắn mình đến BMT. Huy - đón ở sân bay, nhận đúng chị Th dù mới chỉ thấy ảnh trên thẻ qua Fax.
 
Chừng 8km thì về đến trung tâm thành phố. Nhận phòng tại nhà khách 61 Lê Thánh Tông. Ăn cơm trưa ở nhà hàng với các món hỗn hợp: cà muối+ canh riêu, cá lóc kho tộ, thịt bò xào rau cần... hạt cơm từ gạo vùng nào không biết mà dẻo thơm đến vậy.

NVN muốn đãi bạn cơm tối, nhưng mình nói thôi, vì lo công việc.Chiều hôm đó bạn chở mình về thăm nhà, rồi lang thang phố phường. Nhìn no mắt đủ thứ hàng hóa từ các vùng miền. Nghe đầy tai đủ các giọng nói từ Hà Nội đến Sài gòn. Nhiều nhất là người Bắc rồi đến Quảng Ngãi, Quảng Nam, Huế, quảng Bình,... như nơi này là một bảo tàng dân tộc học vậy.
Tối về, điện thoại cho LT Sửu, bạn hồ hởi bảo phải gặp anh em bạn bè trên đó. Mình khônhg dám.

Sáng ngày thứ hai, tự tìm đến một quán "bún bò Huế" ăn xong mới biết nó chỉ là bún bò- không có Huế chút nào hết. Bún giá 35 000 đ- 40 000 đ/tô. Bù lại sau đó được uống cùng H. ly cà phê dịu ngọt. đúng nghĩa Ban Mê.
Sau buổi làm việc đầu tiên. Cơm trưa căng tin. Ngon và đầm ấm. Các thủ trưởng mang đến bia. Có cả một con gà luộc rất ngon lành. Chưa kịp ăn miếng nào vì sợ bị ép uống bia, ảnh hưởng việc buổi chiều, ba chị em bảo nhau chuồn lẹ...Công việc đi đúng theo dự định.  Tạm yên lòng.

Tối đến, mọi người lại mời cơm. Mình vốn ngại chốn đông người ngại tiệc tùng, nhưng nễ anh em nên cũng theo. Nhà hàng Đại Lợi thết kế dốc- từ mặt bằng đi xuống tưởng không biết chừng mô cho hết. Món lạc chiên dầu trộn muối ăn vào cho khát bia. Thịt cá lăng nướng, đầu đuôi thì làm lẫu ăn kèm bún. Con tép quê biển phơi khô lên đây trộn với bắp chuối rừng trở thành đặc sản nghe thương thương sao.Chuyện rôm rã. Mặc cho mỗi người đến từ một quê khác, góp một giọng nói khác. Giọng Quảng quê mình ở đây thiên hạ nhại thành trò.Cười hở hết cả răng.

Định xong việc sẽ vào bản Đôn, nhưng không thành. Thôi hẹn dịp khác vậy.

Buôn Ma thuột ngày chia tay trời bỗng mưa.
Tạm biệt một miền quê xinh đẹp nữa của tổ quốc mình.
Gửi lại nơi đây bạn bè tôi: người cũ nghĩa nặng đã ba mươi năm, người mới lần đầu tôi gặp. Tạm biệt những con đường lớn với hành lang rộng rãi có hàng cổ thu che bóng mát cho người đi bộ. Tạm biệt những phố nhỏ dốc đứng dốc nghiêng. Tạm biệt em gái Buôn Mê tóc dài da trắng. Chào nhé, những trai bản trai làng ra phố  với khuôn mặt đậm nét Tây nguyên. Chào chị bán bánh rất thật thà bên hè con đường lớn. Sắp xa rồi những chợ lớn chợ nhỏ thoáng nét duyên quê níu chân du khách.

Hành trình 50ph bay đưa tôi về lại miền quê bên bờ biển. Ngoảnh lại phía mờ xa - bạn tôi ở lại trên rừng.



Chú em hd dễ thương 

Đường từ sân bay về thành phố


Nhà khách 61

Con gái Ban Mê

Dẫn máy bay đi bộ

Đất trời Ban Mê ngày chia tay

TTT

Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

Chuyện lạ bác Lê kể

Cô gái trong bức tranh.
Đầu năm nay bác đi Hà Nội bảo vệ chức danh PGS. Vì quỹ thời gian ít, thay vì ở một khách sạn đàng hoàng ở xa, bác chọn nghỉ tại một nhà nghỉ gần địa điểm.

Sau khi nhận phòng và ổn định xong, thấy trên tường phòng nghỉ có bức tranh, theo thói quen bác lấy máy ảnh ra chụp.
Sáng ra mở máy xem lại. Lạ chưa- trên tấm hình chụp bức tranh có thêm hình cô gái đang mang bầu mà trong bức tranh không hề có.
Sợ có sai sót, bác chụp đi chụp lại thêm mấy lần nữa, nhưng những tấm ảnh chụp lần sau chỉ có duy bức tranh.

Thấy lạ, bác tìm hiểu mới hay: cô gái trong tấm hình từng là người yêu của con nhà chủ, nhưng cô  đã  mất cách đó mấy năm. 
 Ghi chú: T Chép lại lời bác Lê kể

Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2012

Mừng NT Tấn lên chức bà gia


Tụ tập Cà phê vỉa hè Ái Nghĩa chờ đến giờ dự tiệc
Bạn Tấn ngày lên sui
Mẹ Tấn và chú rể con. (cô dâu áo vàng.)



Liên, Hương, Được, Hải,Thủy, Đính
Bạn bè chúc mừng.


Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2012

Là trái tim


Bạn đến chơi nhà, không thấy bà chủ đâu nên hỏi:
-         Th đâu?
-         Về quê!
-         Quê nào?
-         Điện Quang.
-         Hai  lần trước đến cũng nghe nói về  Điện Quang. Điện Quang là gì mà về lắm thế?
-      Là trái tim tổ quốc (?)
  

Thứ Năm, 20 tháng 9, 2012

Giáo viên bồi dưỡng tại giường


Sở dĩ mình viết lên đây là vì con gái phân bì: mẹ suốt ngày viết về con này, người khác mà không viết dòng nào về anh đẹp trai- nhân vật quan trọng thuộc hàng số 1 của nhà 377.

Anh đẹp trai sinh năm năm tám. Dài cũng gần mét tám, trọng lượng tương ứng, tóc tai hơi khiêm tốn.
Học vấn: đại học- tốt nghiệp ở nước ngoài.
Năng lực ngoại ngữ: đọc, hiểu viết được tiếng các dân tôc Nga, Thái Lan và Lào.
Kinh nghiệm: từng làm trợ lý cho cô Đặng Thị Xuân- giáo viên cấp 1( anh là cha mẹ hs)
Thành tích: dạy đối tượng từ trình độ mù chữ Việt Nam đến biết đọc biết viết. Số lượng học sinh:2.

Anh đẹp trai theo từng giai đoạn lịch sử cũng có biệt hiệu khác nhau. Lúc nhỏ ngơ ngác, bạn trêu  là :gà luộc. Kết hôn xong anh em bạn bè gọi là Trạng- Thuỷ. Ở bên Lào, anh là ải Việt. Sinh con trai, anh trở thành Ba Zippo. Suốt ngày càm ràm, vợ con gọi là: sầm nhức xương...

Thành tích của anh đẹp trai thì nhiều lắm, nhưng nỗi bật trong các thành tích đó là anh từng làm giáo viên bồi dưỡng tại giường. (?)

Công bằng mà nói, thì ban đầu anh cũng không chịu dạy đâu. Với tư cách phụ huynh, anh đã đưa đối tượng cần học tiếng Việt đến các trường lớp khác nhau, cày cục hết thầy này đến cô nọ, nhưng thấy không ăn thua, đành phải lên kế hoạch: tự dạy lấy.
Anh tìm mua riêng cho mình một bộ sách Tiếng Việt về nghiền ngẫm.
Ban đêm: khi đối tượng đã mệt nhoài vì bài vở, lên giường nghỉ ngơi, đó là lúc thầy bắt đầu hành nghề.

Lớp thứ nhất: cô học trò lớp 4 dự bị trường THSP từ 8h đến 9h tối. Thầy đọc bài, trò nghe. Thỉnh thoảng có đối thoại và giảng nghĩa.Có hôm vừa dỗ dành vừa hát. Kết thúc tiết học, trò cũng đã ngủ lơ mơ. Thầy chuyển sang giường khác- dạy lớp thứ hai.
Lớp thứ hai: trò cũng đang dự bị lớp 6- bậc trung học học. Ở lớp thứ hai này rôm rả hơn. Thầy trò tranh nhau nói- chỉ khác thầy nói tiếng Việt, còn trò thì nói tiếng Lào. Học trò liến láu nói không dứt, thầy khó khăn lắm mới ổn định trật tự được.

Thầy dạy như thế đến tháng thứ ba thứ tư học trò đã có tiến bộ. Cứ nghe tiếng trò hai lớp cải nhau thì biết- chúng nói tiếng Việt cả đấy. Chỉ khi nào giận quá con em mới nói:”ải pên pặc nắ mã!, còn thằng anh thì là: Mỉu pên y...! Trò nói câu ấy bằng tiếng Lào là vì sợ người ngoài nghe mình chưởi bậy.

Hết học kì I, học trò của thầy đều đạt điểm trung bình các môn học. Thầy vui như mở hội
Xong học kì II, hai trò đều lên lớp- không thiếu điểm môn nào. Cô chủ nhiệm đề nghị cho hai em vào học chính thức.Với thành tích đó, thầy tự động giải tán lớp và từ chức luôn.

...Zippo - học trò cũ của thầy vừa đỗ vào đại học. Thầy đang vui. Mình tình cờ thấy bài này trong kho, post lên gọi là góp chuyện.
ttt.tháng 9/2012

Thứ Tư, 19 tháng 9, 2012

Nếu có được điều ước


Sau 1975 chính quyền vận động hồi hương. Họ hàng nhà nó bán tống bán tháo nhà cửa đang ở Đà Nẵng với giá rẻ như cho, hối hả về với quê cha đất tổ. Nó đang học lớp 6 cũng theo mẹ về quê.

Quê nhà. Nhìn đâu cũng thấy toàn lau sậy um tùm. Không biết ăn đâu ở đâu... Rồi bộ đội về làng giúp gia đình chính sách, người neo đơn dựng nhà tạm.

Hôm đến phiên nhà nó. Mẹ sai nó nấu chè đậu đen đem cho các chú ăn nửa buổi. Nó chạy đến nhà bà Bảy tận bến đò mua hai tán đường rồi hì hục nấu. Chè chín, chờ mãi không thấy mẹ về gánh đi. Sợ trễ, các chú đói bụng, nó cho cả nồi vào trong cái thúng 2 ang, lấy rơm dằn quanh rồi ngu ngốc gọi hai em lại giúp nó bê lên đầu. Đội đi.

Đi được mươi bước đường ghập ghềnh chè sóng sánh bắt đầu tràn ra thúng, thấm dần qua lớp rơm chảy xuống cổ xuống cổ xuống tai. Nóng. Rít, rất khó chịu. Lại nặng như khối đá ai dằn lên đầu. Nó cố  giữ thăng bằng- bước từng bước, từng bước... May mà không bị bỏng.

Đến nơi, mặt mũi đầu tóc đến cả thân hình nó toàn nước chè đậu đen bám quanh. Chú bộ đội đỡ nồi chè từ đầu nó xuống. Giọng chú nghèn nghẹn: Sao mà khổ thế cháu ơi! Mày mang nồi chè bằng cái kiểu này đến các chú sao ăn cho nỗi.  Nó tưởng làm gì sai nên thưa: Mẹ con bảo đem đến. Con chưa biết gánh nên phải đội lên đầu....

Mấy năm sau, chú bộ đội ấy về thăm lại chốn cũ, nhờ bà hàng xóm tìm nó. Chú nhìn nó cười hiền khô, mắt long lanh. Chú nắm cẳng tay nó lắc lắc. Chú hỏi chuyện làm chuyện ăn, chuyện học chuyện hành ...Chú nói bị ám ảnh mãi về cảnh con bé cố đội nồi chè nóng đi gần cây số cho các chú được ăn. Nó nghe và lại ngu ngốc lần nữa không hiểu sao chú lại tìm mình? Mãi về sau này trưởng thành rồi nó mới dần hiểu tấm tình của chú.

Nhà cũ bán lại cho người khác. Nó dẫn mẹ và các em rời làng đi từ dạo mới tốt nghiệp đh. Lòng mơ hồ nỗi lo: nếu chú ấy có ghé qua thì không gặp, nên nó cũng hay tìm về xóm cũ. Nhưng xóm cũ lâu rồi cũng không có ai nhắc chuyện bộ đội làm nhà giúp dân thưở đó.

Chú năm nay cũng vào tuổi sáu mấy bảy mươi rồi, không biết có được mạnh khỏe(?) Nó muốn đi tìm thăm chú. Nhưng ngay cả tên chú nó cũng không biết, quê quán lại càng không, thì làm sao mà tìm.
Nếu có được điều ước trong đời. Nó xin ước được gặp lại chú.
ttqm


Thứ Ba, 18 tháng 9, 2012

Tiếp sức


Chuyện nhà  là góc nhỏ riêng tư, không chủ ý đăng bài của người khác. Nhưng bắt gặp tiếng kêu cứu của cô giáo Huyền Thi...Mong muốn của cô là tiếng kêu đến được xã hội. Mình xin phép đăng lên đây để tiếp thêm cho cô chút sức lực.

Mái trường không bình yên Thứ Sáu, 14/09/2012, 07:20 (GMT+7)
TT - Không biết những dòng viết của tôi - một giáo viên bình thường, hay đúng hơn là một người dân bình thường đang sống thấp thỏm trên mảnh đất Bắc Trà My (Quảng Nam) đầy “chấn động” này - có đến được với công luận hay không.
Nhưng tôi vẫn viết, vì những dòng viết này còn mang theo bao niềm hi vọng của những người dân nhỏ bé và đặc biệt là những ước mơ, hoài bão còn chưa thực hiện của các học trò đang ngày ngày quấn quít bên tôi.
Tôi lớn lên từ trong lấm láp của những ngày chăn trâu cắt cỏ ở đất mỏ Nông Sơn. Cũng như lũ bạn cùng trang lứa, cùng nghèo khổ, nhưng không thôi mơ ước ngày mai sẽ đổi đời bằng con đường học tập. Ngày ra trường đại học, tôi tìm cho mình một miền “đất hứa” để dừng chân. Duyên phận đã đưa tôi đến với Trà My. Tôi chọn nơi này để gửi bao ước mơ và nguyện đem sức trẻ, trí tuệ, tình yêu cống hiến cho đời; ngày ngày tìm niềm vui bên trang giáo án và đám học trò ngây thơ, đáng yêu trên vùng sơn cước bình yên này.
Mười ba năm trôi qua, tôi sống hạnh phúc với những gì mình đã chọn. Nhìn những đứa học trò hiền ngoan tươi cười đến lớp, lòng tôi rộn rã, tôi thật sự bằng lòng với những gì mình đã chọn lựa.
Nhưng sự bình yên dưới mái trường thân yêu của tôi bỗng chốc bị xáo trộn. Đầu tiên là những con đường bị băm nát bởi những vết xe ngày đêm hùng hục chở đất đá ngăn sông đắp đập. Đám học trò tôi chen chân trong cát bụi đến trường.
Rồi hôm nay, những cơn dư chấn của lòng đất đã tạo thành “dư chấn” của lòng tôi. Những tiếng nổ như tiếng sấm đêm đêm vọng về khiến mọi thứ bất an. Những vết nứt của những con đường, những ngôi nhà, những mái trường, công sở đã tượng hình niềm lo âu, nỗi sợ hãi cho các em học sinh và người dân lam lũ mà bình yên bên những cánh rừng, bên dòng sông Tranh thơ mộng ngày nào.
Tôi không biết phải giải thích thế nào với học trò mình về động đất. Tôi càng không biết huấn luyện các em ứng phó với thảm họa như thế nào. Học trò tôi ở lứa tuổi cấp III, khi trường rung các em nam ngồi gần cửa sổ thì nhảy vụt ra ngoài, các em nữ thì đứng co ro nơi góc tường hoặc chui tọt xuống gầm bàn. Có hôm cô trò ôm nhau khóc... Nhưng những đồng nghiệp của tôi, những cô giáo dạy cấp I, II học trò non nớt hơn nên mỗi lần động đất là một lần thất thần.
 Trẻ con, học sinh là những đối tượng rất dễ bị tổn thương trong bất kỳ hoàn cảnh nào, lẽ ra phải được sống trong sự bảo bọc của gia đình và xã hội. Gầm bàn, góc tường hay những cú nhảy băng qua cửa sổ theo bản năng mà phản ứng sinh tồn các em có được sẽ không an toàn nếu các em không có kiến thức về động đất. Hơn bao giờ hết, các nhà chuyên môn hãy đến đây dạy cho cô trò chúng tôi lúc này những kiến thức về động đất.
Cầm bút viết những dòng này tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi bao cơn “giận dữ” của lòng đất và bao ánh mắt thất thần của học sinh ngay trong giờ giảng của tôi. Quả thật, động đất - điều tưởng chừng như giấc chiêm bao - giờ là sự thật khốc liệt đã và đang xảy ra, không biết đến bao giờ kết thúc trên mảnh đất Bắc Trà My này.
Nhìn cảnh người dân lúng túng ứng phó hay lo sợ bỏ làng ra đi, chứng kiến bao phụ huynh làm đơn chuyển trường cho con, trải nghiệm cuộc sống xáo trộn, nghe những câu nói ngây ngô: “Học làm chi rồi cũng chết cô ơi...”, “Động đất nữa hả mẹ...”, lòng tôi thật đau xót vô cùng. Là một giáo viên, tôi chẳng thể làm được gì ngoài tấm lòng chia sẻ chân thành với phụ huynh, với học trò... mà tấm lòng của tôi thì có giúp được gì cho họ trong lúc cấp bách này. Tôi cũng từng đem chút kiến thức nhỏ nhoi về kỹ năng ứng phó với động đất đã góp nhặt được trên mạng “khuyến mãi” để trấn an các em học sinh nhưng không sao làm các em tin được.
Tôi mong những dòng chữ này đến được với các cơ quan chức năng, tha thiết mong họ hiểu được nỗi lòng của tôi cũng như bao người dân trên mảnh đất Trà My nghèo khó này. Tôi cũng tha thiết mong ngành giáo dục, các cơ quan hữu quan sớm có giải pháp cụ thể, thiết thực giúp chúng tôi an tâm sống, công tác, học tập và cống hiến để ngày ngày những bước chân đến trường thêm vững chắc, những tiếng cười thêm rộn rã, những ước mơ, hoài bão được bay cao.
HUYỀN THI (Quảng Nam)

Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

Cầu Kỳ Lam


Chỉ là một cây cầu đường sắt có hành lang cho xe máy và người đi bộ đi nhờ bên cạnh. Cầu bắc qua sông Thu Bồn đoạn sông chảy qua đôi bờ Điện Quang bên ni và Điện Thọ bên tê. Có thể với người nơi khác thì chỉ có vậy. Nhưng với chúng tôi-  những đứa con của ruộng lúa biềng dâu Gò Nỗi, thì Cầu Kỳ Lam ăm ắp nghĩa tình.


Con thuyền hiếm hoi còn lại với sông quê

Từ  Điện Thọ qua cầu, thấy núi Hòn Tàu phía xa nớ


Ai đang qua cầu rứa hè?

Sừng sững giữa mây trời


Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2012

Nết người


Anh tcd  trong bài: Em gái cùng quê  trên bantbe.blogspot.com trêu mình là: “làm chủ cả một thằng Quế hoành tráng”. Mình không bao giờ dám làm chủ. Mình chỉ may mắn đi bên cạnh cuộc đời một anh Quế đã hai mươi năm, nên cũng nghiệm ra được đôi nét về cái nết riêng chung.

Tụ tập. bất kể ngày thường ngày tết. Bất kể mưa hay nắng, gần hay xa, hễ có gọi là có đi. Những hôm không ai gọi thì tự đi tìm nhau.

Nói tục. Bình thường hiền lành là thế, mà cứ gặp là tranh nhau nói to và văng tục.

Ngang tàng, bỗ bã:  mày mày tao tao, rồi con này, thằng kia... như chỗ không người. Người ngoài hội, nếu tình cờ nghe có khi phát hoảng. 

 Ham chơi. Có hôm đi uống cà phê từ sáng đến 7h tối mới về đến nhà. Lí do: bạn rủ đi Hội An. 
Ngồi buồn nhớ bạn bè ở Sài Gòn,Vũng Tàu.Vợ thấy tội nghiệp nên động viên:  hôm nào rỗi thì đi. Vừa dứt câu đã thấy điện thoại mua vé máy bay. Đi một hơi 3 ngày mới về. Mang theo  một kho chuyện kể.

Hay kể chuyện ngày xưa. Ngồi lại là kể chuyện ngày xưa, bắt đầu là: hồi ở Trường HSMN...toàn chuyện người nghe đã thuộc, người kể lần nào cũng nhiệt tình như mới.

Còn nhiều lắm những nết mà hsmn nhà mình và bạn bè anh rất điển hình không thể lẫn với ai được... Kể ngàn ngày chưa hết. Nhưng bên dưới lớp vỏ xù xì gân guốc, ngang tàng đôi khi có chút thô thiển ấy, là những tâm hồn nhạy cảm thấm đẫm yêu thương, nhân hậu, thật thà như khoai như sắn.

Đỗ Cân từ Tiên Phước xuống chơi nhà bạn chê: cây trong vườn chúng mày xấu đui xấu điếc. Anh Ưng Quang Hồ mất đã mãn tang, cây đinh lăng tự tay anh trồng cho vẫn xanh tươi trong chậu trước nhà. Anh Huyền - Quảng Ngãi mình chưa hề biết mặt. Anh bị tai biến, trước lúc đi mấy ngày đã điện thoại cho mình. Lần ấy anh đã khóc.

Cha mẹ sinh ra, đặt cho mỗi người một tên riêng, lịch sử lại cho các anh các chị có thêm một cái tên chung là HSMN. Dẫu tuổi đời có là 50, 60, 70 hay rồi sẽ đến 90 đi nữa. Dấu ấn cuộc đời vẫn sâu đậm mãi ở tuổi mười một mười hai - dưới những  mái trường HSMN thân yêu ngày ấy.

Tháng chín, ngồi nghe mưa đêm. Mình ghi lại vài dòng để các con biết thêm về ba và bạn bè ba một thủa
ttt  đn 15/9/2012


Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012

Nuôi chim


Ba sắp nhỏ thường kể chuyện tuổi thơ mê nuôi chim thế nọ thế kia... Mình bèn tìm mua cho chồng một cặp đến là đẹp. Sắm cho đôi chim một cái lồng có hình lâu đài mở, treo trên cây trứng cá trước nhà.

Rồi một hôm trời mưa cả nhà đi vắng, chim bị ướt. Hôm sau thì bị bệnh và chết mất một con. Con còn lại lẻ bạn buồn hiu hắt: nó ăn uống cầm chừng, thân hình ủ rủ, thôi không còn nhảy nhót, đứng một chỗ vật vờ. Vợ chồng bàn nhau trả nó về trời... Ra khỏi lồng rồi, nó như còn lưu luyến. Mãi mới vỗ cánh bay đi.

Dịp sinh nhật con trai 6 tuổi mình lại tìm mua một cặp làm quà cho cả ba cha con. Lần này tiêu chí là không cần đẹp. Người bán nói với mình nó là loài chim núi rất khỏe mạnh. Nhìn cũng màu sắc, vậy là mua. Mỉu và Zippo bàn nhau đặt tên: một con là Khẩu (núi), một con là Khiểu (xanh). Hai con nhỏ với hai con chim nhà có lúc như có bốn đứa trẻ, có lúc lại như có những bốn con chim. 

Mùa thu năm đó chúng mình đưa hai con về thăm quê Việt Nam. Khẩu và Khiểu được gửi sang nhà Mẹ Đi bên cạnh với thức ăn là một cân lúa. Hàng xóm nhà rộng lại có vườn cây. Các em Đi, em Na gọi: Khẩu! Khẩu! Khiểu! Khiểu! giọng triều mến. Vợ anh Khăm Coong nói: Mẹ Zippo yên tâm đi chơi vui vẻ. Để nó lại đó em nuôi cho.

Hai tuần sau từ Việt Nam trở lại Viêng Chăn, mẹ Đi bảo: chim của chị ở trong ngăn đá tủ lạnh. Chúng nó chết rồi. Hai con chim xinh đẹp ấy. Xác nó em ướp lạnh chờ chị sang. Con trai tiu nghỉu. Con gái ấm ức. Ba nó lặng  thinh.

Nhà mình chuyển về lại Việt Nam. Vườn cây xanh mát um tùm và căn nhà gỗ ba gian lợp ngói trong khuôn viên môt ngàn một trăm bốn lăm mét vuông của gia đình lớn, mẹ mình cho các em phá đi để xây nhà bê tông mới. Phần đất còn lại mình dựng tạm căn nhà khác. Thiếu cây xanh. Nắng nóng như rang trong chảo.. Lại bắt đầu trồng cây. Lần này không còn đất nên cây phải trồng vào chậu. Khó khăn, nhưng gì thì gì không có cây cối mình khó sống. Anh Hồ- bạn HSMN của ba Tr và cũng là hàng xóm thấy thương kéo cây từ vườn nhà anh sang góp cho. Cám ơn anh lắm lắm....Mình lại có vườn. Sáng sáng chiều chiều đã lại có chim về.

Có đôi chim sẻ chọn cây Hoàng lan dưới cửa sổ nhà mình xây tổ. Ba Tr và các con hồi hộp chờ đợi. Đi đâu thấy cọng rơm, cọng cỏ khô ba đều nhặt về nói là để cho chim gom mà làm tổ. Một ngày mình rón rén đến xem, thấy tổ chim đã có 4 quả trứng. Những ngày chim mẹ chim bố ấp trứng ba lẳng lặng vãi ít gạo gần đó để tiếp tế. Rồi một  chiều cả  bốn chim non đều nở, tiếng kêu chim chíp chim chip. Chim non lớn dần nhưng vẫn chưa mở mắt. Chim bố chim mẹ tất tả kiếm mồi. Cả nhà như vừa mới thêm em bé. Ba Tr và các con cũng hồi hộp, yêu thương chăm bẵm.

Bọn trẻ con xóm dưới bắt đầu hay dừng lại trước nhà. Ba nói phải canh chừng chúng. Mình nghĩ trẻ con chúng nó cũng yêu muôn thú như con mình, nên kệ.

Đến ngày thứ ba thì chính bọn trẻ ấy - dẫn đầu là một thằng thanh niên tóc dài ngồi xe lăn đã bắt mất cả bốn con chim non còn chưa mở mắt. Gia đình nhà chim tan tác. Em Mỉu mắt rưng rưng. Zippo uất ức. Ba Tr chết lặng.

Mình lại chuyển nhà. Nơi ở mới có một khoảng sân chừng năm mươi mét vuông, dọc hai bên tường thành để chậu cây cảnh. Bọn chim sâu, chim sẻ thường đến dạo chơi, kiếm mồi. Cha con nhà chủ vãi thức ăn cho chúng. Lâu dần thành quen, sáng sáng chiều chiều chim về nhẩn nha ăn, đùa vui ríu rít, làm lay động mấy con bướm vàng, bướm nâu đang say sưa bên mấy khóm hoa. Ngày mưa, thức ăn khó kiếm, chúng gọi nhau về bất kể giờ giấc, nghe lao xao.

Phận đời nhỏ nhoi yếu đuối. Chim và người tựa vào nhau mà sống. Mảnh sân trước nhà là chốn đi về. Chim trời lúc đói có hạt cơm nguội ... đỡ xót lòng.


hình ảnh chim sẻ về ăn tối trong sân nhà...

ttt.